au gần một tháng diễn ra vòng chung kết Euro 2012, không chỉ các “fan cuồng” bóng đá mà ngay cả những người không “cuồng” cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ sức hút mãnh liệt của trái bóng tròn. | |
Thứ Bẩy, 14/07/2012 - 17:33
Mất gì… hậu Euro?
au gần một tháng diễn ra vòng chung kết Euro 2012, không chỉ các “fan cuồng” bóng đá mà ngay cả những người không “cuồng” cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ sức hút mãnh liệt của trái bóng tròn.
Đầu tiên là mất sức khỏe sau khoảng thời gian dài thức đêm, nhịp sinh học thay đổi, cơ thể mệt mỏi, sức khỏe xuống dốc; gia đình nảy sinh mâu thuẫn, vợ chồng cãi vã vì những cuộc vui tụ tập cổ vũ lúc đêm hôm; rồi phải cầm cắm vật dụng cá nhân như điện thoại, xe máy, laptop… có tiền gỡ gạc cá độ. Không ít gia đình sau mùa Euro gánh gồng cả món nợ không hề nhỏ, kèm theo đó là bao hệ lụy khó lường, thậm chí có nhiều người mất cả nhân tính, đang tâm giết người vì những món nợ từ cá độ Euro không thể trả nổi. Sức khỏe giảm sút Thống kê từ các mùa Euro trước tại các bệnh viện cho thấy, từ giữa đến cuối mùa bóng, lượng bệnh nhân nhập viện do các chứng bệnh liên quan đến thức đêm đều tăng lên. Đặc biệt là người lớn tuổi mang bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, nguy cơ ốm tăng cao. Theo các bác sĩ, trong một chu kỳ sinh học, giấc ngủ sâu sẽ đến từ 0 giờ đến gần sáng, đây là thời gian mà các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi sau cả ngày làm việc.
Vì thế việc thức đêm kéo dài mà ngày phải đi làm không được nghỉ ngơi sẽ khiến cơ thể mau chóng suy sụp, mệt mỏi. Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh cho rằng, hệ thần kinh giao cảm sẽ không được nghỉ ngơi nếu thức đêm kéo dài. Điều này dễ dẫn đến mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu vào ngày hôm sau. Người cũng dễ trở nên nóng nảy, cáu bẳn; đau mỏi cơ thể, uể oải dẫn tới ăn uống không ngon miệng.
Thức khuya hay trắng đêm xem đá bóng sẽ làm đảo lộn đồng hồ sinh học vốn ngủ đêm thức ngày. Ngoài việc gây mệt mỏi, thức đêm còn là nguyên nhân có thể khiến những người cao huyết áp, hay mắc bệnh tim mạch trở nặng. Bởi thức đêm làm co thắt mạch máu, dễ dẫn đến các chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Điều này càng dễ xảy ra khi người xem bóng đá thường mang tâm lý hồi hộp, căng thẳng. Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, thiếu ngủ còn khiến cho mạch máu luôn ở trong trạng thái căng thẳng, không cung cấp đủ máu cho tai giữa, ảnh hưởng rất lớn đến các cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là thính giác với triệu chứng ù tai. Về chế độ dinh dưỡng, ăn đêm có thể gây thừa cân béo phì hoặc vừa thức vừa uống bia rượu, thuốc lá rất có hại, lại thêm việc hò hét ảnh hưởng đến cổ họng. Còn các bác sĩ da liễu khuyến cáo thức khuya dễ ảnh hưởng đến làn da, bởi đêm là thời gian để da nghỉ dưỡng và hồi phục. Tình trạng này thường xuyên sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, sạm và mụn trứng cá sẽ xuất hiện. Gia đình lục đục Thức đêm xem đá bóng trong gần một tháng chắc chắn sẽ gây xáo trộn sinh hoạt thường nhật của gia đình. Nó không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của cả gia đình, vợ con, nhiều ông chồng còn đấu tranh để được ra ngoài xem tụ tập xem đá bóng cùng bạn bè, với lý do xem một mình không có không khí cuồng nhiệt, không cổ vũ hết mình được cho đội bóng yêu thích… Nhiều chị em than vãn trong suốt vòng loại, các ông chồng thường không ăn cơm nhà, tụ tập ăn uống nhậu nhẹt từ tối với bạn bè chờ đến giờ bóng lăn. Về nhà lúc nào cũng trong tình trạng say xỉn, có nhiều lúc đội bóng mình yêu thích thua hay bị loại thì bao nhiêu bực tức về trút lên đầu vợ con, vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, cãi nhau vì trái bóng, tình cảm vợ chồng mùa Euro cũng vì thế mà sứt mẻ, lục đục. Chưa kể, nếu có cá độ bóng đá thì mức độ cay cú, thắng thua còn cao hơn, dù không phải đa số nhưng chuyện “đá thúng đụng nia” xảy ra như cơm bữa với nhiều gia đình. Khảo sát ở khoảng 100 người vợ có chồng mê đá bóng thì mùa Euro quả là tệ hại vì tình cảm gia đình đi xuống, nhiều người vợ tức giận còn bế con về nhà ngoại, vợ chồng ngủ riêng… Chị N.T.Linh (ở Khương Trung, Thanh Xuân) than ngắn thở dài khi món nợ World Cup 2010 vợ chồng gom góp trả vừa dứt thì chị lại lo lắng khi đến mùa Euro 2012. Đồng cảnh ngộ với chị Linh là rất nhiều gia đình cũng nơm nớp trong nỗi lo chồng ham mê cá độ. Lý giải cho niềm ham mê “tiền mất tật mang” này nhiều “fan” thừa nhận nếu xem đá bóng mà có thêm chút ít cá độ thì xem càng vui hơn, cổ vũ càng máu hơn… Sau mỗi mùa Euro, nhiều gia đình tan cửa nát nhà, vợ chồng cãi vã vì không chịu nổi cảnh nợ nần, có những gia đình ly tán vì trốn nợ, tình hình an ninh trật tự gia tăng với những bài đòi nợ như ném mắm tôm, chất bẩn, dầu luyn… vào nhà con nợ sau mỗi mùa bóng. Lo ngại là ngay cả các sĩ tử chuẩn bị thi đại học cũng ham mê trái bóng mà lơ là ôn luyện thi cử, bố mẹ, con cái to tiếng, cấm vận không cho xem tivi khiến trong gia đình cũng nảy sinh mâu thuẫn. Cầm cố, nợ nần Bắt đầu mùa euro cũng là lúc các tiệm cầm đồ rục rịch chuẩn bị “đón” khách và khi những trận cầu đỉnh cao thu hút sự quan tâm của người hâm mộ cũng là lúc các chủ tiệm cầm đồ “ăn nên làm ra”. Những con bạc khát nước càng về cuối càng hăng máu, cá độ với quyết tâm “sống còn” coi những trận cầu như công cụ để đánh bạc kiếm tiền, hay thỏa cơn khát cá độ. Sau khi thua tiền từ những trận đấu vòng loại, nhiều con bạc phải mang những món đồ đắt tiền như xe máy, điện thoai, laptop, thậm chí cả sổ đỏ đi cầm cố. Và đương nhiên giá cầm không bằng được nửa giá mua. Những chiếc điện thoại đắt tiền, thời thượng như Iphone 4, 4S chỉ được cầm với giá khoảng 5 triệu đồng; xe máy dòng Wave bình dân thì khoảng 6-7 triệu, các dòng xe cao cấp hơn như SH, Liberty, PS, Spaycy… mức giá cũng nhàng nhàng dao động từ 40-70 triệu đồng tùy mức cũ mới, đầy đủ giấy tờ… Còn đối với ôtô và giấy tờ nhà thì không phải hiệu cầm đồ nào cũng dám nhận. Điều đáng nói là trái ngược với mức rẻ bèo khi cầm cắm, tiền lãi phải đóng lại tăng tỉ lệ nghịch. Nếu trước đây lãi suất của 1 triệu cầm cố là 5.000 đồng thì nay tăng 7.000-10.000 đồng, có nơi còn 12.000-15.000 đồng, thậm chí giá cắt cổ 20.000 đồng cũng không phải là lạ. Tính từ lãi suất này, thì chỉ trong một tuần cầm cố cho khách, chủ tiệm đã lãi ra một số tiền không hề nhỏ so với vốn bỏ ra. Một chủ tiệm cầm đồ lý giải việc càng cuối mùa càng tăng lãi suất: “Cờ bạc ăn nhau về cuối nên càng các trận cầu cuối, nhất là các trận cầu đỉnh cao máu cá độ càng lên sôi sục. Các con bạc xuống tiền bạo tay và không ngần ngại vay lãi để gỡ gạc cho những trận thua trước đó. Nhiều con bạc còn xác định đánh “tới”, “được ăn cả ngã về không”… Chả thế mà sau mùa Euro, nhiều gia đình không còn phương tiện đi lại, điện thoại xịn xuống điện thoại “hai màu đen trắng”, chỉ còn chức năng “nghe, gọi và nhắn tin”, đi làm lương không đủ trả lãi chứ chưa nói đến việc xoay tiền để lấy lại những món đồ đã đem đi cầm cắm. Đến mất… nhân tính Chìm trong cảnh nợ nần cá độ không xoay đâu ra tiền để trả, bị chủ nợ uy hiếp, nhiều người trong lúc quẫn trí, cùng đường họ làm liều, mất nhân tính, đang tâm sát hại người thân… Trường hợp của Trần Mạnh Luân (23 tuổi, ngụ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ vì thua độ bóng đá một triệu đồng và muốn có ít tiền gỡ gạc để chơi tiếp, hắn đã lên kế hoạch giết bạn thân rồi cướp tài sản. Chiều 10-6, Luân đến phòng trọ của người bạn thân là Hồ Đăng Tính (26 tuổi, tại xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) chơi bài. Sau đó, Luân bỏ đến quán cà phê Thủy Tùng (phường Quyết Thắng) để xem trận đấu giữa Italy và Tây Ban Nha. Luân cá độ với một nhóm người khác thua một triệu đồng và buộc phải cầm cố chiếc xe máy của mình. Về nhà, bị mẹ la rầy vì cầm xe, tức tối Luân bỏ sang nhà Tính ngủ. Nhưng trằn trọc mãi không biết lấy đâu ra tiền chuộc xe và tiếp tục cá độ, Luân nảy ngay ra ý định giết Tính để cướp tài sản. Rạng sáng 11/6, Luân lấy dao đâm một nhát vào hông bạn. Tính vùng chạy nhưng vẫn bị Luân đuổi theo đâm nhiều nhát cho đến khi Tính gục hẳn bên đường. Giết bạn, Luân lục ví lấy gần 3 triệu đồng rồi bỏ trốn. Người dân đi đường đưa Tính đi cấp cứu nhưng Tính không qua khỏi vì vết thương quá nặng. Ngay sau đó, tên bạn sát nhân đã bị bắt và hiện giờ đang đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Một vụ án đau lòng khác xảy ra vào rạng sáng 16/6 tại hẻm A8 đường Bông Văn Dĩa, ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM. Người chồng hờ Ngô Phát Tài (46 tuổi) do bị từ chối trả nợ tiền thua cá độ bóng đá đã tàn nhẫn chích điện vào hai mẹ con chị Phạm Kim Trang (38 tuổi) và con trai Lê Quốc Vũ (12 tuổi). Sau đó, hắn tiếp tục dùng xăng tưới lên người cả ba rồi châm lửa đốt. Cả ba đều thiệt mạng ngay sau đó vì bị bỏng quá nặng. Tiếng kêu cứu thất thanh rên xiết của hai mẹ con chị Trang có lẽ sẽ còn ám ảnh người dân trong con hẻm nhỏ khi nhớ về mùa Euro 2012 này. Vì một phút quẫn trí với số nợ cá độ, người tình của mẹ đang tâm giết chết hai mẹ con một cách tàn nhẫn. Nhưng thương tâm nhất là vụ án mạng vừa xảy ra vào 1h sáng 30/6 tại xã Quảng Trung (Quảng Xương, Thanh Hóa) khiến cả gia đình anh Nguyễn Bá Sơn, chị Đặng Thị Hà (25 tuổi) và con gái Nguyễn Thị Trang mới 5 tháng tuổi thiệt mạng. Mà người gây án không ai khác chính là người chồng, người cha của gia đình. Trong lúc đi làm ở cảng cá xã Quảng Nham (Quảng Xương), Sơn chơi và thua cá độ bóng đá.
Vào trước ngày xảy ra án mạng, Sơn yêu cầu vợ và mẹ đẻ đi vay tiền để trả cho chủ nợ. Không có được tiền trả nợ, Sơn cáu gắt mâu thuẫn qua lại với vợ rồi ra tay sát hại, bóp cổ vợ đến chết. Tàn nhẫn hơn, trong lúc quẫn trí Sơn sát hại luôn đứa con gái mới 5 tháng tuổi. Vợ con chết, Sơn dùng mảnh kính vỡ cắt tay tự sát nhưng không thành. Sau đó, Sơn chạy qua nhà mẹ đẻ sống gần đó nói bà qua nhìn mặt cháu nội và con dâu lần cuối, đồng thời dặn mẹ ra ngoài quốc lộ nhặt xác mình về. Nói xong, Sơn chạy thẳng ra Quốc lộ 1A, lao đầu vào một xe container tự tử, văng vào một xe khách và bị kéo lê chục mét…
Euro đã qua đi, dư âm của nó vẫn còn trong những câu chuyện phiếm khi nhắc đến những bàn thắng đẹp, những đội bóng, cầu thủ yêu thích, nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại sau một mùa Euro, không biết bao nhiêu người nhận thấy đã đánh mất nhiều thứ: sức khỏe, tình cảm gia đình, tiền bạc nợ nần chồng chất rồi quẫn trí đến mức mất luôn nhân tính để có tiền trả nợ cá độ. Và chắc vẫn có một điều khó trả lời là: Không biết bao giờ mới hết cái cảnh cứ vào mỗi mùa Euro, World Cup lại là mỗi mùa lo của nhiều gia đình? Theo Thanh Huyền
Infonet |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|