Bằng giọng buồn bã, bà Lee kể về lý do khiến bà hiện phải sống trong căn nhà thuê tồi tàn ở Đài Bắc (Đài Loan), không còn khoản nào trong ngân hàng và mất liên lạc với ba cô con gái và một người con trai. Bà kiếm được 500 Đài tệ (khoảng 17 USD) mỗi tháng nhờ việc bán phế liệu.
"Tôi đã khóc nhiều tới nỗi mắt lòa đi. Bây giờ, tôi cố gắng không nghĩ nhiều về những điều đã xảy ra nữa", bà nói rồi ngồi xuống bên đống thùng giấy, vỏ chai nhựa vừa nhặt trên đường.
Theo Thời báo Đài Bắc, bà Lee là đại diện cho một lớp người già ở Đài Loan - những người mất tất cả vì sự thay đổi giá trị gia đình, khi con cái chẳng quan tâm tới việc báo hiếu bố mẹ nữa.
Cuộc đời của bà rẽ sang trang tồi tệ 13 năm trước, khi vợ chồng người con gái lớn hỏi vay toàn bộ số tiền người mẹ góa có để làm ăn. Họ không bao giờ trả lại bà tiền và cũng chẳng xuất hiện trước mặt bà nữa.
"Tôi không bao giờ nghĩ là đứa con rể lại lừa lấy toàn bộ tiền bạc của mình như thế. Số phận thật trêu ngươi", bà thổ lộ.
Từ đó, người con gái thứ hai cũng chẳng đoái hoài gì tới mẹ, còn người con trai duy nhất của bà thì đang ở trong tù vì sử dụng may túy, trong khi cô út lại quá khó khăn, không thể đủ tài chính lo cho mẹ bằng nghề thợ may.
Bà Lee Hua, 77 tuổi, sống một mình trong căn phòng trọ tồi tàn ở Đài Bắc. Ảnh: AFP. |
Theo dữ liệu mới nhất do chính phủ Đài Loan công bố, năm 2010 nước này có gần 2.800 người già là nạn nhân của trình trạng lạm dụng, bỏ rơi và phải tìm kiếm sự hỗ trợ, tăng hơn hẳn so với con số 2.100 người năm 2009.
Tuy nhiên, theo giám đốc điều hành Quỹ người cao tuổi Lee Hsiung thì con số thực còn cao hơn nhiều bởi không ít cụ vẫn sợ mất mặt hơn là thừa nhận họ có những đứa con bất hiếu.
Các nhân viên viên xã hội cho rằng, trường hợp của bà Lee Hua không phải là hiếm. Wu Chiang-sheng, nhân viên của Tổ chức người cao tuổi tại Đài Bắc cho biết, anh từng gặp nhiều trường hợp còn khổ sở hơn cả bà Lee, chẳng hạn, một cụ bà 90 tuổi có 7 người con nhưng không ai muốn gánh trách nhiệm chăm sóc mẹ.
Wu cho biết, một hình thức lạm dụng kinh tế với người cao tuổi khác là, những người con, dù đã trưởng thành, khỏe mạnh, thậm chí có học vấn, nhưng lại không chịu đi làm và sống dựa dẫm vào bố mẹ. Nhiều người cao niên khác thì phải nuôi các cháu, khi con cái họ vật lộn tìm việc làm.
Văn hóa truyền thống Trung Quốc rất coi trọng lòng hiếu thảo và đề cao người đàn ông. Những người đã kết hôn thường vẫn sống chung với bố mẹ để tiện chăm sóc đấng sinh thành. Câu ngạn ngữ phổ biến ở Đài Loan "nuôi con để trông mong lúc về già" - từng đúng ở đất nước này.
Thế nhưng, ngày nay, cấu trúc gia đình đã thay đổi khi các cặp vợ chồng chọn sinh ít con hơn. Đài Loan trở thành một trong những nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, và ngày càng nhiều người trưởng thành thích sống độc lập. Cùng với đó, dân số 23 triệu của Đài Loan đang già đi nhanh chóng, với số người trên 65 tuổi chiếm tới 10,7% tổng số dân.
Trước tình trạng số lượng người già bị bỏ rơi ngày càng tăng, chính phủ đang xem xét dự luật sẽ bỏ tù những người đã trưởng thành nhưng không chăm sóc bố mẹ già từ một năm trở lên.
"Tôi nghĩ những người ở độ tuổi 40, 50 nên chuẩn bị ứng phó và đừng mong đợi quá nhiều vào sự phụng dưỡng của con cái khi mình về già. Họ nên có một kế hoạch tích cực cho cuộc sống của mình sau khi về hưu", ông Lee Hsiung bày tỏ.
Tổ chức phúc lợi cho người cao tuổi đang đẩy mạnh chương trình "an toàn kinh tế cho người già" bằng cách khuyến khích các công dân này gửi tiền vào những quỹ uy tín.
Những người khác thì cho rằng nên suy nghĩ lại về việc đặt trách nhiệm chăm sóc người già lên vai những người trẻ.
Lãnh đạo Đài Loan, ông Ma Ying-jeou cho rằng việc chăm sóc người già là một thách thức lớn cho chính quyền, và lên kế hoạch ban hành một luật mới nhằm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi vào năm 2017. Trước mắt, trong năm nay, chính phủ sẽ thử nghiệm chương trình "thế chấp ngược", cho phép những người già không con cái thế chấp nhà cho ngân hàng để được trợ cấp một khoản hằng tháng, trong khi vẫn sống tại đó cho tới lúc qua đời.
Tuy nhiên, với bà Lee Hua, thì những gì có thể nhận được từ sự trợ giúp của chính phủ vẫn quá xa vời. "Họ không thể làm gì nhiều, đặc biệt khi nền kinh tế đang khó khăn. Tôi chỉ hy vọng một ngày nào đó con trai tôi sẽ ra tù, có một công việc ổn định và chăm lo cho tôi", bà nói.
Vương Linh