Trong gia đình người đàn ông luôn đóng vai trò “trụ cột”. Tuy nhiên không phải bất kì người đàn ông nào cũng làm tốt vai trò đó của mình. Thực tế cho thấy có rất nhiều người phụ nữ phải trở thành chèo chống bất đắc dĩ. | |
Thứ Tư, 29/02/2012 - 11:22
Muôn hình vạn dạng những ông chồng
Trong gia đình người đàn ông luôn đóng vai trò “trụ cột”. Tuy nhiên không phải bất kì người đàn ông nào cũng làm tốt vai trò đó của mình. Thực tế cho thấy có rất nhiều người phụ nữ phải trở thành chèo chống bất đắc dĩ.
Những ông chồng ăn bám
Điển hình của mẫu người đàn ông không làm tốt vai trò của một người chồng, người cha trong gia đình là những người lười nhác, ỷ lại và ăn bám. Họ không nuôi sống được bản thân mình chứ đừng nói lo toan, gánh vác việc gia đình. Thúy lấy Đức trong niềm vui hân hoan của họ hàng. Bởi lẽ gia đình Đức thuộc loại giàu có nhất nhì khu phố. Ngày yêu, Đức tỏ ra là anh chàng ga lăng, quan tâm chu đáo tới người yêu. Bất cứ khi nào Thúy cần là Đức có mặt và giúp đỡ cô. Bởi thế mà trong số nhiều anh chàng theo đuổi mình, mặc dù không có công việc ổn định như người khác nhưng Thúy quyết định nên duyên vợ chồng với Đức vì nghĩ anh có thể là người chồng tốt, lo lắng chu toàn cho cuộc sống gia đình sau này.
Hai vợ chồng Thúy được bố mẹ chồng mở cho một cửa hàng bán đồ điện tử khá lớn. Trong vai trò là ông chủ, bà chủ Đức và Thúy chỉ việc ngồi trông coi cửa hàng, cuộc sống có thể coi là nhàn hạ. Cũng chính bởi từ bé đến lớn không phải lo làm ăn mà có bố mẹ lo cho sẵn nên Đức rất lười nhác, tối ngày la cà quá xá. Những ngày đầu Đức còn ở nhà bán hàng với vợ, sau này thấy công việc đó đơn giản nên Đức đi chơi bời nhậu nhẹt suốt.
Đức không hề quan tâm tới công việc làm ăn buôn bán ra sao. Anh ta chỉ về nhà và đòi vợ đưa tiền để đi ăn chơi. Nhiều lần Đức cầm cả số tiền lớn đi đánh bạc, Thúy xót ruột kêu ca, Đức quay lại phản bác: “Tôi nói cho cô biết, cửa hàng này là do bố mẹ tôi mở cho, tôi có quyền được hưởng lãi từ nó”. Mọi việc trong gia đình một mình Thúy phải lo liệu bởi lẽ mỗi khi có việc hệ trọng cần bàn bạc với chồng thì Đức toàn bận cho những cuộc vui của riêng mình. Thậm chí ngay cả khi nhìn thấy sự thay đổi nào đó Đức cũng chẳng thèm bận tâm. Cái mà anh ta quan tâm là làm sao hàng ngày có tiền để ăn chơi, về nhà có người phục vụ cơm nước đầy đủ.
Vẫn biết mình lấy phải người chồng ăn bám, ỷ lại, vô trách nhiệm nên lâu dần Thúy không còn than trách mà gắng đảm đương tốt mọi việc để chu toàn cho cuộc sống. Nhưng ngày cô sinh đứa con đầu lòng, phải tự mình gọi taxi tới bệnh viện, một mình vượt cạn trong khi chồng vì mải nhậu với bạn bè không biết Thúy mới thấy cuộc đời cay đắng làm sao khi không có được một chỗ dựa vững chắc bên mình.
Những ông chồng bạc nhược
Ai cũng nói Hằng may mắn khi lấy được người chồng hiền lành, chịu thương chịu khó. Nhưng nhiều lúc Hằng cảm thấy chán nản và buồn bã cũng chính bởi cái sự hiền lành đến mức mất hết thế mạnh của một người đàn ông ở chồng. Khải là người có trách nhiệm với gia đình. Anh chịu khó làm ăn để chăm lo cho tổ ấm của mình. Không bao giờ người ta thấy anh trách cứ hay mắng mỏ vợ con điều gì. Đó là điểm mạnh và cũng là điểm yếu của Khải.
Hằng là một người vợ khá sắc sảo và đảm đang. Chính bởi lấy được một người vợ như vậy nên phần lớn mọi việc trong gia đình Khải đều tin tưởng để cho vợ quyết định. Câu nói cửa miệng của Khải mỗi khi vợ có điều gì đó cần bàn bạc, xin ý kiến thường là: “Tùy em thôi”, “Thế nào cũng được”, “Anh không có ý kiến”… Mỗi lần có việc gì đó quan trọng muốn được cùng chồng tính toán mà nghe câu nói ấy của Khải, Hằng thấy ấm ức vô cùng. Cô có cảm giác mình có chồng cũng như không. Chẳng thà anh cứ gia trưởng, độc đoán một chút nhưng còn có cái uy của một người làm chồng, làm cha trong gia đình để đưa ra quyết định trong những việc trọng đại còn hơn là điều gì anh cũng “nhường” cho vợ như thế.
Nhiều lúc Hằng cảm thấy mệt mỏi vì dường như cô mới là người trụ cột trong nhà. Công to việc lớn gì cũng đều chỉ có một mình cô quyết định. Có lần sau khi bàn với chồng về việc chung vốn làm ăn với vợ chồng anh cả, câu mà Hằng nhận về lại là: “Em thấy hợp lí thì cứ làm thôi, anh không có ý kiền gì”, Hằng bực mình quá hét lên: “Anh có phải là đàn ông không thế, trong cái nhà này, có việc gì anh đưa ra nổi một quyết định hay không? Cái gì anh cũng ‘tùy’, ‘thế nào cũng được’… Em cần một người chồng làm trụ cột trong nhà chứ không phải là người đưa em lên làm chồng như thế”. Trước sự nóng giận của vợ, Khải vẫn điềm nhiên trả lời: “Em lạ thật đấy, chồng gia trưởng độc đoán em kêu ca đã đành, đằng này cái gì anh cũng tôn trọng em, em cũng nói anh được. Bây giờ xã hội công bằng rồi, vợ hay chồng quyết định thì có sao đâu?”. Nghe chồng nói thế, Hằng quay vào phòng nằm khóc.
Những ông chồng ỷ thế đồng tiền
Không giống như trường hợp của Thúy, Hoa có phần may mắn hơn. Chồng Hoa là một người đàn ông thông minh, thành đạt trong cuộc sống. Anh đảm nhận một chức vụ cao trong công ty. Hàng tháng số tiền anh đưa về cho vợ con đảm bảo để cả gia đình có một cuộc sống sung túc.
Thuận theo ý chồng, Hoa nghỉ việc ở nhà chăm lo con cái. Mỗi tháng chồng cô đưa cho cô đủ tiền để lo liệu mọi việc trong gia đình. Người ngoài nhìn vào ai cũng bảo cô tốt số, nhàn hạ, mọi thứ đều có chồng lo cho hết. Nhưng nào ai có hiểu, cô cũng phải là người tự mình đưa ra mọi quyết định mỗi khi có việc cần bởi lẽ chồng Hoa chỉ có mỗi một nhiệm vụ là kiếm tiền, quẳng tiền cho vợ muốn làm gì thì làm, còn tất cả những việc khác trong gia đình anh mặc kệ.
Đã có không biết bao nhiêu lần Hoa nhận được từ chồng thái độ dửng dưng như việc của ai mỗi khi cô cần bàn bạc với anh. Từ việc đứa con gái lớn đến tuổi đi học nên cho con học trường nào cho tốt, việc bố mẹ chồng muốn hai vợ chồng cô thêm tiền để ông bà về quê xây nhà ở, việc chu cấp hàng tháng cho cô em chồng đang đi học theo lời đề nghị của bố mẹ anh… Mỗi lần có việc khó khăn, không biết xử lí ra sao Hoa muốn hỏi ý kiến chồng thì anh đều gắt lên: “Cô có thấy cô vô tác dụng không? Đã không phải làm gì, chỉ có ở nhà ăn chơi thôi, kiếm tiền đã có tôi lo vậy mà việc gì cũng làm tôi phải đau đầu. Cô không tự mình giải quyết được à? Nếu cô muốn tôi lo liệu những việc đó thì cô đi kiếm tiền đi, tôi ở nhà tự làm hết”.
Trong xã hội hiện đại hôm nay, phụ nữ đã có thể tự làm được rất nhiều việc. Tuy nhiên, trong gia đình, người phụ nữ vẫn luôn cần một sự che chở, bao bọc, cần một người chồng của mình “đứng mũi chịu sào” trước những tình huống khó khăn. Và dù được bao biện bởi bất kì lí do nào đi chăng nữa, thì những ông chồng đùn đẩy mọi việc cho vợ vẫn là những người chồng thiếu trách nhiệm. Vì vậy những người chồng hãy luôn chứng tỏ tình yêu đối với vợ, chứng tỏ bản lĩnh đàn ông của mình bằng việc là một trụ cột vững chắc trong gia đình.
Theo Lam Giang TTVN |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|