Ngay buổi đầu mẹ Thăng đã nói thẳng là bà không chấp nhận Huệ vì bà không muốn con dâu là dân nhà quê... | |
Thứ Ba, 05/06/2012 - 10:14
Cô vợ nhà quê
Ngay buổi đầu mẹ Thăng đã nói thẳng là bà không chấp nhận Huệ vì bà không muốn con dâu là dân nhà quê...
Tự ái đến chảy nước mắt, Huệ bỏ về và thầm thề không bao giờ bước chân vào ngôi nhà đó nữa. Song cuộc đời có bao nhiêu chữ “nhưng”, với muôn vàn lý do để người ta không làm được như điều đã nghĩ.
Bà Lộc có hai cậu con trai, trước đây bà không ác cảm với người nhà quê nhưng từ khi sống chung với cô con dâu thứ là người ngoại tỉnh thì bà thành thế. Bà khó chịu với tính cách con nhà lính tính nhà quan, bà ghét cái thói đua đòi ăn diện của con dâu, bà thương con trai lấy phải con vợ tham lam, ích kỷ, hay đòi hỏi so sánh để con trai bà phải còng lưng kiếm tiền. Cái chết của con trai thứ càng khiến bà thù hận dân quê hơn. Hôm ấy, con bà đi ăn cưới về hơi say say, vậy mà con vợ nhất định đòi chồng chở đi mua cái gì đó, bà chỉ nghe thấy con vợ dằn dỗi bảo: “Để đến lúc anh ngủ dậy thì người ta bán mất rồi... em tăm mãi mới thấy đấy... Bực quá, lúc đi không mang đủ tiền nên phải hẹn họ sẽ quay lại ngay...”.
Không ngờ hai đứa đi mà không trở về. Vụ tai nạn giao thông ấy, hai đứa để lại cho bà thằng cu Tý mới hơn 1 tuổi mà mọi gánh nặng đều đổ lên vai thằng con cả là Thăng. Ngày ấy, Thăng cũng đang yêu một cô gái nhà quê nhưng cô gái ấy cứ giận hờn, ghen tị với tình yêu của anh dành cho cu Tý nên cuối cùng hai người đành chia tay sau bao nhiêu lần cãi vã, hờn ghen. Chuyện đó cũng tạo thêm ác cảm đối với người nhà quê cho mẹ Thăng.
Huệ là cô giáo của cu Tý. Nhìn thằng bé lôi thôi, thiếu thốn vì không có mẹ chăm sóc, nó cô đơn giữa chúng bạn, lặng lẽ thu mình ở cái tuổi vô tư mà Huệ không nỡ để mặc nó. Cô thủ thỉ với nó những lúc nó buồn, cô đơm cho nó cái khuy áo đứt, mua cho nó bộ đồ mới, tắm giặt, cho nó ăn những lúc Thăng đến đón muộn... Huệ chăm nó như người mẹ chăm con nhưng cô từ chối tình yêu của Thăng sau câu nói của mẹ anh. Nhiều lần Thăng đề nghị cưới và chuyển ra ngoài ở riêng nhưng làm sao Huệ có thể làm thế được khi bố mẹ anh chỉ còn có anh để nương tựa tuổi già. Hơn nữa, Huệ cũng không muốn làm Thăng phải đau khổ đứng giữa mẹ và cô, Huệ lại càng không muốn mình bị xúc phạm lần nữa.
Nhưng rồi hôm ấy, Huệ chờ mãi mà không thấy Thăng đến đón cu Tý. Hỏi thì cu Tý nói: Bố Thăng đi công tác, bà nội sẽ đến đón con... Nhá nhem rồi vẫn không thấy bà đến, cũng không gọi điện thoại, tự nhiên Huệ thấy bồn chồn, lo lo, cô vội đưa cu Tý về nhà. Trong túi đồ của cu Tý có chìa khóa dự phòng (vì bà nội hay quên) nên Huệ định bụng mở cửa cho cu Tý xong là về. Vậy mà trái tim nhân hậu của người con gái cứ đưa chân Huệ vào, vào đến tận buồng tắm để tìm thấy bà Lộc đang nằm bất tỉnh trên sàn.
Khi Thăng về thì bà Lộc đã qua cơn nguy hiểm nhưng chẳng lẽ để đàn ông con trai phải lau rửa, cho mẹ đi vệ sinh nên Huệ xin nghỉ phép để chăm sóc bà. Nhìn Huệ lúi húi trong bếp, trong nhà tắm, quần xắn lên lau dọn mà bà Lộc thấy ân hận, day dứt. Bà trách mình vô lý bao nhiêu thì bà lại khâm phục lòng nhân hậu, vị tha của Huệ bấy nhiêu. Bà Lộc hồi phục rất nhanh, các bác sĩ đều bảo nhờ có những viên thuốc Huệ mang đến mà bà Lộc mới không bị di chứng xuất huyết não nhưng chẳng ai biết được rằng, để có những viên thuốc ấy, Huệ đã mua bằng tiền bán cái nhẫn của mẹ cho để làm của hồi môn. Bị mọi người chê ngốc, Huệ cười khúc khích: “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, ông trời cho mình cơ hội giúp người là ông trời đã cho mình tích phúc, của hồi môn nào bằng phúc của mình mang về nhà chồng... Tớ chả ngốc...”
Huệ không ngốc mà cũng chẳng khôn, cô sống bằng tình người, bằng tấm lòng nhân hậu và cả bằng lòng tự trọng. Huệ cũng giận bà Lộc lắm nhưng rồi nghĩ lại cô thấy chẳng trách bà được. Nỗi đau mất con khiến bà thiếu sự công bằng với cô, nghĩ thế mà Huệ thấy lòng thanh thản. Thì ra biết tha thứ cho người cũng là hạnh phúc.
Khi đã nên vợ nên chồng, có lần Thăng hỏi: “Em bán cái nhẫn đi mà không sợ nếu chúng mình không lấy nhau thì em mất toi của hồi môn à?”, Huệ đã bật cười: “Giời ạ, cứu người như cứu hỏa, nghĩ gì của hồi môn hả ông. Nếu người ngã là mẹ em, chắc anh để bà chết à, chỉ hỏi lẩn thẩn”. Cái vô tư, chân thật, cái tình người của người nhà quê ấy đã đem lại cho Huệ một gia đình thuận hòa hạnh phúc bởi trong tình yêu có cả sự tôn trọng và lòng biết ơn.
Theo PNVN |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|