Bà mất khi tôi mới 10 tuổi, tính đến nay đã gần 30 năm, thời gian tôi ở bên bà không lâu, nhưng trong tôi những kỷ niệm về bà mới diễn ra như ngày hôm qua. Bà nội hiền lành, phúc hậu và tình cảm... Nghĩ đến bà tôi nghĩ đến cả thời bao cấp. Con người bà như tích tụ những thứ tốt đẹp, tinh túy của cái thời xa xôi ấy.
Nói đến bà nội không ai không nhắc tới từ chậm, mà bà chậm thật. Chậm từ dáng đi, lời nói, đến cử chỉ, hành động, nhưng lạ thay ông tôi, cả nhà tôi, từ họ hàng đến cháu dâu, cháu rể, thậm chí đến những người hàng xóm không lấy đó làm phiền lòng, dường như họ quá quen với sự chậm của bà. Đến mức sự chậm ấy trở thành thương hiệu, nếu không chậm không phải bà nội.
Bà sinh ra trong gia đình dòng dõi, cụ tôi là tổng bá, quan văn ở làng. Cụ dạy con cái về gia phong, lễ giáo, tam tòng, tứ đức, về cả sự chỉn chu, từ tốn trong đối nhân xử thế. Bà lấy ông nội, một công chức nhà nước. Ông lo cho bà một cuộc sống yên ổn, là chỗ dựa tin cậy về tinh thần để bà thực hiện tốt vai trò làm vợ, làm mẹ...
Không biết do trời sinh tính cách, hay môi trường sống tạo nên con người, mà bà nội tôi - một người chậm chạp vô bờ bến - nhưng lại có tình cảm vô biên. Ở bên bà, người đối diện luôn cảm nhận được sự chân thành, ấm áp toát ra từ ánh mắt, lời nói, cử chỉ. Bà không dùng chủ ngữ là tôi, là bà, là bác, là thím... mà là Ta. “Hôm nay Ta nghỉ bán hàng, xuống nhà chị Liên chơi” hay “Ta xếp hàng mua được mấy củ su hào ngon, chị Chi làm nộm cho Ta nhé”... Bà luôn dùng chữ Ta như vậy đấy, bất kể trai, gái, dâu, rể.
Có lẽ cuộc sống và thời thế buộc con người phải thích nghi, thế nên bà nội đi bộ rất giỏi, trong con mắt của đứa trẻ 10 tuổi như tôi, thì đó thật sự là khâm phục. Bà đi bộ từ phố Khâm Thiên xuống nhà tôi ở khu tập thể Trương Định, đến phố Nguyễn Cao để thăm bà ngoại, hay vào khu tập thể X40 ở Khương Đình, hoặc lên phố Lê Thánh Tông để thăm các em trai của bà, rồi bà lại đi bộ về...
Có lẽ cũng nhờ tình cảm và sự chân thành như vậy, nên bà luôn nhận được sự yêu thương, kính trọng. Bà chậm thật đấy nhưng bà chẳng ngại khó, khổ hay gian nan... đi vào tận nơi, đến tận chốn hỏi thăm từng người ốm, quan tâm những người khỏe.
Bà dành tình cảm cho mọi người như vậy nhưng những mong muốn của bà lại rất giản dị, dịu dàng. Chẳng hạn với mẹ tôi, bà rất thích được mẹ nấu cho bữa ăn chỉ mất 30 phút (vì bà nấu một bữa ăn mất 3 tiếng), làm món nộm su hào thái tăm cho nhiều đường (vì bà không biết thái tăm), hay đèo bà bằng xe đạp nhưng cho bà ngồi sẵn (vì bà thấp, đậm không nhảy theo xe được)...
Tuổi thơ của tôi gắn với nhiều trò tinh nghịch, nhưng cũng gắn với kẹo bột, kẹo gôm từ thúng bán hàng của bà. Hình ảnh bà chầm chậm xách cái túi vải bước vào cửa nhà đã đủ làm tôi vứt mọi thứ, chạy tọt về và hét lên: “A, bà đến, bố ơi bà đến”. Bà đến không chỉ tạo ra điều thần tiên, mà còn tạo cả công ăn việc làm cho mấy đứa trẻ, chơi nhiều hơn làm như chúng tôi. Nghe mọi người nói, lá vông chữa bệnh mất ngủ, bà nhờ mấy đứa hái lá. Thế là sướng lắm, rủ nhau đi thực hiện. Kiếm được cho bà một nắm to, đứa nào cũng tranh nhau đưa, vì biết sẽ được thưởng 1 đồng tiền nhôm (bằng 2 tờ năm hào). Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho cả bọn có bữa “lẩu” kẹo, ăn xong thì khát cháy cổ.
Bà đến nhà tôi chơi hay tôi được lên nhà bà đều tuyệt vời như nhau. Bà luôn có bảo bối để mê hoặc trẻ con. Bà nội bán quà lặt vặt, từ kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi hay kẹo mút xanh đỏ, hoặc kẹo nha nhỏ xíu được gắn ở đầu khẩu súng nhựa (ăn hết “khuyến mại” khẩu súng)... Lần nào từ nhà bà về, lưỡi tôi cũng chuyển màu thành “tam thể”, xanh, đỏ, vàng.
Chưa hết, lên nhà bà nội, tôi không chỉ được ăn mà còn được cảm nhận niềm tự hào, ngày đó cứ mỗi lần gánh kẹo của bà đi qua nhà trẻ, bọn trẻ ở đó lại đồng thanh, rồi tranh nhau nhảy lên: “A, bà Vinh, cháu chào bà Vinh, cháu chào bà Vinh bán kẹo...” khiến bà phải luôn miệng trả lời, tiếng chào chỉ kết thúc khi bà đi khuất. Tôi thấy trong lòng oai lắm, chẳng gì cũng là cháu bà Vinh, thật hãnh diện khi được làm cháu nội của một người bà như thế.
Bà ra đi vào một ngày trời mưa giữa mùa hè sau một trận cảm đột ngột. Mọi thứ diễn ra đơn giản, nhẹ nhàng như giấc ngủ trưa. Người thân chưa cảm nhận được niềm vui, thì đã phải đối mặt nỗi buồn. Cái ngày cả nhà đưa bà ra nghĩa trang, tôi chạy về, ngồi thu lu trong góc và nhìn mãi vào thúng kẹo. Mọi lần tôi sẽ sà vào đó, nhặt mỗi thứ một loại rồi ăn trong niềm sung sướng, hoan hỉ, nhưng giờ này tôi đang khóc, bây giờ tôi mới khóc: “Bà nội ơi!”. Chỉ 49 ngày nữa thôi, thúng kẹo này sẽ được “hóa” theo bà. Vậy là những gì còn lại về bà sẽ ra đi mãi mãi, nhưng tôi như thấy hình ảnh bà lúp xúp, gánh thúng kẹo trong tiếng hò reo của đám trẻ nghèo ở một nơi rất xa...
Mỹ Linh
Chia sẻ những vui buồn, cảm xúc... về cuộc sống của bạn tại doisong@vnexpress.net. Vui lòng gửi bằng file word, tên file không