Oliver Twist chìa bát xin đồ ăn trong trại tế bần - Ảnh: T.N |
Hai đêm diễn 11 và 12.5 tại Nhà hát lớn Hà Nội trong chương trình lưu diễn kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại văn hào Anh Charles Dickens của Nhà hát TNT, khán giả cảm thấy dường như mất đi sự miêu tả người cha Oliver Twist, cũng không có cả cậu anh cùng cha khác mẹ xấu tính trong tiểu thuyết.
Vở kịch mở đầu và kết thúc đều dưới chân giá treo cổ. Fagin, kẻ cầm đầu một băng tội phạm, trước khi bị hành hình đã kể lại câu chuyện về Oliver Twist, một cậu bé trong băng nhóm nhưng chưa bao giờ chịu tham gia và luôn tìm cách phá việc trộm cướp của chúng. Cậu vốn là con của một phụ nữ có gốc gác quyền quý nhưng lại chửa hoang nên bị đuổi khỏi nhà. Bị hành hạ kiệt sức trong trại tế bần, Oliver bỏ đi để rồi rơi vào nhóm của Fagin. Một người đàn ông từng bị nhóm của Fagin trộm cướp, cũng chính là người minh oan cho Oliver khi bị cảnh sát bắt tội không ngờ lại chính là ông ngoại cậu…
Cuộc trở về của Oliver cũng khiến những tên tội phạm cùng băng, những kẻ đã ngăn cản đoàn viên, bị bắt và hành hình. Tuy nhiên, trước khi chết Fagin đã lớn tiếng tố cáo, chính những người tầng lớp trên vô cảm như ông ngoại Oliver đã tạo ra xã hội có quá nhiều người khốn khổ như cậu.
Làm mới câu chuyện đã quá quen thuộc với độc giả Việt Nam, lại từng nhiều lần được dựng thành tác phẩm điện ảnh cụ thể tới từng viên gạch lát đường thật không dễ. Giải pháp của Oliver Twist - TNT là chọn cách dựng như một vở diễn cho thiếu nhi, trong đó hài - nhạc kịch được điểm xuyết duyên dáng. Nhờ đó, sự u tối của hiện thực bị nhòe đi phần nào, tuy vẫn còn sức tố cáo. Cũng nhờ thế, âm hưởng khi nhân vật hành động hướng thiện được nhân lên nhiều lần, tạo cái nhìn bớt u ám.
Chẳng hạn, khi các cậu bé bị bóc lột sức lực trong xưởng làm quan tài, chúng vừa làm vừa hát “hai ba nào” cho đến khi một cậu ngã vào chính chiếc quan tài mình đang làm. Chất giọng của các cậu bé (trong đó Oliver do diễn viên nữ đóng) thanh mảnh và trong sáng. Sự việc diễn tiến nhanh nên không nhấn vào bi ai. Khi Nancy, cô gái tốt bụng trong băng đảng, cất giọng hát, người ta cảm thấy ngay cô sẽ làm điều gì đó giúp cậu bé tội nghiệp. Không có nhạc nền, lối hát bè của các nghệ sĩ khiến khán giả lắc lư nhịp theo.
Trong vở diễn, nhân vật cũng xuất hiện giống như những gì các cuốn truyện tranh và phim nói chung đã làm. Một tướng cướp tóc xõa dài. Một tên trộm láu cá chuyên mặc đồ đen. Một người đàn bà phúc hậu với dáng đi chậm và chiếc váy màu trắng pha hồng đỏ… Vở diễn tạo đúng hương vị cổ tích cũng là thần thái của cuốn tiểu thuyết Oliver Twist. Như nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Stefen Zweig nhận xét, đó chính là vầng hào quang của cuộc sống hằng ngày của người Anh.
Thoại tiếng Anh của vở diễn khá đơn giản, vì thế khán giả Việt đến xem không ít và vẫn cảm nhận được tinh thần, xúc cảm của vở diễn. Họ cũng tham gia đối thoại với diễn viên khi được viên cảnh sát (chạy từ sân khấu xuống) hỏi tên chú bé Oliver đang bị nghi là ăn trộm.
Trinh Nguyễn