Trên con phố ở Berlin (Đức), có một tấm biển chỉ dẫn đường tới "Babywiege" -một chiếc hộp bằng thép được giữ ấm, bên trong là chăn gối gọn gàng và một lá thư cùng địa chỉ liên lạc giúp người bỏ rơi trẻ trong đó có thể tìm lại con khi họ đổi ý.
Khoảng 2 lần một năm, có người - thường là một phụ nữ - bước tới con đường nằm lặng lẽ phía sau Bệnh viện Waldfriede (Đức) và bỏ lại đứa con còn đỏ hỏn, có lẽ được bí mật sinh chỉ vài giờ trước. Em bé đó sẽ lớn lên và có thể không bao giờ biết mẹ mình là ai.
Một người phụ nữ đón em bé bị bỏ rơi trong "chiếc hộp đựng trẻ em" ở Hamburg, Đức. Có hơn 400 trẻ đã bị bỏ trong những chiếc hộp như thế này ở châu Âu từ năm 2000 tới nay. Ảnh: Guardian. |
Một số người phản đối sự tồn tại của những "chiếc hộp đựng trẻ em" cho rằng, chúng chỉ "mở đường" cho bố mẹ bỏ rơi con. Theo họ, những chiếc hộp có thể bị các ông bố vô lương tâm sử dụng thậm chí là nơi cho gái mại dâm hay những bà mẹ bỏ đi đứa con họ không mong đợi.
Nhà tâm lý học Kevin Browne tại Đại học Nottingham (Anh) nói với BBC: "Các nghiên cứu tại Hungary cho thấy, trong nhiều trường hợp, họ hàng, chủ nhà chứa hay bố dượng, bố đẻ mới là người đặt trẻ vào các hộp này. Vì thế, câu hỏi lớn nhất là: liệu những chiếc hộp này có bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và liệu mẹ của đứa bé có biết, ủng hộ việc để con họ vào đó không?".
Giáo sư Browne còn cho rằng, bởi việc gửi gắm trẻ kiểu này thường bí mật, vô danh, nên người mẹ sẽ không được tư vấn hay trợ giúp cần thiết, và cả mẹ và con đều có thể gặp những nguy cơ khó lường.
Tuy nhiên, những người phản bác ý kiến trên lại không nghĩ vậy. Họ cho rằng, thà chỉ dẫn cho người mẹ đưa con tới nơi an toàn còn hơn để cho đứa trẻ bị lạnh cắt da nơi công cộng.
Hay tệ hơn, như một trường hợp đã bị tòa án truy tố tại Đức, khi một người mẹ cố tình bỏ con bằng cách ném đứa trẻ từ ban công tầng 15 xuống.
Từ các trường hợp bỏ rơi con thương tâm như vậy, đã thúc đẩy việc thiết lập nhiều hộp đựng trẻ em ở khắp Trung và Đông Âu, từ các quốc gia Baltic tới Đức, Áo, Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Romania. Pháp luật ở một số nước còn khuyến khích việc này. Chẳng hạn, ở Hungary, nếu bỏ con trong hộp thì sẽ được coi là cho con nuôi hợp pháp, trong khi bỏ con ở bất cứ nơi nào khác thì được coi như tội ác.
Gabriele Stangl, ở Bệnh viện Waldfriede (Berlin, Đức) cho rằng những chiếc hộp đựng này đã cứu sống nhiều đứa trẻ và đảm bảo quyền của chúng.
Bà cho biết, những chiếc hộp đón trẻ bị bỏ rơi ở Berlin có đầy đủ tiện nghi đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Khi một em bé bị bỏ lại đó, có một hồi chuông rung lên và các nhân viên y tế sẽ đến ngay. Những trẻ này sẽ được chăm sóc trong bệnh viện và nuôi dưỡng cho cứng cáp trước khi được giao cho cơ quan chức năng có trách nhiệm cho nhận con nuôi. Trong thời gian đầu, người mẹ có thể quay lại và nhận lại con, nhưng sau đó, khi bé đã được cho làm con nuôi, việc này không được phép.
Thực tế, một số bà mẹ đã quay trở lại đón con, dù chưa có thống kê đầy đủ về số trường hợp này. Tại một "hộp đựng trẻ em" ở Hamburg (Đức) có 42 trẻ bị bỏ rơi trong 10 năm qua, 17 người bỏ rơi trẻ trong số này đã liên hệ với nhà tổ chức và 14 quay trở lại nhận con.
Steffanie Wolpert, một trong những nhà tổ chức của hệ thống hộp nhận trẻ ở Hamburg cho biết, năm 1999 (khi chưa có hộp" này, có 5 trẻ bị bỏ rơi và 3 trong số đó tử vong. "Vì thế, mục đích của chương trình này là giúp những đứa trẻ sống sót", ông nói.
Tuy nhiên, những người chỉ trích, như Ủy ban liên hợp quốc về quyền trẻ em, thì không thấy thuyết phục. Họ cho rằng những chiếc hộp kiểu này sẽ đẩy lùi thế giới về thời trung cổ, khi các bà mẹ có thể chuyển đứa con mình bỏ rơi qua ô cửa sổ tròn của nhà thờ.
Maria Herczog, chuyên gia tâm lý trẻ em thuộc Ủy ban cho biết, tốt hơn là cần nâng cao nhận thức của các bà mẹ và giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn của bản thân.
"Sự tồn tại của những chiếc hộp đang gửi đi một thông điệp sai lầm rằng phụ nữ có quyền giấu diếm việc mình mang thai, sinh nở và đem bỏ con", vị này nói.
Tới bây giờ, sự đúng sai vẫn không rõ ràng trong câu chuyện về "những chiếc hộp" này.
Vương Linh