Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, nếu các bậc phụ huynh ép trẻ vào một cuộc đua học và thi quá sớm, với tâm lý nặng nề, dễ khiến trẻ “già” sớm và thậm chí không phát triển hoàn thiện nhân cách. | |
Chủ Nhật, 17/06/2012 - 08:36
Trẻ “già” sớm vì mong muốn của cha mẹ
Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, nếu các bậc phụ huynh ép trẻ vào một cuộc đua học và thi quá sớm, với tâm lý nặng nề, dễ khiến trẻ “già” sớm và thậm chí không phát triển hoàn thiện nhân cách.
Cơ hội được học ngôi trường tốt là tâm lý chung của các bậc cha mẹ
Làm khổ trẻ
TS Đỗ Mộng Tuấn, giảng viên cao cấp khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cha mẹ luôn mong muốn con có điều kiện học tập hoàn thiện, tối ưu nhất. Nhưng bố mẹ thường chỉ chạy theo mẫu hình mình mong ước, mà ít quan tâm đến khả năng thật sự của trẻ. Cách làm sai lầm đó nhiều khi đã làm khổ con. Ở bậc tiểu học, trẻ chưa có ý thức vươn lên tìm kiếm con đường học tập như vậy. Chúng đi học chỉ là do sức ép từ người lớn.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trẻ chưa thể tự quyết định đâu là điều kiện học tập tốt để phấn đấu, vì thế cha mẹ cần giúp con định hướng phát triển để không bỏ lỡ cơ hội được học tập ở một ngôi trường tốt.
TS Đỗ Mộng Tuấn khẳng định, điều đó đúng nhưng cha mẹ đừng làm thái quá. “Cha mẹ chỉ nên hỗ trợ, đóng vai trò tư vấn chứ đừng vội quyết định đường đi thay trẻ”, TS Tuấn nhấn mạnh. Theo ông, với những đứa trẻ có tiềm năng đặc biệt, sự hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp con phát triển tốt hơn. Nhưng với những trường hợp cha mẹ chỉ chạy theo chí hướng của mình (mà không căn cứ vào thực lực của trẻ) sẽ đẩy trẻ đến chỗ chán nản, mất tin tưởng, không thiết tha với việc học.
Theo TS Đỗ Mộng Tuấn, bố mẹ hay nhà trường chỉ có thể tạo ra môi trường, là yếu tố rất cần thiết, nhưng không phải yếu tố quyết định trực tiếp vì tài năng không chỉ dựa vào môi trường học tập.
Phát triển nhân cách đầy đủ
“Phần đông các em không cần những điều kiện đặc biệt để phát triển. Hãy để trẻ được học, được chơi một cách phù hợp”, TS Đỗ Mộng Tuấn chia sẻ. Theo ông, khi đưa trẻ vào các “lò” luyện thi nghĩa là đã đặt trẻ vào môi trường học tập đặc biệt. Nơi đây có thể giúp trẻ phát triển phần nào nhận thức trong học tập nhưng lại không thể giúp trẻ rèn tâm tính, phát triển các kỹ năng cần thiết khác trong cuộc sống.
Có những đứa trẻ, do đặc trưng cá tính nhất định, mà chúng tự bị cuốn hút vào việc học và vươn tới nắm tri thức. Trong trường hợp đó, cha mẹ có thể để trẻ tự phát triển theo hướng đó nhưng cũng cần phải biết cách giúp trẻ giải tỏa trong các hình thức sinh hoạt gia đình và xã hội; Giúp trẻ thoát khỏi tâm lý căng thẳng do chủ quan gây ra, không bị cuốn theo hình thức phát triển quá lệch lạc.
Chuyên gia giáo dục kỹ năng sống Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cũng cho rằng, nhiều trường hợp trẻ đến các lớp luyện thi để chuẩn bị cho những kỳ thi vào cấp THCS mà tự các em chưa ý thức được nó là cái gì. Các em chỉ chúi mũi học vì cha mẹ yêu cầu và học cho cha mẹ hài lòng. Trình độ nhận thức căn bản của những đứa trẻ đó có thể phát triển, nhưng nhân cách của chúng sớm bị bóp méo.
Các chuyên gia cho hay, trẻ cần phải được hoạt động đầy đủ và phong phú, không chỉ học tập, mà phải được vui chơi, văn nghệ, giao lưu bạn bè... Tất cả các hoạt động đó phải được vận hành thống nhất. Nếu ép trẻ vào một cuộc đua học và thi quá sớm, với tâm lý nặng nề, dễ khiến trẻ “già” sớm, mất quyền sống của trẻ và thậm chí không phát triển hoàn thiện nhân cách.
Trẻ rất cần có sự lo lắng, quan tâm của cha mẹ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển, nhưng không được thái quá trong quan hệ gia đình - bố mẹ - con cái. Đừng quyết định thay đứa trẻ. Nếu muốn chỉ có thể tác động “ngầm”, kín đáo, để trẻ định hướng phát triển cúa chính nó, chứ không quyết định thay. Sự chu đáo thái quá có thể làm trẻ mất đi chính mình.
Theo Khánh Lê Khoa học & Đời sống |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|