Hành ta được dùng gần như mỗi ngày trong các bữa ăn. Đây không chỉ là gia vị mà còn được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh.
Công dụng
Theo lương y Như Tá, hành ta trong Đông y có vị cay, ngọt, tính ấm, có tác dụng giải cảm, diệt khuẩn; theo dân gian thì rễ, củ, lá hành ta đều có tác dụng làm thuốc, có công hiệu giải độc, trị đau đầu do thương hàn... Còn theo lương y Quốc Trung, hành ta cả lá, củ, hoa có nhiều tác dụng phòng, chữa bệnh, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa sốt cảm, nhức đầu.
Lá hành ta chứa can xi, phốt pho, kali, carotene và chất sắt. Hành chứa nhiều thành phần hóa học có tác dụng phòng chữa bệnh như a xít malic, phytin và alylsulfit, tinh dầu, đặc biệt là chất kháng sinh alicine hòa tan trong nước. Alicine giúp iệt khuẩn rất mạnh đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn, bệnh bạch hầu.
Tuy nhiên, hành ta lại dễ mất tác dụng bởi nhiệt. Do vậy khi nấu ăn, hành là gia vị cho vào sau cùng để tránh mất chất alicine. Hành cũng chứa chất kháng khuẩn fitoncidi, khi có dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, nên ăn hành sống để dự phòng. Hành kích thích được tuyến mồ hôi nên còn được sử dụng như thức ăn giải độc - người ta nấu cháo hành để chữa cảm mạo, phong hàn, nhức đầu. Ngoài ra, hành còn có tác dụng hạ thấp mỡ trong máu. Nước ép hành rất tốt cho việc điều trị bệnh thiếu máu. Nước hành nhỏ mũi giúp chữa ngạt mũi cấp tính, mãn tính, viêm niêm mạc mũi rất hay.
Món ăn bài thuốc
Sau đây là một số bài thuốc và món ăn từ hành ta trong chữa bệnh theo hướng dẫn của hai lương y trên.
- Nếu bị cảm cúm do thời tiết, người phát sốt, đau đầu, ho, nặng tức ngực thì dùng củ hành ta giã nhỏ 15-20 gr trộn với cháo nóng ăn để toát mồ hôi.
- Chữa cảm mạo phong hàn thì dùng hoa hành 10 gr, lá tía tô 10 gr, lòng đỏ trứng 2 cái. Hoa hành và lá tía tô cắt nhỏ. Nấu cháo cho chín, nêm nếm rồi cho hoa hành, tía tô và trứng vào đánh đều lên, ăn lúc cháo còn nóng. Bài thuốc này có tác dụng giải cảm rất hay.
- Chữa cảm cúm có nhức đầu nhiều thì dùng vài củ hành ta, gừng sống 10 gr, cả hai đem cắt mỏng rồi cho vào một ly (hay bình, thố) đựng nước sôi, rồi xông hơi bốc lên, xông để hơi vào đường miệng, mũi (ngày 2-3 lần). Và nấu nước gừng cùng với hành ta để uống (1 ly giữa bữa ăn và 1 ly trước khi đi ngủ).
- Chữa cảm sốt, có đau mình, đau đầu thì dùng củ hành ta 30 gr, gừng tươi 20 gr, búp chè khô 8 gr, lá tía tô 6 gr. Đem nấu nước chia làm hai lần uống trong ngày.
- Để trị bệnh tả, lấy 20 gr củ hành, 20 gr vị thuốc sa nhân và 20 trái táo tàu, đem nấu với 3 lít nước, nấu đến khi còn lại chừng 1,5 lít thì dừng, dùng uống thay nước trong ngày.
- Người hay bị táo bón và đầy hơi thì nên dùng thường xuyên hành ta sẽ giúp giảm táo bón mãn tính và đầy hơi.
- Nếu bị thổ tả nguy cấp, đang ở vùng quê xa bệnh viện thì có thể làm ngay: lấy 100 gr củ hành ta đem giã nhuyễn rồi hòa với rượu trắng để uống, và lấy xác hành đã giã đem sao nóng rồi chườm lên rốn, vùng bụng, khi hành nguội lại làm tiếp như vậy ngày vài lần, có trường hợp sẽ khỏi.
Khánh Vy