Nếu không phải vợ ông sếp đến tận công ty “vạch mặt” chồng thì có lẽ giờ đây, đội ngũ nhân viên trong công ty vẫn “thần tượng” ông sếp vốn được coi là mẫu mực ấy và không biết bao giờ mới tỉnh. | |
Thứ Sáu, 01/06/2012 - 06:38
Sếp già “mặc áo cà sa”
Nếu không phải vợ ông sếp đến tận công ty “vạch mặt” chồng thì có lẽ giờ đây, đội ngũ nhân viên trong công ty vẫn “thần tượng” ông sếp vốn được coi là mẫu mực ấy và không biết bao giờ mới tỉnh.
Người đàn ông ấy chạc tuổi 50, lúc nào cũng lịch lãm và nhã nhặn. Đối với nhân viên thì ân cần,nhẹ nhàng, đối với đối tác thì thông minh, khiêm nhường và hồ hởi. Chính vì thế công việc làm ăn của công ty cũng rất thuận lợi do cái tiếng của sếp.
Vào mỗi buổi sáng hàng tuần, sếp luôn dành chút thời gian của mình để quan tâm đến các nhân viên. Ông luôn động viên mọi người cố gắng vì công việc và đừng quên chăm lo hạnh phúc gia đình. Người chồng thì phải biết thương yêu vợ con, còn vợ thì phải biết quan tâm chăm sóc gia đình. Ai nghe cũng thấy ngưỡng mộ sếp vì cách đối xử mà sếp dành cho nhân viên. Trên bàn làm việc của sếp lúc nào cũng để ảnh gia đình, vợ và hai đứa con còn nhỏ. Người ta tâm đắc một điều, thật may mắn vì được làm nhân viên của sếp.
Trong công ty, sếp rất để ý đến một cô nhân viên trẻ. Cô là em gái của bạn sếp. Nhưng điều đó không làm mọi người bận tâm vì từ lâu người ta đã coi sự quan tâm của sếp là rất thường tình, hơn nữa cô ấy lại là “người nhà” của sếp. Đi đâu ăn cũng thấy sếp và cô nhân viên mới ngồi gần nhau vì được cái cô này biết chăm chút cho người khác và uống được bia rượu nên tiếp được sếp. Mọi người lại thấy đó là niềm vui. Không ai mảy may nghi ngờ về mối quan hệ ấy vì có nhiều lần, mọi người sững sờ khi thấy sếp phê bình cô nhân viên trẻ trước mặt mọi người một cách gay gắt. Nếu chẳng may ai có nghi ngờ gì thì lập tức bị xua tan sau hành động đó.
Nhưng có lẽ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Sẽ không ai phát hiện ra mối quan hệ đặc biệt ấy nếu như hôm đó vợ sếp không đến công ty. Thì ra trong cái vỏ bọc kia là một mối quan hệ mờ ám. Thế mới hiểu vì sao những lần sếp đi công tác không đi một mình mà đi cùng cô nhân viên trẻ.
Một cái nhìn như dao cứa vào mặt: “N đâu?” Câu hỏi trống không và cái mở cửa thình lình ấy đã khiến sếp chột dạ và nhanh chóng nghĩ ra chuyện gì.
- Có chuyện gì vậy mà em đến tận công ty?
- Tôi hỏi anh N đâu?
- Đi ra ngoài có việc rồi
Người vợ không nói, đi lên phòng của N, đến các phòng khác tìm khắp nơi, hỏi han khắp mọi người. Khuôn mặt cô hiền từ nhưng ẩn chứa một ngọn lửa như thể sắp bùng lên. Có lẽ chỉ cần N xuất hiện lúc này thì cô sẽ vung tay lên mà tát, tát cho hả dạ thì thôi. Nhìn ánh mắt ấy, ai cũng hiểu rằng, sự việc không như họ tưởng.
Thì ra sếp và N (cô nhân viên mới) có mối quan hệ khác ngoài quan hệ “người nhà”. Vậy mà tại sao không ai nghi ngờ về điều đó. Có lẽ không phải là họ không nghĩ đến mà vì họ tin tưởng vào sếp, tin tưởng vào những lời sếp đã răn dạy mọi người suốt thời gian qua. Tại sao sếp lại làm cái điều đó, tại sao sếp lại phá vỡ hạnh phúc gia đình mình khi mà chính ông là người luôn khuyên răn người khác. Thế mới nói những cám dỗ của cuộc sống thật khó mà chối từ, nhất là đối với một người có chức có quyền như sếp của họ.
Từ hôm đó, mọi người đã nhìn N và sếp bằng một ánh mắt khác. Có lẽ không ai dám nói nhưng chắc chắn rằng, sự kính trọng với người sếp ấy không còn được như xưa nữa. Và cũng từ hôm đó, người ta không thấy sếp và cô nhân viên mới đi cùng nhau, ngồi gần nhau nữa… dù rằng N vẫn làm việc tại đó.
Theo Eva |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|