Sinh con, nuôi nấng, dạy dỗ, bất kỳ người mẹ nào cũng mong con mình có một tương lai xán lạn, mẹ khổ cách mấy vẫn sẵn lòng hy sinh hết mọi thứ cho con. Có bà mẹ rạng rỡ, tự hào về thành công của con sau này, nhưng cũng có những bà mẹ… | |
Thứ Năm, 12/04/2012 - 11:33
Sợ...con
Sinh con, nuôi nấng, dạy dỗ, bất kỳ người mẹ nào cũng mong con mình có một tương lai xán lạn, mẹ khổ cách mấy vẫn sẵn lòng hy sinh hết mọi thứ cho con. Có bà mẹ rạng rỡ, tự hào về thành công của con sau này, nhưng cũng có những bà mẹ…
1. Bà mẹ 52 tuổi, là chủ một doanh nghiệp tư nhân đang thời kỳ ăn nên làm ra, có hai con, một con trai 30 tuổi và một con gái còn học phổ thông. Gầy dựng sự nghiệp một tay bà. Ông chồng vốn hiền, ít nói, nên bà gần như đóng vai trò chủ đạo. Bà mẹ lại kỹ tính từ chuyện ăn uống đến công việc làm nên bà “ôm sô” hết từ việc lên thực đơn hàng ngày, chỉ đạo cách nấu nướng đến coi ngó tiệm bán thiết bị điện máy.
Gia đình tạm gọi là êm ấm với tài thao lược của bà mẹ, cách cư xử biết điều của ông bố và cô con gái thì ngoan và học giỏi. Chỉ một điều bà mẹ còn băn khoăn là cậu con trai chưa chịu lập gia đình. Điều không hài lòng nữa là công việc của cậu ở một nhà hàng có vũ trường dù trong vai trò quản lý. Bà muốn cậu về quản lý cơ ngơi gia đình để bà dần có thể rút vào hậu trường. Theo ý bà, môi trường làm việc của cậu khá phức tạp, không hợp với nếp sống gia đình do giờ giấc cậu làm việc ngược với sinh hoạt chung của cả nhà. Ngày làm việc của cậu bắt đầu từ 5h chiều và kéo dài đến 2-3 h sáng. Một công việc lấy đêm làm ngày, bà không thích!
Và chuyện gì đến đã đến. Một hôm cậu bị thương khá nặng khi giải quyết một chuyện xung đột ở vũ trường. Đôi bàn chân của cậu gần như đứt lìa khi hứng trọn vết chém của bọn côn đồ.
Không ai đau khổ hơn bà mẹ. Bỏ cả công việc làm, bà đưa con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác với một ý chí sắt thép là trả đôi bàn chân bình thường lại cho con trai. Thế nhưng, trong quá trình chăm sóc con bà lại nhận quá nhiều lời la mắng từ cậu mỗi khi lên cơn đau. Từ những món ăn nấu kỹ, đầy đủ dinh dưỡng cho đến biện pháp vật lý trị liệu, công đoạn nào cậu cũng la mắng mẹ, đôi khi với những câu rất hồ đồ, không chấp nhận được: “Mẹ gì mà ngu si dốt nát quá!”.
Nuốt nước mắt vào trong, bà mẹ bám vào hy vọng mọi thứ rồi sẽ qua, mong một ngày con hết đau đớn, sẽ biết thương mẹ hơn. Tuy vậy, bà không trách con mà chỉ trách mình. Tại bà hết, bởi ngày xưa quá ham làm giàu, bà đã bỏ mặc cậu con trai ở với dì, cậu không được mẹ dạy dỗ, không có cơ hội gần gũi mẹ nên tình cảm mẹ con không gắn bó. Nhìn cơ ngơi to lớn, bà mẹ thở dài, lo kiếm tiền làm gì, giờ đây mất đứa con trai! Chuyện chưa có hồi kết vì bàn chân cậu con vẫn đang trong thời gian điều trị, đồng nghĩa với việc bà mẹ phải nghe lời nhiếc móc của cậu ngày càng nhiều.
2. Bà mẹ 55 tuổi này có hai người con. Cô con gái út tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định, cậu con cả 34 tuổi vẫn chưa có gia đình và nghề ngỗng lông bông. Cậu có nghề thợ điện, nhưng làm nơi nào được một thời gian rồi nản bỏ. Theo ý cậu, công việc làm cực nhọc không tương xứng với đồng lương quá bèo, thà ở nhà.... chơi còn hơn! Và như thế, mỗi ngày bà mẹ phát cho cậu mười lăm ngàn đồng, ăn sáng, uống cà phê, tuỳ. Bà mẹ còn một năm nữa về hưu. Bà không biết phải phát tiền cho cậu mỗi ngày đến bao giờ vì xem ra cậu chẳng có ý muốn đi tìm việc.
Vậy mà, khi nói về gia cảnh của mình bà mẹ lại thở dài: “Lỗi do mình hết, hồi đó lấy chồng sớm, cuộc sống khổ quá không có điều kiện lo cho nó học hành. Mẹ con chẳng có thời gian gần gũi tâm sự, đến khi nó tuyên bố bỏ học thì biết vậy chứ không biết cách khuyên nhủ nó”. Theo ý bà, cậu con trai bị thiệt thòi hơn em, giờ đây bà phải... đền bù!
3. Bà mẹ đã về hưu, có hai cậu con trai đã lớn có gia đình, ở chung nhà. Bà có hai cháu nội. Đáng lý ở hoàn cảnh vậy bà mẹ rất thong dong. Thế nhưng, mỗi sáng sớm lại thấy bà tất bật đi bộ hết phố này sang phố khác để mua thức ăn sáng cho 7 thành viên trong gia đình mỗi người mỗi món (không có phần cho bà). Lý do bà đưa ra cũng có lý: “Thì coi như mình đi thể dục buổi sáng. Chúng nó dậy muộn, mua sẵn chúng ăn đi làm ngay. Mình còn cả ngày dài thong thả mà”. Cái “thong thả” của bà ở đây là vừa đưa cháu nội đi nhà trẻ xong lại tất bật về nhà rửa đống chén con cái ăn bỏ đó, rồi ra chợ, chuẩn bị rau, cá, thịt cho bữa cơm trưa. Chưa kể cả núi quần áo chúng bỏ ra đó bà phải thu lượm cho vào máy giặt...
4. Trong cuộc đi chơi dã ngoại. Buổi trưa, bà mẹ không tham gia chơi đánh bài quẹt lọ với cả nhóm bèn rủ cậu con trai 16 tuổi đi lên một quán cà phê trên sườn đồi. Leo mấy chục bậc cấp khá cao vừa đủ thấm mệt, bà mẹ chợt nhớ quên cái túi bèn nhờ con trai xuống lấy. Cậu con đã đặt cái lưng dài xuống võng, càu nhàu, mẹ đi lấy đi. Bà mẹ đi xuống bãi biển rồi lại hổn hển trèo lên đồi. Cậu con vừa thấy mẹ ló đầu lên liền bảo mẹ dắt đi tắm nước ngọt vì sáng giờ tắm biển rít quá. Bà mẹ chưa kịp ngồi vào cái ghế để thở phải lật đật dắt con trai tìm nơi tắm nước ngọt....
Những câu chuyện tương tự có lẽ còn nhiều. Có bà mẹ trẻ nghe thế liền nói, không được đâu, dứt khoát mình không dạy con kiểu đó. Con cái phải biết đỡ đần, thương cha mẹ, nhất là mẹ đã khổ với mình nhiều rồi! Bà mẹ nào cũng thương con, nhưng liệu có đủ cứng rắn trong việc dạy con ?
Theo PNO |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|