Có hàng xóm tung lời cạnh khóe: “Nhà Xuân Nụ có nuôi chó đâu mà thấy vắng cả láng giềng lẫn họ hàng”. Một người hứng: “Có nàng dâu hai trong một mà”. | |
Thứ Sáu, 29/06/2012 - 08:01
Dâu dữ mất họ
(Dân trí) - Có hàng xóm tung lời cạnh khóe: “Nhà Xuân Nụ có nuôi chó đâu mà thấy vắng cả láng giềng lẫn họ hàng”. Một người hứng: “Có nàng dâu hai trong một mà”.
Trước cổng nhà Xuân Nụ có một chiếc bàn và hai chiếc ghế bêtông, ông khéo tay tự đổ được, cạnh đó lại có cột đèn cao áp nên những ngày nóng mọi người hay ngồi túm tụm, chuyện trò rôm rả. Chủ nhà hiếu khách, hay pha ấm chè ngon ra tiếp, còn chuẩn bị cả bim, kẹo cho trẻ đến chơi. Được nhiều người quý, vậy nên ngày họ đón cô Như về làm dâu ai cũng sang giúp và mừng cho vì đã lo xong việc lớn là dựng vợ cho hai anh con. Nhưng chỉ ít lâu sau hàng xóm cứ ít lai vãng dần rồi ngừng hẳn, cũng do gương mặt “đưa đám” của Như. Vài lần họ đến chơi ông bà đều thấy hết nước nóng do Như mang nấu cơm hết. Ông thúc đun nước pha chè, cô cứ vâng dạ mãi mới đặt ấm lên, cố làm thật chậm, khiến ông giục nhiều lần, khách ái ngại. Cô còn nói với bố mẹ chồng rằng những trò vô bổ ấy dẹp đi sớm lại hay. Gặp cô bác dù thân thiết Như cũng tỉnh bơ đi thẳng, mẹ chồng mắng cô lạnh nhạt bảo “Thế chết ai không”, lần thì nói “Mắt kém, con chẳng để ý”. Ai sang mượn cái gì cô cũng chối đây đẩy “không biết”. Cô còn nói gay gắt khiến đôi người nghe được: “Có phải của mình đâu mà cho mượn, mà sao có những người suốt ngày vác mặt đi dùng nhờ mà chả biết ngại ý”. Thấy ghế vắng người, bọn trẻ tính chiếm để chơi, song chỉ được hôm trước, hôm sau thì không đứa nào bén mảng. Ra là thấy bọn trẻ nô đùa ầm ĩ, cô Như đã kỳ công xách ba xô nước đổ lênh lãng lên cả bàn cả ghế. Lũ trẻ“dính trấu” từ đó chẳng dám (chả thèm) đến nữa. Bố mẹ hỏi cô tỉnh bơ bảo đổ ra cho mát, rồi kêu nhức đầu, đi làm cả ngày, tối về lại ầm ầm ai mà chịu nổi. Người trong quê đi ô tô khách nên đến từ rất sớm, chị em gặp nhau mừng rỡ, chuyện như pháo ran, đang vui thì cô con dâu dường như bị mất giấc, từ trong phòng bước ra hời hợt chào rồi đi vào nhà tắm, vẻ mặt không thoải mái. Bà Nụ bảo ngồi ăn sáng, bà đã mua sẵn nhưng Như từ chối, rồi phóng xe đi làm luôn. Bà sượng mặt nhìn cậu em đang vờ ngó lơ xem thời sự chào buổi sáng. Biết những lần Như “đuổi” khách mà ông bà giận tím mặt, nhưng lại nghĩ dâu mới về, phải sống xa chồng thiếu thốn tình cảm nên họ cố châm chước, góp ý nhỏ nhẹ cũng không ăn thua, đành để đó chờ chồng nó về nói chuyện sau. Nhưng chồng Như thuộc diện ít nói, thế nào cũng được. Tháng may ra về hai lần nên không buồn để tâm những việc ấy. Không muốn gây mất đoàn kết, họ đành âm thầm nín nhịn. Hai đứa mãi chẳng có con, hồi đầu còn hay có người hỏi, sau không ai muốn ăn quả đắng, vì cô cứ cắn ca cắn cảu, “Cháu đẻ hay không kệ cháu” nên chẳng ai dám kiếm câu hỏi làm quà. Sau hai năm cô chửa vượt mặt cũng chả thấy ai hỏi han thì lại ra cái điều là toàn những kẻ bạc bẽo, chẳng cần tốt với họ làm gì. Như cũng hay gây gổ với chị dâu, cãi nhau kịch liệt để giành mẹ chồng trông con cho, song đang nghỉ đẻ thì công ty bị phá sản nên được ở nhà hẳn. Số tiền tích cóp đã đem đổ hết vào đứa con nên cuộc sống dần bí bách, ghét nên chẳng ai muốn giúp khiến cô ngày càng trở nên cáu kỉnh. Sếp cũ của Như bị tai nạn chết, người cạnh nhà biết chuyện Như mang ơn sếp liền “ngứa mồm” khuyên nên đi viếng, gần đây chứ xa xôi đâu. Như vặc lại: “Cháu đi để dính dớp, ô tô nó đâm hai mẹ con chết ra đấy, để bố nó lấy vợ khác đẻ con khôn cho à”. Ngỡ ngàng trước lời độc miệng, bà quyết định tẩy chay Như kèm theo câu: “Người ta giúp đỡ bằng thật mà nó còn coi chả ra gì nữa là, con người vô ơn, mắt trắng dã, tốt nhất tránh cho xa”. Có người tung lời cạnh khóe: “Nhà Xuân Nụ có nuôi chó đâu mà thấy vắng cả láng giềng lẫn họ hàng”. Một người hứng: “Có nàng dâu hai trong một mà”. Ông bà đau đầu khi nghe hết người nọ đến người kia lên án Như. Có người còn nói thẳng Như còn ở đó họ sẽ không bao giờ vào chơi. Ông bà đang bàn, sắp tới bảo vợ chồng nó ở riêng, cho Như đoàn tụ với chồng, còn chồng mà cũng không chịu được, phải giải tán thì họ cũng không can. TSL |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|