Lần đầu chuyển phòng trọ đến cái hẻm này tôi thấy mình xa lạ, lạc lõng nếu không muốn nói là dị ứng. Cả hẻm vẻn vẹn năm dãy nhà trọ nhưng như một xã hội thu nhỏ với đủ loại số phận, xuất thân, đủ mọi loại nghề. | |
Thứ Hai, 09/04/2012 - 08:24
Chị Trâm
(Dân trí) - Lần đầu chuyển phòng trọ đến cái hẻm này tôi thấy mình xa lạ, lạc lõng nếu không muốn nói là dị ứng. Cả hẻm vẻn vẹn năm dãy nhà trọ nhưng như một xã hội thu nhỏ với đủ loại số phận, xuất thân, đủ mọi loại nghề.
Cuộc sống mưu sinh ai ai cũng lao đao trong vòng xoáy kim tiền. Đến như mấy vị giảng viên, học hàm học vị đầy mình tiền bạc lủ khủ vẫn xây nhà trọ cho thuê, một buổi đi dạy buổi ở nhà lau chùi nhà tắm, nhà vệ sinh... Đồng tiền quả có sức hấp dẫn lạ.
Lần đầu gặp anh chị tôi đã có ấn tượng ngay, trong cái hẻm nhỏ như lỗ mũi này ngày nào chẳng ra đụng vào chạm. Cũng như những cặp vợ chồng khác, anh chị dành dụm được khoản tiền, mua miếng đất xây căn nhà sáu phòng, hai phòng ở còn bốn phòng còn lại cho thuê. Họ không giàu nhưng có vẻ hạnh phúc, sáng sáng anh chở chị đi làm, chiều về sớm đón bé Su, con bé bụ bẫm, nước da trắng nõn, mái tóc xoăn tít như con Tây ai cũng thích bế. Nhìn chị như cô giáo hay nhân viên văn phòng, từ thân hình nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn đến cách ăn mặc có nhiều nét của một trí thức. Chỉ duy đôi mắt, đôi mắt to đượm buồn, mỗi lần đi qua chỗ đông người chị thường cúi mặt như lẩn tránh điều gì đó...
Mỗi lần hai chị em chung đường về, chị hay hỏi han chuyện học hành : “Nghe mấy đứa nhà chị bảo em học khá lắm phải không? Cố gắng lên nghe em”, tôi cũng không tiện hỏi chị làm gì... Một hôm tôi tha thẩn trước cổng thấy chị diện bộ vest đẹp nổ máy lao đi, bà chủ nhà tôi bĩu môi “Chắc khách sộp gọi đây mà! Ngữ ấy có dát vàng cũng chừng đó à”.
- “Thế chị ấy làm gì?”, Tôi ngô nghê hỏi lại.
- “gà” đó, tiếp viên đó, thằng chồng làm bảo kê, đôi lứa xứng đôi gớm”.
Thảo nào! Trong tôi hình như có cái gì rạn vỡ nhưng tôi vẫn không tin, đàn bà cái hẻm này cũng nhiều chuyện lắm...
Một hôm đám vô công rồi nghề trong hẻm tập trung trước bãi cỏ hoang ngồi nhậu, không đèn đuốc chúng rút hết chỗ gỗ anh chị làm nhà còn thừa đốt, khuya chị về thấy cơ cảnh ấy nổi máu tam bành lên, chị chửi, lần đầu thấy chị ngoa ngoắt đến thế, miệng lưỡi của dân giang hồ đầu đường xó chợ chứ không phải chị Trâm hay cúi mặt hàng ngày.
Thấy bọn tôi chị khẽ giật mình nói như phân bua: “Với người đàng hoàng tao lịch sự còn mất dạy như tụi mày tao không ngán đâu”, từ đó tôi nhìn chị bằng con mắt khác nhưng cũng nhiều lúc tự nhủ, cuộc sống có người không may mắn phải làm công việc mình không muốn nhưng vì miếng cơm manh áo sinh nhai.
Thấm thoắt bốn năm học trôi qua, chúng tôi háo hức tạm biệt cuộc đời sinh viên với bài ca mì tôm và lắm chuyện bi hài. Trước ngày ra trường chị gặp tôi, chúc tôi may mắn: “ Phải học thôi em ạ! Thời buổi này làm gì có học cũng dễ sống hơn... Ngày xưa vì nhà nghèo chị phải bỏ dở khi học năm thứ hai, bươn bả đủ nghề để kiếm sống”.
Bình thường tôi có thể coi đó là những câu sáo rỗng nhưng hôm nay tôi lại thấy bùi ngùi, đôi mắt cay cay, bỗng thấy chị dịu dàng đẹp lạ, trong tâm hồn những con người dưới đáy như chị vẫn ẩn chứa khát vọng sống, thiết tha với mái trường. Bọn chúng tôi đứa vừa đến đứa ra đi, chỉ có con hẻm ngày xưa vẫn vậy, buổi chiều tà lao xao ồn ã. Đêm đến, màn đêm nuốt chửng sâu hun hút với trăn trở của bao nhiêu số kiếp con người.
Đình Dũng |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|