Đại nhạc hội “Việt Nam quê hương tôi” diễn ra ba ngày từ 22/11 đến 24/11 là hoạt động nghệ thuật nhằm tôn vinh nền văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, góp phần thắt chặt thêm tình cảm của người dân trong nước với những người con Việt Nam xa quê hương. Ngoài ra, Đại nhạc hội còn có mục đích quyên góp giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ, vận động cộng đồng. Hai đêm 22 và 24/11, Đại nhạc hội bán vé phục vụ khán giả thủ đô, riêng đêm 23/11 dành riêng cho các kiều bào và được phát sóng trực tiếp trên VTV3, VTV4.
Chương trình Đại nhạc hội chia thành hai phần. Phần một là các tác phẩm thính phòng, dàn nhạc giao hưởng hợp xướng với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo, nhạc trưởng Lê Phi Phi, nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh. Trong khi Nguyễn Thiện Đạo say sưa với Hồn thiêng sông núi do chính ông viết và chỉ huy thì Tôn Nữ Nguyệt Minh và Lê Phi Phi khiến công chúng ngạc nhiên và chìm đắm trong âm nhạc tinh tế mới mẻ của bản nhạc Làng tôi được chuyển soạn cho piano.
Phần hai gồm các tác phẩm ca ngợi quê hương đất nước với sự góp mặt của các nghệ sĩ, ca sĩ, nhóm nhạc trong nước: NSND Quang Thọ, NSƯT Thanh Lam, ca sĩ Mỹ Linh, Trọng Tấn, Lan Anh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Tùng Dương, nhóm Cỏ Lạ, nhóm Mặt Trời Mới và ban nhạc Sao Mai. Về phía kiều bào có các ca sĩ: Lệ Thu, Hương Lan, Phi Nhung, Jimmii Nguyễn. Đàn chim Việt, Đất nước lời ru, Tình ca, Bonjour Vietnam, Quê hương tuổi thơ tôi... khiến nhiều khán giả trong thính phòng lặng đi vì xúc động. Một vài người cao tuổi lặng lẽ khóc nhớ lại kỷ niệm nơi chôn rau cắt rốn. Do ý nghĩa đêm nhạc, các ca sĩ trong nước và hải ngoại đều cố gắng thể hiện một cách đằm thắm nhất các ca từ trong bài hát. Nhóm Cỏ Lạ lần đầu tiên biểu diễn Bonjour Vietnam nhưng biểu đạt rất chính xác ca từ, tình cảm bằng chất giọng sáng. Mỹ Linh chứng tỏ đẳng cấp diva khi lên cao chót vót ở bài tủ gắn liền tên tuổi của chị là Hương ngọc lan, trong khi đây là điểm yếu của danh ca Lệ Thu. Giọng ca ngoại lục tuần rất vất vả khi thể hiện Hướng về Hà Nội bởi chất giọng đã bị vỡ nhiều. Hương Lan vẫn ngọt ngào như ngày đầu đi hát, còn Jimmii Nguyễn làm nhiều người xúc dđộng với sáng tác đầy ý nghĩa của chính anh: Cánh cò về với quê hương.
Trong khi các ca sĩ hải ngoại thể hiện sự hướng về nguồn cội trong cả trang phục, lựa chọn bài hát thì các ca sĩ trong nước cho thấy sự bắt nhịp với thế giới qua cách hát "tây", những bộ váy áo hiện đại, lấp lánh. Sự giao hòa giữa các giọng ca trong nước - hải ngoại, giữa âm nhạc bác học với các ca khúc phục vụ quảng đại quần chúng đã đem lại một đêm Đại nhạc hội đầy màu sắc.
|
Đêm nhạc mở màn bằng thứ âm nhạc réo rắt, hào hùng trong vở giao hưởng "Hồn thiêng sông núi" của Nguyễn Thiện Đạo. |
|
Trọng Tấn - giọng nam thính phòng số 1 Việt Nam thể hiện "Đàn chim Việt". |
|
Quang Thọ vẫn giữ được chất giọng nam dày, trầm ấm không bị tác động của tuổi. Ông hát "Tình ca". |
|
Trong khi đó, danh ca một thời Lê Thu giọng đã vỡ rất nhiều. |
|
Hương Lan ngọt ngào và đầy chất dân tộc đằm thắm trong "Hát từ nguồn cội". |
|
Jimmii Nguyễn thể hiện "Cánh cò về với quê hương". |
|
Phi Nhung trẻ trung ở tuổi 36. Nhân đại nhạc hội, cô quyên góp từ thiện 20 triệu đồng. |
|
Nhóm Cỏ Lạ hát "Bonjour Vietnam" rất thành công. |
|
Mỹ Tâm thể hiện "Quê hương tuổi thơ tôi". |
|
Thanh Lam trẻ trung, đầy sức sống trong "Tình yêu không lời". |
|
Hồ Quỳnh Hương đầy gợi cảm với "Lời nguyện cầu". |
|
Tiết mục "Xuân quê hương" với màn múa công phu kết lại chương trình. |
Bài và ảnh: Ngọc Trần