Cơ quan có một nhân viên nam mới ra trường được đưa về phòng có đông phụ nữ. Trong đó, có một bà mẹ có con gái tuổi xấp xỉ đồng nghiệp trẻ này nhưng cô vẫn còn đi học chưa ra trường. | |
Thứ Tư, 28/03/2012 - 09:21
Đóa hoa hay con gà mái?
Cơ quan có một nhân viên nam mới ra trường được đưa về phòng có đông phụ nữ. Trong đó, có một bà mẹ có con gái tuổi xấp xỉ đồng nghiệp trẻ này nhưng cô vẫn còn đi học chưa ra trường.
Nghĩ đến con gái sau này cũng sẽ ra đi làm, bà mẹ không “giấu nghề”, sẵn sàng chỉ vẽ, hướng dẫn công việc cho người bạn trẻ.
Một hôm, bà nhờ cậu đồng nghiệp chạy lại đường dây điện cho phòng làm việc gọn gàng. Công việc kéo dài đến quá trưa, anh chàng có điện thoại của ai đó gọi về ăn cơm. Bà mẹ cứ tưởng người thân trong gia đình gọi cho cậu ta. Thế nhưng không phải! Hỏi ra mới biết đó là cô bạn gái. Tìm hiểu thêm, thì ra chàng thanh niên trẻ mới 23 tuổi này đang sống thử. Chàng đi làm, nàng cũng đi làm, buổi trưa nàng về sớm tranh thủ ghé chợ mua thức ăn, nấu cơm chờ chàng về ăn. Hôm đó thấy chàng về trễ, cô “vợ” trẻ sốt ruột gọi điện thoại.
Nghe thiên hạ một thời rần rần về chuyện sống thử trong giới trẻ đến nỗi, những người lớn có trách nhiệm phải lên báo cảnh báo; thế nhưng, bà mẹ nghĩ nó xa xôi lắm, không quan tâm. Giờ bà mới giật mình. Nhìn lại cậu đồng nghiệp trẻ, bà mẹ cứ thấy thế nào! Cái “thế nào” ở đây, trước tiên là về hình thức. Chàng thanh niên này chỉ đạt điểm trung bình yếu cho tiêu chuẩn ngoại hình. Tay chân lòng khòng, đi tới đâu không va chỗ này cũng chạm chỗ khác, làm đâu bỏ đó, cứ phải nhắc… Theo bà mẹ, vậy là chưa đạt chuẩn! Về tư cách đạo đức, bà mẹ chưa bàn đến vì chưa đủ thời gian để nhận xét về một con người.
Không ai cấm chuyện những người đã đủ tư cách pháp nhân sống với nhau khi chưa có giao ước hôn nhân; nhưng, theo bà mẹ, cô bạn gái ấy tuổi đời còn quá trẻ, trói buộc làm chi vai trò làm vợ một cách tự nguyện như vậy và quan trọng hơn, họ được gì? Được và mất, cái nào lớn hơn?
Bà mẹ biết, con tim có những lý lẽ riêng của nó, phân tích được, mất như vậy thì làm sao gọi là tình yêu? Erich. Segal cũng đã nói: “Yêu có nghĩa là không phải nói rất tiếc” cơ mà! Hay là con tim bà mẹ chai sạn, không còn quan tâm đến cảm giác yêu là cho và nhận thế nào nữa?
Phân tích thiệt hơn, bà mẹ thấy rằng, tất nhiên đã yêu là không tính toán; nhưng, trong các trường hợp sống thử khi mà họ còn quá trẻ để trói buộc mình, cho dù là một trói buộc vô hình như vậy thì có nên không? Chàng thanh niên này đã có gì, làm gì mà cô gái trẻ kia phải lệ thuộc như vậy? Bây giờ mới chỉ là thử mà người con gái đã phải đặt mình vào một hoàn cảnh luôn ở vai trò chờ đợi để săn sóc... một người dưng, một mai khi họ đã nhàm chán nhau, đường ai nấy đi một cách nhẹ nhàng còn may mắn, biết bao trường hợp sống thử với nhau rồi chia tay đâu có đơn giản? Họ đã có đủ trình độ để bảo đảm rằng việc sống thử này hoàn toàn an toàn về vấn đề giới tính?
Trông chuyện người, chợt nghĩ lại chuyện mình. Bà mẹ cũng có con gái tuy chưa rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng làm sao chắc chắn rằng việc đó không bao giờ xảy ra? Mấy người tỉnh táo khi yêu. Phụ nữ yêu bằng tai, nói ngọt lọt tới xương. Bây giờ bà mẹ không nhắc, cảnh báo con thì bao giờ?
Công bằng mà nói, bà mẹ không cổ hủ. Bà đang đứng trên quan điểm một người phụ nữ từng trải, được và mất cũng nhiều trong tình yêu. Theo ý bà, ở lứa tuổi còn quá trẻ ấy, không việc gì người phụ nữ phải trói buộc (giả) đời mình vào một ai đó, đóng vai trò làm vợ sớm như vậy! Bà mẹ nghĩ đến cảnh cha mẹ sinh ra con gái, chăm chút cho con từ khi mới lọt lòng, đi học cho đến khi ra trường, biết bao tình thương yêu và công sức “đầu tư” vào đó. Và, thất vọng làm sao, vừa mới ra trường, đi làm, lương tháng chưa được bao nhiêu, chưa cầm đồng tiền để tiêu xài cho thoải mái đã phải (vì tình yêu) phục vụ một “ai đó”, liệu có gắn bó, hy sinh cho mình cả đời? Đời còn dài, ngày mai đã thấy khác hôm qua, chuyện thay lòng đổi dạ đâu phải hiếm.
Suy nghĩ mãi, cuối cùng bà mẹ ghi đậm vào sổ tay hai điều cần nói gấp với con gái và (cần phải) nói nhiều, nói mãi rằng: Đừng bao giờ sống thử, hãy tận hưởng tình yêu ngọt ngào của một đóa hoa cần được chăm sóc, nâng niu chứ không phải làm một con gà mái xấu xí; và điều thứ hai cũng quan trọng không kém là nhận sự chăm sóc của một người đàn ông tự do chứ không phải của một người đang bị ràng buộc gia đình.
Theo Tâm An PNO |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|