Rau góp theo cách gọi của miền trung du quê tôi là những cây rau rừng được trộn lẫn vào nhau. Thôi thì đủ các cây thân thảo như mè đất, đầu riều, ngắt ngo, bồ hôi và đọt non cây thân mộc cỡ nhỏ như càng cua, hay thân dây như cây sưng...
Từ nhỏ, tôi vốn thích các món được chế biến từ rau góp. Những hôm rảnh rỗi, tôi thường lẽo đẽo theo nội lên rừng làm rẫy, hái rau. Rau hái về còn tươi xanh, nhặt bỏ lá sâu, rửa sạch. Thường chỉ cần cắt nhỏ rau rồi cho vào nồi nước sôi, thêm ít muối, vậy là được món canh. Sang hơn một chút, có thể thêm ít thịt hoặc vài chú tôm đất. Chỉ vài phút thôi đã thấy thoang thoảng mùi ngai ngái của rau rừng. Khi ăn, nhớ cắn phựt một miếng ớt rừng. Rau góp còn có thể xào tỏi. Ai từng một lần thưởng thức món rau góp xào tỏi, chắc chắn sẽ khó quên mùi thơm hăng hắc của tiêu rừng bám vào từng ngọn rau xanh giòn, mới nhìn thôi đã thấy thèm.
Có lẽ, người quê tôi “nghiện” rau góp luộc hơn bất kỳ món rau nào. Để tận hưởng hết vị thanh ngọt của rau, nên chọn những ngọn rau còn non đem luộc - những ngọn rau mà chỉ khẽ bấm móng tay vào đã gãy gọn. Rổ rau góp nhiều sắc màu cho vào nồi nước đang sôi, trong vài phút là vớt ra. Mỗi loại rau có mùi vị riêng, nhưng khi luộc chung qua nước sôi đến độ chín, rồi chấm với mắm cái, mắm nêm, nước mắm giã gừng tươi, ớt, tỏi hay xì dầu và trứng luộc sẽ thành món ăn ngon, hương vị đậm đà đặc biệt.
Phan Thị Thanh Ly
>> Rau đắng >> Thực phẩm giúp bạn tập trung hơn >> Giòn mát rong nho Ảnh: Thanh Ly