Anh vẫn cái tính cả nể, nhu nhược, ai nói gì cũng thấy đúng, bất kể vợ con phải lăn lộn, khổ sở ra sao, không một lần nghĩ cho vợ. | |
Thứ Hai, 02/04/2012 - 04:58
Tiếc làm gì một con ma
(Dân trí) - Anh vẫn cái tính cả nể, nhu nhược, ai nói gì cũng thấy đúng, bất kể vợ con phải lăn lộn, khổ sở ra sao, không một lần nghĩ cho vợ.
Bà mẹ chồng thì vô tư tuyên bố: “Tao một đời hầu chồng, hầu con, giờ lại hầu cả cháu cả dâu nữa chắc”, bà kiên quyết không động tay chân vào bất cứ việc gì. Cháu tha thủi tự chơi, đến bữa mẹ chịu khó mà bón cho con ăn, bà kệ. Kể cả nhà có công có việc cũng một tay chị. Anh kêu bận lo việc lớn, ai mà đứng ôm hãm con được, trong khi chị một tay ôm con, một tay mướt mải làm lụng, kẻo bị các thím nguýt cho từ ngoài vào trong, từ đầu bữa đến cuối bữa chẳng bưng nổi bát cơm mà ăn.
Cảm giác như anh không hề tồn tại bên cạnh hai mẹ con chị. Mình chị vất vả một “chiến tuyến”. Rồi anh lại đổ là chị vụng, không biết nhường nhịn, dung hòa với mẹ chồng nên mới dẫn ra cơ sự này. Dồn nén suốt, nhẫn nhịn mãi chẳng ăn thua, chị thở dài, buông lỏng tay, hai mẹ con về nhà ngoại.
Mẹ anh đến tận nhà chị mắng mỏ, chửi bới cho láng giềng cùng biết bố mẹ chị không biết dạy con ra sao. Chị đau khổ, chán chường thương bố mẹ và xót xa thân mình, đến nước này thì cứu vãn được gì, chị nộp đơn ra tòa, nửa năm sau thì xong xuôi. Trước tòa anh nói vẫn còn yêu thương vợ con, tình cảm anh dành cho vợ con là mãi mãi, là duy nhất. Chị thoáng chạnh lòng nhưng nghĩ lại thấy hành động vô trách nhiệm, làm chồng cũng như không toàn đi ngược lại những câu, những giọng được bọc đường đó.
Nghe tin hai tuần sau ngày tòa xử li hôn anh dẫn người mới về, lúc ấy chị mới thấy cú và buồn cười cho miệng lưỡi con người. Chia tay nhau, chị coi anh như đã khuất. Quyết không liên lạc, để anh còn tiện đường “làm lại cuộc đời”, như mẹ anh từng răn.
Hôm anh gọi điện cho chị bảo để tâm sự, chị biết thừa hôm sau là ngày cưới nhưng lại cứ giấu và chối quanh. Chị nhắc có cho con về ăn cỗ không thì anh nói không, rồi nghĩ thế nào mà sáng hôm sau lại nhờ em gái sang đón. Làng xóm kể lúc dẫn cô dâu về, nó cứ nước mắt ngắn dài, nằng nặc đòi theo bố, khiến ai nấy ái ngại, chị nghe mà mắt cũng cay cay. Thương con, chỉ thương con mà thôi, đêm về chị lại đắn đo trách mình nóng vội.
Nhưng, ở nhà thì không sao, cứ đi làm anh lại gọi điện kể lể than thở với chị, chả rõ để làm gì. Anh nói mình ngu nên mới thuận tình ra tòa để rồi sai một ly đi một dặm. Cô kia đến đúng lúc nhà lục đục, anh đang mất thăng bằng nên sa ngã. Người ta có chửa và anh phải có trách nhiệm. Chị muốn cười vào cái câu “phải có trách nhiệm” ấy nhưng rồi lại nghĩ, anh thậm chí còn không đáng nhận được cái cười khẩy. Chị càng thấy anh vô hình như hồi còn sống chung. Kể từ đó anh gọi chị không nghe máy.
Anh gọi liên tục, một lần gọi vào giờ nghỉ trưa chị mắt nhắm mắt mở, ấn nhầm nút nghe, lại là giọng điệu than vãn. Nhiều lần không thấy chị nhấc máy, anh gọi bằng số lạ, rồi kêu muốn nói chuyện hỏi thăm con mà chị cấm đoán. Rồi lại tiếp tục nỉ non, tỉ tê cái giọng ướt rượt, kêu vợ mới và mẹ chồng không chịu được nhiệt, non hai tháng đã phải kéo nhau ra thuê nhà ở riêng, lấy cớ đi làm cho tiện. Cô ta đoảng quá, chẳng biết nấu nướng gì, cư xử thì như chó cắn ma.
Những câu ấy hẳn khi sống với chị anh sẽ mang ra rầu rĩ với các cô gái nhẹ dạ khác. Chị chép miệng, ra là anh vẫn chứng nào tật nấy. Vậy thì, tiếc làm gì một con ma…
TSL |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|