Ngày 16/6, Ngô Long - giáo sư Mỹ gốc Hoa - làm việc tại Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc nhảy từ tầng 17 tòa nhà gia đình ông sinh sống để chấm dứt cuộc đời.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 7, bà Dương Bân - vợ ông - mới chia sẻ nguyên nhân khiến chồng bà tìm đến cái chết.
Dương Bân cho biết, giáo sư Ngô Long nhảy lầu khi bà và con gái 7 tuổi của hai người đang ở Thiên Tân. Khi bà trở về nhà ở Bắc Kinh, ông đã không còn nữa. Cảnh sát thông báo với Dương Bân, hai bên cửa sổ nơi tự tử có rất nhiều dấu vân tay của ông. Giáo sư được cho là "có thể đã do dự rất lâu trước khi buông tay".
Giáo sư Ngô Long. Ảnh: Ifeng. |
Ngô Long, sinh năm 1959 trong một gia đình trí thức ở Thượng Hải, học piano từ lúc 5 tuổi. Năm 1989, ông sang Mỹ du học, lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ về âm nhạc. Ngô Long từng giảng dạy ở Học viện Nhạc kịch thuộc Đại học Boston, Mỹ và được mệnh danh là “Nhà diễn tấu piano gốc Hoa hàng đầu”.
Năm 2002, Ngô Long từ bỏ cuộc sống ổn định ở Mỹ trở về Trung Quốc với mong muốn được cống hiến cho quê hương, đồng thời tiện chăm sóc cho mẹ sau khi bố ông qua đời. Trước khi tới Bắc Kinh, ông làm việc ở Học viện Âm nhạc Thượng Hải. Tuy nhiên “thời gian này mọi việc không như ý, Ngô Long không được làm việc ở vai trò mà ông ấy muốn, điều này khiến ông rất hụt hẫng, thất vọng” - bà Dương Bân cho biết.
Một năm sau, Ngô Long chuyển tới Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh trong vai trò giáo sư chỉ đạo nghệ thuật piano khoa Nhạc kịch. Ngô Long rất coi trọng ngôi trường và vị trí làm việc này, ông dốc sức hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, vị giáo sư này thường xuyên tỏ ra không hài lòng với bản thân. Ông thường dày vò tâm trí bởi những việc tưởng chừng như rất nhỏ, chẳng hạn như việc chọn người lên trình diễn trong một vở nhạc kịch.
Mặt khác, theo bà Dương Bân, ngoài âm nhạc, dường như ông không biết đến điều gì khác. “Đèn trong nhà hư là do tôi tự trèo lên thay. Nếu mua đồ nhầm, ông ấy cũng không dám ra cửa hàng bảo cho đổi lại. Ngô Long không giỏi trong việc tạo các mối quan hệ. Ông ấy luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong tâm hồn".
Vợ giáo sư cũng cho biết, hơn nửa tháng sau khi ông mất, chỉ có một người bạn quen từ rất lâu đến nhà an ủi, còn lại chỉ đến thăm hỏi theo đơn vị.
Bà Dương Bân (bên phải) trả lời phỏng vấn tại nhà riêng. Trên màn hình máy tính là giáo sư Ngô Long trong một đêm biểu diễn. Ảnh: Ifeng. |
Sang năm 2012, giáo sư Ngô Long đối mặt với nỗi lo lớn, đó là việc liệu ông có được tiếp tục ký hợp đồng với Học viện Âm nhạc, bởi hợp đồng cũ sẽ hết hạn vào tháng 8. Thông thường, việc gia hạn hợp đồng phải được bàn trước ba tháng, tuy nhiên, đến tháng 5, trường vẫn chưa đưa ra câu trả lời với vị giáo sư. Điều này khiến ông rất lo lắng, sốt ruột. Vợ giáo sư cho rằng, Ngô Long là người ứng biến rất kém. Đối với những sự việc rất đơn giản với mọi người, ông lại cảm thấy rất đáng sợ. “Nếu bị cắt hợp đồng, ông ấy sẽ cảm thấy rất mất thể diện”. Việc trở lại Mỹ đối với gia đình giáo sư cũng là không khả thi, vì điều kiện kinh tế không cho phép.
Thêm vào đó, ông bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường và chứng trầm uất. Bác sĩ hẹn đến ngày 17/6 tới kiểm tra lại, thì ngày 16 đã xảy ra chuyện.
Bút tích cuối cùng mà giáo sư Ngô Long để lại trên Ipad của mình là một dấu chấm hết màu đỏ. Căn phòng mà ông quyết định nhảy xuống là nơi đặt cây đàn piano yêu quý. Vợ giáo sư cho biết, ông có kế hoạch tổ chức buổi biểu diễn cá nhân vào tháng 11.
Huệ Nguyễn