Theo truyền thống mấy đời của gia đình chị Hoa (ở Đồng Nai), một năm có 3 dịp để con cháu đến quây quần và chúc ông bà, cha mẹ là: ngày đầu năm (Tết Nguyên Đán), giữa năm (Tết Đoan Ngọ) và cuối năm (giao thừa). Dịp này, con cháu thường biếu các cụ thúng gạo nếp trắng tinh, vài kg thịt lợn đùi, bánh chưng hoặc bánh ú.
Mặc dù vậy, chị Hoa cũng không hiểu rõ Tết Đoan Ngọ xuất phát từ đâu, chỉ thấy ông cha dạy thì làm theo. "Mồng 5/5 nào cũng vậy, cứ sáng sớm tinh mơ, cả gia đình kéo nhau đến chúc tuổi ông bà khỏe mạnh sống đời với con cháu. Tôi chỉ biết từ nhỏ đã thấy cha mẹ tết ông bà, bây giờ đến lượt mình cũng cố gắng giữ truyền thống ấy", người mẹ của 5 đứa con nói.
Bánh ú lá dừa, món ăn thường thấy trong các gia đình miền Tây vào dịp Tết Đoan ngọ. Ảnh: 360blog. |
Không những về thăm bố mẹ ngày "Tết giữa năm", gia đình chị Lệ (quận 9, TP HCM) còn giữ được tập tục diệt sâu bọ, khi chuẩn bị sẵn cơm rượu để ăn những ngày này.
Người mẹ 2 con cho biết, chị sinh ra ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nơi mà phong tục Tết Đoan Ngọ vẫn còn được giữ khá trọn vẹn. Tuy nhiên từ ngày vào TP HCM lấy chồng và lập nghiệp, chị Lệ không thể về quê thăm bố dịp này. Mặc dù vậy chị không quên gọi điện thăm và gửi ít tiền nhờ các em ở nhà mua quà bánh biếu bố mẹ.
"Bây giờ ai cũng bận bịu với công việc nhưng vợ chồng bảo nhau cố gắng giữ truyền thống cha ông. Ngày mai do mấy đứa nhỏ bận học nên đến tối cả nhà mới cùng nhau sang chúc Tết ông bà nội được", chị Lệ bộc bạch.
Trên một số diễn đàn mạng, không khí chuẩn bị cũng đang rôm rả, nhiều bà nội trợ chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nghi thức và công thức làm bánh, nấu ăn, chế biến nước uống truyền thống. Một số món ăn quen thuộc, đơn giản được giới thiệu là: bánh tro, bánh ú lá dừa, chè trôi nước, cơm rượu...
Nói về nguồn gốc Tết Đoan Ngọ (hay Tết Đoan Dương), Tiến sĩ Nguyễn Đệ, Giảng viên khoa Văn hóa học, Đại học Văn hóa TP HCM cho biết ngày này xuất phát từ văn hóa dân gian Trung Quốc.
Tương truyền, Tết Đoan Ngọ liên quan đến cái chết của Khuất Nguyên, vị quan có tài và liêm chính sống thời Trung Hoa cổ đại cách đây hơn 2.000 năm. Vì can ngăn nhà vua nghe theo lời bọn xu nịnh nên ông đã bị cách chức và đày ải. Buồn bã, Khuất Nguyên trầm mình xuống sông vào đúng ngày 5/5. Nghe tin, dân làng ra cứu nhưng không kịp, bèn làm bánh nếp có góc ném xuống sông để tế ông.
Ngoài ra còn có một truyền thuyết khác về Lưu Thần và Nguyễn Triệu ở thời nhà Hán, nhân Tết Đoan Ngọ rủ nhau vào núi hái thuốc. Họ gặp và kết duyên với hai tiên nữ xinh đẹp. Nhưng sau nửa năm sống nơi tiên cảnh, hai chàng trai nhớ nhà đòi về. Song vì ở tiên giới nửa năm bằng mấy trăm năm ở cõi trần nên khi quay về làng, hai chàng này thấy cảnh quê đã đổi khác, người xưa đã mất. Hai người bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được và ra đi không trở về.
Mặt khác theo lịch cổ, dịp Tết Đoan Ngọ là lúc tiết trời nóng bức nhất, dương khí đạt cực điểm. Đây là lúc chuyển mùa, dễ gây bệnh ở người, trong khi sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Bởi vậy vào tiết này, người ta làm thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu tai qua nạn khỏi, được mùa. Nhiều thầy thuốc thì cho rằng mùa này cây cối tích trữ nhiều dược chất để chống lại dương khí khắc nghiệt, có tác dụng chữa bệnh tốt, nên thường tổ chức hái thuốc vào đúng trưa 5/5.
Tuy nhiên cũng như các lễ tết khác, khi du nhập vào Việt Nam, ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ đã biến đổi. Trong văn hóa nông nghiệp ngày trước, "Tết giữa năm" là dịp để dân chúng cúng lễ đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng và cầu an. Các làng xã thường tổ chức tế thần ở đình, đền, miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên, Thổ công. Nhà nào làm nghề thuốc cúng thêm Thánh sư.
Hiện nay nhiều gia đình Việt vẫn còn giữ nếp ăn Tết ở nhà và quây quần bên ông bà, cha mẹ. Dịp này dân gian Việt Nam thường cúng vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 Âm lịch. Cùng lúc này mọi người lấy bánh tro, trái cây (có vị chua, chát), và cơm rượu ra ăn để "giết" sâu bọ, giun sán trong người.
Tiến sĩ Nguyễn Đệ cho rằng: "Tết Đoan Ngọ là một nét văn hóa dân gian mang ý nghĩa tinh thần tốt đẹp, người Việt xem đây là dịp để anh em con cháu tản mát khắp nơi quy tụ về và bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành. Tuy nhiên ngày nay vì bận rộn công việc mà một số gia đình Việt không còn giữ tập tục này".
Thi Trân