Ảnh chỉ có tính minh họa: dailytravelphotos. |
Con dâu bà Hậu (phố Vĩnh Phúc, Hà Nội) sau đám cưới xong có bầu luôn nên hầu như không phải mó tay vào việc gì. Vốn tính chịu khó, lại đã nghỉ hưu nên bà không nề hà việc gì, cố gắng để các con được nghỉ ngơi sau cả ngày đi làm vất vả. Ngay cả cuối tuần, vợ chồng cậu con trai cũng thường vô tư ngủ tới gần trưa mới dậy. "Chúng nó ở nhà ăn cho đã tốt, có khi đã nấu sẵn rồi mà hai đứa còn rủ nhau đi ăn hàng hay hẹn ra ngoài với bạn", bà Hậu kể.
Sau khi con dâu sinh và đi làm lại, mọi việc chăm sóc cậu cháu trai và thu vén nhà cửa lại nhờ vào tay bà.
Nhiều người tới nhà chơi đều tròn mắt khi thấy nàng dâu ngồi ôm con, còn bà Hậu hết lau nhà tới rửa bát, nấu cháo cho cháu, rồi lại chạy đôn đáo theo lời sai vặt của con dâu: "mẹ ơi, mang bô và nước vào nhanh lên, thằng cu ị rồi", hay "bà pha sữa cho cháu với", "mẹ lấy cho con cái khăn", "mẹ làm nhanh vào tắm cho cháu"...
"Buổi sáng bà đi chợ thì mua đồ ăn cho thằng cún, rồi làm luôn, có gì đâu. Giờ mình mà 'tranh việc' có khi bà còn giận cho", con dâu bà Hằng giải thích khi có người góp ý cô không nên ỉ lại hết vào mẹ chồng. Lý giải cho việc con gần hai tuổi mà mẹ mới chỉ cho con ăn được vài lần, chị nói: "Bà cho ăn là ngoan, chứ mẹ cho ăn nó quấy lắm".
Lấy chồng xong vẫn được ở chung với bố mẹ đẻ, chị Chi (Hoàng Cầu, Hà Nội) thường được nhiều đồng nghiệp ghen tỵ vì lúc nào cũng rảnh rang dù đang có con nhỏ.
Quê chồng ở xa, lại chưa có điều kiện mua nhà, nên sau khi sinh, vợ chồng chị Chi chuyển về ở cùng với bố mẹ chị để tiện nhờ ông bà chăm con. Sáng nào ông bà cũng dậy sớm, trong khi bà đi chợ, nấu ăn cho cả nhà thì ông lụi hụi lau dọn nhà cửa, mang đồ ra giặt, để cho vợ chồng con gái ngủ thêm vì "cả ngày đi làm, đêm lại bị con quấy".
Ban ngày, hai ông bà thay nhau bế ẵm, cho cháu ăn, tắm rửa cho bé, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Anh con rể về đến nhà thường chỉ ngồi xem TV, đọc báo, nằm ngủ, đến bữa thì đợi vợ vào gọi rồi ra ăn. Chị Chi đi làm về cũng chỉ tắm rửa, chơi với con một lúc rồi ăn cơm, bát đũa để đấy bố mẹ dọn. Những ngày mùa hè, tối tối, vợ chồng chị buông bát xuống là đèo con ra phố, tới siêu thị hóng mát, mọi việc còn lại ông bà làm nốt.
Vì vất vả, bà lại có sẵn bệnh huyết áp thấp, ông viêm khớp gối nên nhiều lúc, quá mệt mỏi, hai ông bà đành than thở với con gái nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy. Có lần, cô con gái còn gắt lại: "Có ai bắt bố mẹ làm đâu. Bố mẹ cứ kêu ca thế mang tiếng cả chúng con. Nếu bố mẹ thấy mệt quá thì để chúng con ra ngoài tự lo".
“Cũng chẳng dám nói nhiều, sợ anh con rể tự ái, đòi bỏ ra ngoài sống thì khổ con, khổ cháu mình. Nhưng cứ thế này mãi không biết ra sao. Cháu thì ngày càng nghịch, ông bà thì ngày càng già, yếu”, bà mẹ chị Chi rầu rầu.
Đính chính: Bài viết này khi lên trang có sử dụng bức ảnh người nhà của chị Đặng Thị Minh Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) mà chưa xin phép nhân vật cũng như không ghi rõ “ảnh minh họa”. Do nhân vật trong ảnh không liên quan đến bài viết nên tòa soạn đã rút ảnh và thay bằng ảnh minh họa khác. Tòa soạn chân thành cáo lỗi nhân vật trong ảnh cùng độc giả vì sơ xuất trên. VnExpress |
Hiện tượng này cũng xuất phát từ thực tế là những người trẻ mới lập gia đình, có con nhỏ, đang phải phấn đấu cho sự nghiệp thường có kinh tế chưa vững vàng, phải dành nhiều thời gian cho công việc, nên cần sự trợ giúp của người thân về cả vật chất và tinh thần. Hơn nữa, hiện nay, việc thuê người giúp việc cũng khó khăn, giá cao mà muốn tìm được một người ưng ý, tin tưởng không đơn giản.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, các bạn trẻ quen được bố mẹ nuông chiều, nên ngay cả khi đã có gia đình riêng, vẫn ỉ lại hoàn toàn vào phụ huynh. Ngoài ra, không ít người cao tuổi có thói quen bao bọc con cái thái quá, sẵn sàng làm thay con mọi việc, khi con đã trưởng thành.
Trường hợp của bà Sửu (Hoài Đức, Hà Nội) là một điển hình.
Có hai cậu con trai, từ nhỏ, vợ chồng ông bà đã rất chiều chuộng. Các con trai hầu như không bao giờ phải làm việc nhà. Khi các con lấy vợ, ông bà nhất định không cho ra ngoài ở riêng mà bắt ở chung để "bố mẹ lo chứ, chứ chúng mày ra ngoài thì sao chống được". Vậy là, khi các con lấy vợ, bố mẹ sắm hết từ cái chăn, màn tới cỗ cưới. Các nàng dâu về ở chung, ông bà cũng lo cơm nước hết. Đến khi có cháu, dù các con nói thuê người nhưng ông bà không nghe vì không tin tưởng giao cháu cho người lạ.
Đã vậy, từ việc cho cháu ăn thế nào, uống thuốc ra sao ông bà cũng nhận hết về mình. Tới khi cháu lớn hơn chút, bố mẹ chúng muốn cho con đi học mầm non thì ông bà không đồng ý vì cho là như vậy là làm khổ bọn trẻ và "chỉ những nhà nào không có người trông mới phải đi gửi thế".
Bây giờ, nhìn cảnh hai ông bà chăm hai đứa cháu trai nghịch ngợm, suốt ngày mồ hôi nhễ nhại chạy theo chúng, nhiều người lắc đầu ngao ngán.
Theo nhà tâm lý Hồng Hà, việc thế hệ trước quá bao bọc con cái và làm thay mọi việc như vậy vừa tạo cho con sự ỉ lại, khiến những người này dù lớn nhưng vẫn không có cơ hội để trường thành, và vì thế họ khó dạy tiếp thế hệ sau tốt được. Ngoài ra, đôi khi, chính việc ông bà cho là "giúp đỡ con" lại trở thành sự can thiệp thái quá vào cuộc sống riêng tư của lớp trẻ, gây sự xung đột giữa các thế hệ khiến cuộc sống căng thẳng.
Không những thế, dù thương con tới đâu, muốn lo cho con tới chừng nào, cũng sẽ đến lúc ông bà, vì tuổi cao, bệnh tật, mà cảm thấy mệt mỏi, trong khi các con đã quen ỉ lại, không tự lo được cho bản thân, khi đó thế hệ trước bỏ thì thương, vương thì tội.
"Cả hai phía cần phải thay đổi. Ông bà cần để cho con cái tự lo, như vậy họ vừa có thời gian để tận hưởng những thú vui tuổi già, chăm sóc sức, vừa tạo điều kiện cho lớp trẻ trưởng thành, học cách gánh vác trách nhiệm, lo cho bản thân và con cái mình. Các cặp vợ chồng trẻ cần có sự tự lập, để bố mẹ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn", bà Hồng Hà chia sẻ.
Theo nhà tâm lý, nếu có điều kiện, vợ chồng trẻ tốt nhất là nên thuê người hoặc dù có nhờ bố mẹ giúp đỡ thì vẫn phải chủ động san sẻ, không quá dựa dẫm, để ông bà có thời gian nghỉ ngơi. Ngoài ra, sự quan tâm chăm sóc, những lời động viên tinh thần là liều thuốc bổ tốt nhất đối với người già.
Vương Linh