Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói, các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng với nghệ sĩ, họ nghĩ khác.
Học hỏi là số 0
Đến thời điểm này, đã có 26 vở diễn đăng ký tham gia liên hoan. NSƯT Chí Trung, Nhà hát Tuổi Trẻ, hài hước rằng: “Các đoàn gặp nhau tay bắt mặt mừng, du lịch miễn phí tại Huế và không phải nghĩ ngợi gì về doanh thu, thế là quá ổn”. Chính vì những lý do này mà nhiều đoàn kịch của các nhà hát công lập đua nhau tham gia liên hoan, có đơn vị tới 2-3 vở.
Cảnh trong vở Làm... của Sân khấu Kịch Phú Nhuận dự kiến tham dự Liên hoan Sân khấu Kịch Chuyên nghiệp toàn quốc 2012 - Ảnh: Thanh Hiệp |
Nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ với anh, mục đích học hỏi ở liên hoan là “con số 0”. “Vào sát ngày, diễn xong là về luôn thì làm gì có thời gian mà học, các đoàn khác cũng đều thế cả” - NSƯT Chí Trung cho biết. Anh cho biết thêm: “Nhà nước không nuôi đoàn diễn 60 người trong 14 ngày, mà chi phí ăn ở mỗi ngày là 20 triệu đồng, chưa tính phát sinh để ngồi xem hết tác phẩm của các đoàn được. Nhà hát tôi tính toán rất chi li, đi ra tắt đèn hàng loạt nhưng khi vào chỉ mở từng cái một để tiết kiệm thì không thể ở Huế suốt 2 tuần được. Vì thế, chỉ tận dụng cơ hội để chơi, gặp gỡ bạn bè, xem một vài vở nếu có thể được mà thôi”.
Trong khi đó, nhiều đơn vị xã hội hóa dù đã đăng ký nhưng vẫn chưa có quyết định cuối cùng. NSND Hồng Vân, Giám đốc Nhà hát Kịch Hồng Vân, cho biết chị rất muốn đưa Nước mắt người điên và Làm… đi dự liên hoan, tuy nhiên, tất cả còn tùy thuộc vào kinh phí. Nếu được BTC hỗ trợ kinh phí (dự kiến ban đầu là 50 triệu đồng/vở), Kịch Hồng Vân mới có thể tham gia và cũng chỉ đi được trong 3 ngày.
NSND Hồng Vân cho biết đoàn đi 3 ngày bỏ 10 suất diễn, toàn bộ tập thể nhà hát sẽ phải chịu đói 3 ngày. Một nghệ sĩ tên tuổi cho biết vì kinh phí có hạn nên các đoàn phải “giật gấu vá vai”, sát ngày diễn mới vào, diễn xong lại tranh thủ đi các tỉnh diễn để có thêm thu nhập, thành ra gọi liên hoan là “điểm danh nghệ thuật” chính xác hơn là nơi để tìm tòi, học hỏi sáng tạo nghệ thuật.
Áp lực thành tích
NSND Hồng Vân nói dù còn nhiều điều ra tiếng vào nhưng liên hoan sân khấu kịch thực sự cần thiết cho giới làm nghề. Ngoài việc chứng tỏ sân khấu kịch còn hiện hữu trên đời, liên hoan còn là nơi anh em trong nghề gặp gỡ, thưởng thức tác phẩm của nhau. Đặc biệt, với các sân khấu xã hội hóa, liên hoan là dịp để các nghệ sĩ trẻ thấy được nghề nghiệp mà họ theo đuổi có ý nghĩa.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ này. Một nghệ sĩ nổi tiếng cho hay liên hoan phần nào mất đi ý nghĩa của nó bởi nhiều đạo diễn muốn chứng tỏ mình là “ông”, là “cụ”. Không ít người chạy theo thành tích mà cuống lên dùng tiền Nhà nước dựng những vở chỉ cốt đi thi mà không hướng đến khán giả. “Không chỉ không đạt hiệu quả trong kích cầu nghệ thuật mà còn rất phí phạm” - nghệ sĩ này cho hay. NSƯT Chí Trung cũng nhìn nhận: “Nhiều người muốn giành được gì đó để chứng minh cho ai đó là họ rất giỏi. Vì thế, họ rất vất vả chạy theo các liên hoan”.
NSND Đỗ Kỷ, Phó trưởng Phòng Nghệ thuật - Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho rằng dù áp lực thành tích bây giờ đã đỡ hơn rất nhiều nhưng ông vẫn thừa nhận đoàn nào cũng muốn tăng thêm thành tích cho đoàn, cho cá nhân nghệ sĩ của họ. Nghệ sĩ nào đi thi cũng đều muốn có giải.
Rõ ràng, như cách nói của NSND Hồng Vân, mục đích dự liên hoan của Kịch Hồng Vân là chứng minh khả năng làm nghề của các đơn vị xã hội hóa, nếu cần làm những tác phẩm nghệ thuật, họ cũng vẫn làm chứ không phải tiền là trên hết nhưng giải thưởng cũng là điều các nghệ sĩ rất quan tâm. Các nghệ sĩ Minh Hoàng, Kim Chi, Thanh Vân, Lan Phương, Việt Anh… đều đang thiếu một huy chương vàng để có đủ điều kiện xét tặng danh hiệu.
Sáng tạo phải vì khán giả
NSƯT Chí Trung cho hay để liên hoan (vốn rất cần thiết) thật sự là một sân chơi của người làm nghề, cần thay đổi tiêu chí xét tôn vinh nghệ sĩ. “Đây không nhất thiết phải là nơi duy nhất để các nghệ sĩ thi thố” - NSƯT này chia sẻ. “Ở TPHCM, nghệ sĩ Thành Lộc rất xứng đáng là NSND nhưng vì thiếu huy chương nên khó khăn mãi, anh Bảo Quốc cũng thế” - NSƯT Chí Trung cho biết.
Anh cũng khẳng định: “Nghệ sĩ có được yêu mến hay không là do khán giả công nhận. Có nhiều cách để tôn vinh nghệ sĩ, không nhất thiết cứ phải huy chương do Cục Nghệ thuật Biểu diễn trao mới được công nhận, đơn vị khác thì không. Liên hoan phải là nơi người làm nghề chia sẻ với nhau chứ không phải nơi chỉ đến để ganh đua huy chương, danh hiệu”.
Ban phát huy chương Giải thưởng được trao ào ạt cho các nghệ sĩ trong các liên hoan, thế nhưng như tâm sự của NSƯT Tố Uyên tại hội nghị bàn về quản lý biểu diễn tại Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch là rất nhiều tác phẩm tham dự liên hoan đoạt giải nhưng chẳng ai biết, chỉ những người tham dự vỗ tay khen hay với nhau. Đó là điều rất buồn. Và một dẫn chứng rất cụ thể cho “nỗi buồn nghệ sĩ” ấy chính là mưa huy chương được trao cho các chương trình và tiết mục tham dự Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp 2012 (đợt 1) được tổ chức tại Sơn La. Chỉ tiếc, chẳng mấy khán giả biết đến những tác phẩm và tiết mục nhận tới 20 huy chương vàng, 23 huy chương bạc ấy. |
Theo Hoàng Lan Anh / Người Lao Động
>> Bất hợp lý xã hội hóa sân khấu >> Nạn nhân lên sân khấu nói về bạo lực >> Phương Thanh trổ tài khiêu vũ trên sân khấu Seashow >> Mùa vắng của sân khấu thiếu nhi >> Hè rộn rã trên sân khấu thiếu nhi >> Tuấn Ngọc, Khánh Hà “tung hứng” trên sân khấu >> Màn cầu hôn xúc động trên sân khấu American Idol >> Phương Thanh "trở lại" sân khấu ca nhạc >> Sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh làm phim "nóng" rồi phát tán trên mạng? >> Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 11: Mỹ Châu - nữ hoàng kiếm hiệp >> Nghệ sĩ sân khấu Ngày ấy... bây giờ - Kỳ 10: Ngọc Giàu - bờ vai gánh cả gia đình >> Chuyện của lính lên sân khấu hài