Đậu tươi thì mang về luộc ăn ngay, còn đậu đã phơi khô thì bóc vỏ, cho vào trong hũ, trong hộp để ăn quanh năm suốt tháng. Đậu phụng khô ở quê giờ lại rất quý vì ở thành phố khó kiếm được loại đậu ngon bùi thật sự.
Đậu phụng khô là một trong những nguyên liệu không thể thiếu trong hầu hết các món gỏi, trộn. Hầu như những món đặc sản của người xứ Quảng đều có bóng dáng của hạt đậu phụng, như mì quảng, bánh bèo, bánh xèo... Nhưng món ăn chế biến từ đậu phụng khô thích nhất vào những ngày mưa, đó là món kẹo đậu phụng. Cho dù những ngày thơ ấu hay đã trưởng thành, món kẹo này vẫn luôn là món khoái khẩu của rất nhiều người.
Kẹo đậu phụng có phương pháp làm vô cùng giản đơn. Nhưng nếu không thực sự yêu thích món ăn này và không chịu khó quan sát, thì sẽ không có được món kẹo hoàn hảo. Thông thường, khi làm kẹo, thường rang đậu vừa chín tới, nhất định không để quá lửa làm đậu cháy xém. Bóc vỏ lụa, sảy sạch lớp vỏ, để lộ những hạt đậu vàng mướt, bóng loáng. Dùng đường trắng hoặc đường vàng nấu với ít nước, cho thêm vào một chút gừng đến khi đường vừa keo lại, gọi là tới nước đường thì vắt một chút chanh để đường không bị cứng mà dẻo như kẹo mạch nha. Đó là công đoạn phức tạp nhất khi làm kẹo đậu phụng, vì nếu không khéo đường sẽ cháy hoặc không tới, lúc đó món kẹo coi như... vứt.
Ngay khi đường đang nóng, cho đậu phụng vào khuấy thật nhanh và đều tay, để từng hạt đậu tẩm đều với đường. Sau đó trút nhanh ra bánh tráng nướng đã trải sẵn. Công đoạn cuối cùng là rắc mè lên. Có người không thích ăn nhiều đường thì làm theo cách khác, đó là khi đường keo lại, đổ một lớp đường lên bánh tráng, sau đó đổ đậu rang lên, nhấn nhấn đều tay cho đậu dính chặt vào đường và bánh tráng, sau đó mới rắc mè. Vậy là đã có món kẹo thơm lừng.
Cắn một miếng kẹo đậu phụng nhai rôm rốp, từng hạt đậu béo ngậy, thơm lừng, tẩm đường ngọt lịm, cộng với miếng bánh tráng giòn rụm; rồi nhấp một ngụm nước trà. Thật khó diễn đạt. Thôi thì nói như người xứ Quảng: mọi món ăn thượng hạng cũng không thể sánh bằng.
Diệu Hiền