“Đến giờ, các vở diễn hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn phải bù tiền. Mới đây nhất là bù tiền để diễn thử tác phẩm Kiều”, NSND Lê Hùng - Giám đốc Nhà hát kịch quốc gia VN - chia sẻ, “Do đó, vở Kiều không diễn thêm được vì không bán đủ lượng 100 vé theo quy chế chi tiêu”.
Nhưng kịch hình thể không đơn độc về việc thu không đủ chi. Hàng loạt vở diễn kinh điển cũng không có lãi. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước theo tiêu chuẩn của mỗi nhà hát thì chỉ đủ tiền dựng 2 vở mỗi năm.
Vở Đời cười - một thương hiệu cũng là nguồn thu quan trọng của Nhà hát Tuổi Trẻ - Ảnh: Bình Minh |
“NSND Lan Hương nêu nhiều câu hỏi về sáp nhập nhà hát, sợ mất kịch hình thể, sợ mất thương hiệu Nhà hát Tuổi Trẻ”, ông Hùng nói. “Nhưng nếu không sáp nhập thì chính Nhà hát Tuổi Trẻ cũng chết rất mau. Ai cũng thấy sân khấu phía bắc quá khó khăn do đặc thù khán giả. Mới đây thôi, một loạt nhà hát như Nhà hát Ca múa nhạc VN và Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN cũng phải xã hội hóa rồi. Và nếu không thành lập Nhà hát Kịch quốc gia VN thì Nhà hát Tuổi Trẻ cũng chung số phận”.
|
Như vậy, theo NSND Lê Hùng, bản chất của việc sáp nhập Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát Kịch trung ương thành Nhà hát Kịch quốc gia VN chính là để “trốn” xã hội hóa.
Nói ngược lại chủ trương của Bộ
“Nếu ai đó nói sáp nhập nhà hát để tránh xã hội hóa là không đúng chủ trương của Bộ VH-TT-DL. Hiện nay Bộ vẫn có chủ trương và lộ trình xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc theo tinh thần quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt”, ông Nguyễn Đăng Chương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nói.
Theo ông Chương, hiện cả nước có 129 đoàn nghệ thuật công lập, với nhân viên hưởng lương trong ngân sách. Từ năm 2008, ngành văn hóa đã có đề án từng bước xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật này để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trong giai đoạn 2008-2010. Đến nay, Bộ còn giao Cục tiếp tục soạn thảo đề án để tiếp tục từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành nghệ thuật biểu diễn, trong đó có sân khấu kịch.
|
“Bản thân Bộ VH-TT-DL đã thực hiện việc này ở các đơn vị trực thuộc. Hiện hai nhà hát đang triển khai thực hiện việc dần dần tự chủ tài chính là Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN và Nhà hát Ca múa nhạc VN. Sự tự chủ của các đơn vị sẽ tạo nên thị trường nghệ thuật. Khi đó, không chỉ nghệ sĩ sống được bằng nghề mà còn tái đầu tư được nhà hát. Cũng nhờ thế, ta sẽ có sự sáng tạo mới lạ mang hơi thở thời đại. Trong khi nếu tiếp tục bao cấp mãi, các đoàn sẽ bị sức ì. Nhà hát Kịch quốc gia VN ra đời nhắm tới một đích quan trọng là một nhà hát tầm cỡ. Điều này cũng giống như ở các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, cho tới khi đủ điều kiện, nó cũng sẽ phải xã hội hóa”, ông Chương nhận định.
Điều kiện này, theo ông Chương là khả năng về cơ sở vật chất, khả năng về con người để các đoàn có thể tự bươn chải được, hút khách được và có các vở diễn đạt chất lượng cao.
Mặc dù chưa có tiêu chí cụ thể như thế nào sẽ “đủ điều kiện” để xã hội hóa Nhà hát Kịch quốc gia VN, song theo ông Chương điều này cũng không khó nhận biết. “Chẳng hạn, tôi đánh giá Nhà hát Tuổi Trẻ hoàn toàn có đủ điều kiện để xã hội hóa được. Tất nhiên với điều kiện nhà nước sẽ hỗ trợ trong giai đoạn đầu, chẳng hạn hỗ trợ lương cán bộ trong biên chế trong khoảng 3 năm”.
Tuy nhiên, theo NSND Lê Hùng, với việc trở thành thành viên Nhà hát Kịch quốc gia VN, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ vẫn tiếp tục được nhà nước bao cấp, thậm chí còn hỗ trợ nhiều hơn trước. Và nếu sự việc xảy ra như vậy, đây sẽ là một cuộc “trốn chạy” ngoạn mục.
Nhân sự mới của Nhà hát Tuổi trẻ Sáng 2.5, theo kết quả công bố ngay sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của 43 cán bộ Nhà hát Tuổi Trẻ thuộc Nhà hát Kịch quốc gia VN, ban lãnh đạo (dự kiến) đã lộ diện. Theo đó, NSƯT Chí Trung là Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Ba phó giám đốc gồm NSƯT Anh Tú, Sĩ Tiến và Như Lai. Kết quả này sẽ được gửi lên Bộ VH-TT-DL để Bộ chính thức xem xét và có quyết định nhân sự cuối cùng. |
Trinh Nguyễn
>> Xin để nhà hát được... hát >> Quách Thu Phương - Hoa rừng xuống phố