Chuyện 'thầm kín' của bạn trẻ qua ảnh
Nhiều người vẫn lên án chuyện sống thử, phá thai, có bầu trước hôn nhân... của nhiều bạn trẻ ngày nay. Vậy thực sự những người trong cuộc nghĩ gì, mong muốn điều gì.
Đó là nội dung của triển lãm Sao không nói? diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 8 đến 14/6. Đây là nơi thanh thiếu niên nói về các vấn đề mình gặp phải trong đời sống tình dục và tình yêu, những nhu cầu, mong muốn của chính mình, bạn bè, người thân - những điều mà họ ít có cơ hội được nói, được lắng nghe.
Sáu nhóm thanh niên tham gia thực hiện và trình bày tại triển lãm về quyền tình dục này gồm: sinh viên Học viện Báo chí, sinh viên Đại học Sư phạm, học sinh phổ thông trung học thành phố Đà Nẵng, nhóm công nhân trẻ, nhóm thanh niên nhiễm HIV, và nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới. |
"Giá như ngày ấy tôi không coi việc lên giường với nhiều cô gái là là bằng chứng chứng minh bản lĩnh đàn ông. Giá như ngày ấy tôi biết sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục thì ngày hôm nay đã khác. Đã không phải lo lắng từng phút để chờ đợi kết quả xét nghiệm HIV...", T.H, nam công nhân, 26 tuổi |
"Ngày ấy tôi chưa bao giờ thích bao cao su vì nó tạo cảm giác 'không thật', nhưng cũng chính vì thế mà tôi phải trả giá. Mắc bệnh lậu đó là cái giá mà tôi phải trả khi ngây thơ tin rằng sự chung thủy của mình là liều thuốc chống bách bệnh", cô gái trẻ 25 tuổi tâm sự. |
Với chị H, 27 tuổi khi nhìn những giây phút con vô tư cười đùa bên bạn, chị lại thấy đau lòng. Giá như ngày ấy, chị biết nhiều hơn về anh, giá như anh nói cho chị biết sự thật để tìm hiểu về điều trị dự phòng cho bà mẹ mang thai nhiễm HIV thì có lẽ... Các bác sĩ nói rằng nếu được chăm sóc tốt, con chị (một trong hai bé, nhiễm HIV) vẫn sẽ trưởng thành, vẫn lấy vợ và vẫn có thể sinh con khỏe mạnh. |
Đây từng là thiên đường hạnh phúc của Xuân, 24 tuổi và người yêu. Nhưng đó cũng là nơi cô gái phải chia tay với giấc mơ làm mẹ của mình sau nhiều lần phá thai. "Có thể anh hối lỗi vì đề nghị tôi bỏ thai nên nói rằng sau này chúng tôi có thể nhận con nuôi, nhưng dù sao đó cũng là một lối thoát", Xuân tâm sự. |
Triển lãm cũng thể hiện cái nhìn của các bạn trẻ về sống thử. Bình, công nhân, 23 tuổi - tác giả của bức ảnh - cho rằng cặp đôi này làm thế để có điều kiện chăm sóc người yêu nhiều hơn. Nhiều người phản đối và chỉ trích nhưng bản thân anh lại thấy ngưỡng mộ, vì "họ đã dám vượt lên dự luận để sống đúng với những gì mình mơ ước". |
Nhưng đôi khi việc sống thử cộng thêm thiếu kiến thức về tình dục lại là có thai ngoài ý muốn. "Chị tôi có thai và hoang mang cực độ. Chị đã đến phòng khám, người tình của chị tôi không ở bên cạnh để chia sẻ... Nhiều lần chị muốn trầm mình xuống sông Hàn. Nhưng vượt qua tất cả, chị đã trở về làng quê với cái thai lớn dần. Và em bé chào đời", một học sinh cấp 3 ở Đà Nẵng kể về chị của mình. |
"Văn phòng mở cửa, thầy cô tư vấn luôn túc trực từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, nhưng hàng ghế chờ trước cửa phòng vẫn không một bóng người. Vì sao...?", đó là bức tranh nhóm học sinh thành phố Đà Nẵng mang đến triển lãm. Các em mong muốn có thêm không gian, thời gian để học về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục. |
Còn với nhóm Về nhà của những người bị HIV đó là mong muốn được yêu, được là "chồng-vợ", "bố-mẹ". Họ hy vọng vào tương lai dù cuộc sống thường ngày vẫn đang phải đối mặt với những trải nghiệm đau buồn và sự kỳ thị. |
Phương Trang