NSƯT Tạ Tấn sinh năm 1925, tên thật là Tạ Duy Thái, quê ở La Phù, Hoài Đức (Hà Tây cũ), nay là Hà Nội. Ông thuộc thế hệ những người đầu tiên góp phần thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và là người có công mở lớp guitar chuyên nghiệp đầu tiên ở nước ta (1956-1965). Ông cũng sớm biên soạn sách tự học guitar và chuyển soạn thành công nhiều bản dân ca cho guitar.
NSƯT Tạ Tấn. |
Suốt 30 năm giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, Tạ Tấn đã góp phần hình thành một thế hệ guitar tài danh như Trần Văn Thân, Ngô Đăng Quang, Nguyễn Lương Bình, Nguyễn Đức, Nguyễn Văn Di, Lê Hùng Phong... Tiêu biểu là Đặng Ngọc Long, Phó Chủ nhiệm khoa guitar Nhạc viện Berlin (CHLB Đức) - người từng đoạt giải thưởng đặc biệt tại cuộc thi quốc tế Villa-Lobos tại Hungary (có sự tham gia của thí sinh 30 quốc gia). Với công lao đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990.
Tạ Tấn là người sớm biên soạn sách tự học guitar và được tái bản nhiều lần. Ông còn là một trong số những nhạc sĩ có nhiều thành công trong việc chuyển soạn dân ca cho guitar được nhiều nhà xuất bản phát hành. Ông hiểu đặc điểm dân ca từng vùng và biết cách khai thác những thủ pháp kỹ thuật phù hợp từng bài, biểu hiện khả năng đa dạng của cây đàn guitar.
15 tập dân ca chuyển soạn cho guitar thể hiện sức lao động nghệ thuật khá dày công của ông. Trong đó nhiều bản có giá trị cao làm tăng sự tinh tế sâu sắc cho cây đàn cũng như dân ca như: Hoa thơm bướm lượn, Trèo lên trái núi Thiên Thai, Yêu nhau ngả nón ra ngồi, Xe chỉ luồn kim, Lý cây đa, Trống cơm (dân ca quan họ Bắc Ninh), Inh lả ơi, Xòe hoa (dân ca Thái), Mặt trời quá nắng, Em ơi biết chăng (dân ca Raglai), Tình quê, Xẩm xoan, Cách cú, Lưu Thủy (nhạc chèo), Chị Mai đi chợ (dân ca H’mong), Ru con (dân ca Nam Bộ), Hát then (dân ca Tày), Lý thương nhau (dân ca Liên khu 5)...
Tạ Tấn kiên trì tự học guitar qua các tác phẩm của nhiều danh cầm nổi tiếng trên thế giới để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Ông có nhiều tác phẩm như Tiếng sáo tình yêu, Vũ khúc Tây Nguyên, Vũ khúc Tây Ban Nha đoạt giải. Đặc biệt, bản Lưu Thủy được Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật Mùa xuân (chuyên nghiệp) năm 1962. Tạ Tấn từng biểu diễn tại nhiều nước như: Cuba, Nga, Bulgary, Ba Lan...
Một tác phẩm hội họa của Tạ Tấn. |
Ngoài guitar, Tạ Tấn còn đam mê điêu khắc và hội họa, với tư cách là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Với đôi bàn tay tài hoa, Tạ Tấn đã biến những gốc sắn cong queo thành những bức tượng có đời sống riêng, sinh động, độc đáo. Khoảng 300 bức điêu khắc, tượng gốc sắn và nhiều tác phẩm hội họa của Tạ Tấn đã được bày tại các cuộc triển lãm trong nước.
Đối với Tạ Tấn, điêu khắc và âm nhạc là hai lĩnh vực nghệ thuật gắn bó với nhau, bổ khuyết cho nhau ở phương diện tư duy và thẩm mỹ. Ông tâm sự: "Trong âm nhạc hay điêu khắc vẫn là con người với những khát vọng về tình yêu, cuộc sống và lẽ sống công bằng, hạnh phúc... Lao động nghệ thuật luôn luôn là niềm vui với tôi!".
Lễ tang của Tạ Tấn được cử hành hôm 18/3 tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, Hà Nội.
Bảo Anh