Ảnh: timeinc.net. |
Các tác giả từ Đại học British Columbia đã so sánh một nhóm hơn 937.000 trẻ tuổi từ 6 đến 12 và phân tích nguy cơ chúng bị chẩn đoán tăng động giảm chú ý.
Họ phát hiện thấy những cậu bé sinh tháng 12 thì có nguy cơ bị chẩn đoán mắc hội chứng này cao hơn 30% (và có nguy cơ bị kê thuốc chữa bệnh nhiều hơn 41%) so với các cậu bé sinh tháng 1. Nguy cơ này thậm chí cao hơn ở các bé gái sinh cuối năm - khi hai chỉ số trên lần lượt là 70% và 77%.
Mô hình này được coi là ảnh hưởng tương đối của tuổi.
Theo các tác giả, đó là bởi trẻ em sinh trước ngày 31/12 sẽ vào học cùng một lớp, điều đó có nghĩa là một số trẻ tuy cùng nhóm tuổi nhưng lại chào đời cách xa nhau đến gần một năm. Kết quả là, chúng non nớt hơn nhiều so với các bạn sinh đầu năm đó.
"Dường như sự non tháng của nhóm trẻ nhỏ cùng lớp đôi khi bị hiểu nhầm là triệu chứng của một số rối loạn hành vi, như tăng động giảm chú ý", trưởng nhóm nghiên cứu Richard Morrow cho biết. "Đôi khi một số trẻ có vẻ giống với các tiêu chí chẩn đoán tăng động, nhưng thực ra chúng lại bị chẩn đoán nhầm".
Tuy nhiên, tiến sĩ Jim McGough, về nhi khoa lâm sàng tại Trường Y David Geffen, cho rằng khi trẻ đã được chẩn đoán tăng động, thì chắc chắn chúng bị tăng động. Chỉ có điều về sau, một nửa trong số trẻ này lại không còn những triệu chứng đó nữa.
Còn Morrow hy vọng rằng nghiên cứu của ông sẽ khiến các bác sĩ và chuyên gia lâm sàng tính toán cẩn trọng hơn ảnh hưởng tương đối của tuổi, khi đánh giá trẻ có bị tăng động hay không, bởi nếu không có trẻ sẽ bị uống thuốc oan, trong khi đáng lý chúng không nên uống.
Bà cũng cho rằng không thể chỉ đánh giá trẻ qua hoạt động ở trường, mà còn ở nhà và nhiều nơi khác nữa.
T. An