Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Núi Thái thời thế giới phẳng
Ngẫu nhiên mà ngày của cha vừa qua, ngày gia đình liền tới. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh người cha lại bị tổn thương nhiều như hiện nay. Để biết núi Thái có còn vòi vọi giữa thời thế giới phẳng, không gì bằng thử hỏi những người cha, người làm giáo dục.
Thứ Tư, 27/06/2012 - 11:02

Núi Thái thời thế giới phẳng Ngẫu nhiên mà ngày của cha vừa qua, ngày gia đình liền tới. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh người cha lại bị tổn thương nhiều như hiện nay. Để biết núi Thái có còn vòi vọi giữa thời thế giới phẳng, không gì bằng thử hỏi những người cha, người làm giáo dục.
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Những người cha thật sự mạnh ngày càng ít
Hoạ sĩ Lê Thiết Cương: Những người cha thật sự mạnh ngày càng ít

 

Cha sinh mẹ dưỡng, đã đành. Nhưng giả sử cha dưỡng thì thế nào? Ông bố ấy cũng sẽ nấu bột, giặt tã, bón cho con, ru con ngủ, đưa đi học, đón con về… những công việc bình thường ai cũng làm được. Trách nhiệm chăm sóc con cái là bình đẳng, tuy nhiên, không nên hiểu một cách máy móc về điều này. Không phải người mẹ thì không làm được “cái cột nhà”, chống đỡ, gánh vác cho cả gia đình. Nhưng rõ ràng có những việc mà người nam, người cha sẽ làm tốt hơn người nữ, người mẹ, và ngược lại.

 

Cuộc sống hiện đại ngày một bận rộn hơn, nhịp sống nhanh hơn, nhiều áp lực hơn, nhu cầu cao hơn, cởi mở hơn… những điều này tác động mạnh đến sự bền vững của gia đình. Vậy thì, chính lúc này người cha càng cần phải mạnh hơn, đúng nghĩa là cha hơn, để có thể chống đỡ, bảo vệ cho gia đình, cho vợ con mình và cho chính mình. Người cha phải là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình (nếu là chỗ dựa về vật chất nữa thì càng tốt). Thế mà chả biết làm sao, những người đàn ông, những người cha thật sự mạnh ngày càng ít đi.

 

 Con số những gia đình tan vỡ ngày một nhiều hơn, những đứa con không có cha hoặc mẹ bên cạnh cũng nhiều hơn. Không ai muốn nhưng thôi đành, và người mẹ sẽ phải là một nửa người cha và cha sẽ phải cha gấp đôi. Với những đứa con (trong trường hợp con ở với mẹ, phần lớn là vậy) sẽ gặp thiệt thòi, nhãn tiền rồi, nhưng chưa chắc đã là không hay. Suy cho cùng được mất cũng là một, hoạ phúc ở trong nhau. Có thiếu hụt, có thiệt thòi, có một mình mới cần nỗ lực để vượt qua.

 

Đoàn Quốc Quân (doanh nhân): Mong con hạnh phúc hơn là thành đạt

 

Làm cha mẹ, ai cũng mong ước con mình lớn lên sẽ thành đạt, tức là có địa vị, tiền tài. Họ tưởng rằng thành đạt đồng nghĩa với sung sướng, hạnh phúc. Nhằm mục tiêu đó, họ bắt lũ trẻ học gần chết, chen nhau giành một suất vào trường điểm, lo bạc tóc cho con đi du học…

 

Tôi chưa bao giờ khao khát con mình phải thành đạt cả. Thành đạt ư, cũng tốt thôi nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Với tôi, mục tiêu đích thực của cuộc sống là hạnh phúc, chứ không phải thành đạt. Nhưng thế nào là hạnh phúc, và làm sao để có được hạnh phúc?

 

Có vô số định nghĩa về hạnh phúc, cũng như vô thiên lủng lời khuyên làm sao để có được hạnh phúc. Nhưng theo tôi, hạnh phúc là khi ta có “điều gì đó tốt đẹp đang chờ đợi phía trước”. Nó lý giải vì sao có những người giàu có, quyền thế vẫn không hạnh phúc, trái lại những người nghèo khổ vẫn có thể hạnh phúc. Một khi nhìn nhận hạnh phúc như thế, thì có rất nhiều cách để tạo ra “điều tốt đẹp chờ đón phía trước”, để buổi sáng ta hào hứng đi làm, và buổi chiều mong muốn về nhà, để hẹn với lũ tí nhau “tối nay nhà mình đi ăn KFC”, để hẹn với vợ cuối tuần đi shopping...

 

Nhưng lũ trẻ con không quan tâm đến những suy tư, lý luận lôi thôi này. Chúng cứ vô tư sống, và cha mẹ phải là người tạo ra “các điều tốt đẹp chờ đón phía trước” cho chúng, chứ đừng bắt chúng cắm đầu cắm cổ học trối chết.

 

ThS Trần Đức Cảnh: Đừng nên sở hữu cả con cái

 

Sáng chủ nhật 18/6, con trai đang ở San Francisco gọi, rồi con gái từ Laguna Beach (Nam California) gọi “Happy Father’s day”, ba từ rất đơn giản nhưng hàm chứa nhiều yêu thương của hai đứa con đang dần trưởng thành, lời mà tôi chưa một lần được nói với ba tôi. Ông qua đời khi tôi tròn mười ba tuổi.

 

Tôi rời Việt Nam ở tuổi mười chín, đủ lớn để hoàn tất chương trình trung học và hiểu được nếp sống gia đình và xã hội chung quanh.

 

Người Á châu có tính sở hữu chủ rất nặng so với người phương Tây, trong đó có con cái. Ai cũng hiểu tính sở hữu chủ ra ngoài phạm vi cá nhân quá lớn bao giờ cũng sẽ gặp trở ngại trong sự chuyển tiếp tự nhiên và liên tục, ranh giới giữa sở hữu cá nhân và cộng đồng lắm khi không rõ ràng.

 

Phần lớn con cái Á Đông được giáo dục và lớn lên trong một cái khung đã được gia đình và xã hội định hình. Nếu con cái không làm như thế thì kể như một thất bại cho gia đình. Ở phương Tây, môi trường sống và học tập tương đối cởi mở và tự do hơn. Tự do trong suy nghĩ, sáng tạo, phản biện, độc lập, tinh thần chịu trách nhiệm rất sớm. Quyền tự do chọn lựa đi kèm với ý thức trách nhiệm lớn dần theo độ tuổi trưởng thành. Xây dựng cho con cái một ý thức nền tảng sớm để dần tự quyết định và chịu trách nhiệm chính mình.

 

Một dịp tôi được mời dự tiệc ra trường cậu con trai gia đình người bạn sang Mỹ khoảng 20 năm. Tôi chúc mừng cậu con trai vừa tốt nghiệp bác sĩ, một nỗ lực đáng nể, điều tôi rất ngạc nhiên là cháu cho biết sẽ không tiếp tục ngành y nữa, mà chuyển sang học thạc sĩ về quản trị kinh doanh (MBA), ngành cậu ta thích từ lâu. “Vậy sao cháu không học MBA lúc trước?”, tôi hỏi, “Chỉ vì cháu muốn làm bố mẹ hài lòng có được một người trong nhà là bác sĩ!”

 

Tôi không định hình được mình đang đứng ở đâu trong truyền thống văn hoá - giáo dục này, nhưng tôi biết một điều là hai con tôi rất hạnh phúc trong sự chọn lựa nghề nghiệp và hướng tương lai của nó. Tôi cũng rất hạnh phúc vì luôn là người lắng nghe, thưởng thức và đồng thời là “cổ động viên” rất tích cực của con suốt hành trình còn lại.

 

TS Alan Phan: Làm bạn cùng con trên đường đời

 

Một con người thành công là nền tảng của một người cha, người chồng, người con hay một người mẹ, người vợ, người tình thành công.

 

Trên cả sự thành công là một tình yêu đúng nghĩa giữa các con người: một tình yêu cho đi mà không đòi hoàn trả, hay mong ước. Tình yêu giữa cha con phải vượt qua những đòi hỏi về tài sản, về quyền lực, về sĩ diện, ngay cả về trí tuệ. Nó phải thăng hoa thành một tình bạn cao quý, chân thật, cởi mở và tương kính. Khi con còn nhỏ, thì cha bảo vệ và giáo dục cho con. Khi cha già, thì con giúp đỡ và săn sóc cha. Khi con ra tranh đấu với đời, cha ngồi xuống kể cho con nghe những trải nghiệm, sai lầm, tư duy... để con làm hành trang và cùng con thảo luận những lựa chọn cho hành trình.

 

Giữa hai người bạn, không có phán đoán, chỉ trích, chê bai... mà chỉ có khuyến khích, nâng đỡ và chia sẻ. Đường đời thường nhiều gian truân, cha con không cần phải tạo thêm những gánh nặng, từ vật chất đến tinh thần, cho nhau, mà phải cố gắng làm một người bạn đời tốt nhất của nhau.

 

Nhà thơ Trần Bảo Sinh: Bi kịch lớn nhất là không để con trở thành chính nó

 

Người ta cứ nói thời hiện đại, cha mẹ quá bận rộn không quan tâm đến con cái, nên con mới hư hỏng, thật ra không phải. Cha và con là hai thế hệ luôn luôn mâu thuẫn nhau, đó là mâu thuẫn ngàn đời, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.

 

Trên một ngôi chùa cổ ở Nha Trang có khắc dòng chữ của Phật tổ Như Lai: “Con ta không phải của ta, cũng không phải của nó, mà là của nhân duyên”. Đôi khi sự khác nhau cũng là giống nhau, cha là âm bản, con lại là dương bản. Bi kịch lớn nhất của những bậc làm cha, làm mẹ là luôn muốn giáo dục con trở thành mình, chứ không phải giúp con trở thành chính nó. Những gì đời mình không thực hiện được thì lại bắt con thực hiện cho bằng được. Mình thích đá bóng phải rèn luyện con thành cầu thủ, thích làm thơ bắt con thành nhà thơ… đó là tham sân si, biến con trở thành vật sở hữu của mình.

 

Khác với loài vật, tình thương con là vĩnh viễn trong mỗi bậc làm cha, làm mẹ, nhưng phải từ bỏ tham sân si, và giáo dục cho con trở thành nó, nếu không sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái là mâu thuẫn lớn nhất xã hội. Tục ngữ mới bây giờ có câu: “Chữ hiếu cho tròn, đạo làm con phải méo”, “Sống không bầy đàn, chết không cần nối dõi”… Con có sự nghiệp của nó, mình chỉ trợ duyên thôi. Các tỉ phú phương Tây thường chỉ để một phần tiền bạc cho con, còn lại đóng góp cho xã hội, còn người Việt mình thường để hết cho con, rồi sau đó lại trách con hư, thực ra là trách nhầm. Con cái rất kỵ khi phải sống bằng đồng tiền của cha mẹ.

 

Tôi nghĩ dạy con chủ yếu bằng tấm gương, không nói bằng lời. Con cái rất ghét nói bằng lời, càng dị ứng với câu “tiền bạc để hết cho con”, đừng tưởng đó là động viên lớn nhất. Nhiều cha con xa nhau chính vì câu nói đó. Người cha phải chịu trách nhiệm vì sao con hư, đừng trách lớp sau. Khi tôi nghe tin con trai sinh cháu, chợt nghĩ, thế là ta có “kẻ báo thù rồi!” Mấy đứa cháu nó cũng hành con tôi ghê lắm. Luật nhân quả luân hồi, luật trời đất mà. Hiểu đạo rồi thì lòng dạ thảnh thơi, cố gắng tự giải quyết những vấn đề của riêng mình, đâu còn gì để buồn nữa.

 

Con có nghiệp riêng của nó, và mình chỉ là một phần của nhân duyên ấy thôi. Con hơn cha là nhà có phúc. “Con ta không phải của ta/ Tai hoạ của nó mới là của ta”. Cuộc đời nước mắt chảy xuôi, cha mẹ sinh con, trời sinh tính, chỉ nương theo trời, không thể chống trời, chống lại luật nhân quả, theo tôi, đó là tư duy một người cha hiện đại.

 

Giản Tư Trung (viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRE): Tình thương lệch lạc

 

Chuyện cha mẹ thương con thì không có gì phải bàn, vì đó là lẽ tự nhiên. Cái bàn ở đây không phải là tình thương, mà là cách thương. Vì nếu không biết cách thì thương con có khi lại thành hại con. Tình cảm thiêng liêng này, bỗng biến thành một thứ tình thương lệch lạc.

 

Với rất nhiều người, con cái là thứ tài sản quý giá nhất. Chính vì thế, họ dồn thời gian, tâm trí, công sức, tiền của để có thể đầu tư cho con, với rất nhiều trông đợi. Thế nhưng, không phải đứa con nào cũng trưởng thành và đạt được những kỳ vọng của cha mẹ, thậm chí đi ngược hoàn toàn với mong ước của họ. Vì sao vậy? Đơn giản, không phải ai cũng biết thương con đúng cách, không phải ai cũng biết dạy con sao cho có khoa học.

 

Điều kiện xã hội đang làm xuất hiện không ít những “đứa con bạo chúa”, muốn gì được nấy, ý con là ý trời, cả nhà đều phải cuống cuồng chạy theo. Và không cần bàn gì thêm, những đứa trẻ này sẽ khó mà trưởng thành một cách bình thường khi bị cha mẹ bảo bọc bằng một thứ tình thương lệch lạc.

 

Tất nhiên, không ai muốn như thế. Vì vậy, cần phải cụ thể hoá cái kỳ vọng “con cái nên người” là như thế nào, để từ đó, các bậc làm cha, làm mẹ có thể điều chỉnh cách uốn nắn con cái mình từ thuở còn thơ.

 

Dưới góc nhìn chuyên môn về giáo dục, có ba cấu phần để tạo thành một đứa con “ngon lành” mà gia đình nào cũng mong muốn: có một cái đầu khai minh, một con tim xúc cảm và một sức vóc khoẻ mạnh. Và có ba yếu tố quan trọng để làm nên các cấu phần của con người “ngon lành” này: gia đình, nhà trường và xã hội.

 

Bên ngoài khung cửa gia đình là một xã hội rộng lớn, đứa trẻ cần được trang bị một nền tảng cơ bản về cuộc sống và thế giới xung quanh, để có năng lực phân biệt được những vấn đề của cuộc sống, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là đẹp, đâu và xấu. Hay đơn giản hơn, biết được bản thân mình là ai… Bên ngoài mái ấm được bảo bọc của cha mẹ là rất nhiều những biến cố khác nhau. Vì thế, ngoài khả năng “phân biệt” thì đứa trẻ cần phải có “xúc cảm” trước những điều diễn ra trong cuộc sống để có thể chia sẻ, biết thương yêu và được thương yêu: biết rung cảm trước cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau và biết phẫn nộ trước cái ác. Chỉ có những người thầy người cô, người cha người mẹ giàu lòng trắc ẩn, mới có thể giúp con trẻ có tâm hồn. Và bên ngoài vòng tay của những người ruột thịt, còn là một cuộc sống mà đứa trẻ phải tự chịu trách nhiệm về mình và biết nghĩ cho người khác. Sau nữa, đứa trẻ cần được nuôi dưỡng đúng cách, cần học được cách tự chăm sóc sức khoẻ của mình để có một sức vóc khoẻ mạnh, một thể lực đầy đủ để nuôi dưỡng một bộ óc minh mẫn, một tinh thần lạc quan.

 

Hiểu như thế, để chúng ta thôi đừng thương con một cách đầy cảm tính: hãy ngừng đáp ứng những yêu cầu phi lý của con, hãy ngừng trở thành tấm gương không tốt của đứa trẻ khi chạy trường, mua điểm… để tạo những thuận lợi cho con. Và hãy ngừng làm thay con những việc con mình có thể tự làm, để con cái có thể học hỏi và lớn khôn lên mỗi ngày. Hãy giúp con, nhưng để con tự làm lấy những việc con có thể tự làm.

 

Theo Kim Yến

Sài Gòn tiếp thị

Núi Thái thời thế giới phẳng Núi Thái thời thế giới phẳng
8 10 1

Tin đã cập nhật trước đó
   Đòi ly hôn vì phát...
Từ khi phát hiện con trai đồng tính, ông Tùng tìm mọi cách "chữa bệnh" cho con nhưng không thành...

   Xử lý ra sao với...
Người yêu cũ là một phần mà chúng ta phải chấp nhận khi yêu ai đó, đừng ghen tuông hoặc...

   Cuộc sống của gia đình...
Ông Sharad Kulkarnis cao 2,17 mét, vợ và con ông cũng cao gần 2 mét. Gia đình người Ấn Độ...

   Những ngộ nhận phổ biến...
'Ngẩu pín' động vật có thể giúp tăng hưng phấn, cánh mày râu thích sex hơn chị em, phụ nữ...

   Những điều nàng muốn bạn...
Phải thích lắm cánh đàn ông mới khen một câu chung chung: “Hôm nay trông em đẹp thế!” mà chẳng...

   Anh đề nghị giảm trợ...
Các gia đình thất nghiệp sẽ chịu phạt nếu sinh nhiều hơn 2 con, theo kế hoạch của Đảng Bảo...

   “Bắt mạch” nụ hôn của...
Nụ hôn hoặc cái ôm lúc hai người tạm biệt nhau có những thông điệp của nó. Hãy bắt mạch...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top