Đọt rau khoai thường dùng để xào, nấu canh hoặc luộc, món nào cũng ngon. Trong những ngày trời mưa nhiều, các chị không đi chợ được, món rau khoai luộc chấm mắm ruột ăn với cơm nóng phải nói là ngon khó tả.
Thông thường rau khoai được chọn hái phần đọt và lá non, rửa sạch rồi chuẩn bị nồi nước, để trước bữa ăn độ năm phút ta mới bắt đầu luộc rau, đảm bảo đĩa rau vớt ra đặt trên mâm còn nghi ngút hơi. Nhớ luộc rau đúng cách, xanh mềm, giữ được nguyên thể và vừa đúng độ chín. Rau chấm với nước chấm gì cũng được, nhưng chấm với mắm ruột cá thu, cá ngừ phải nói xếp hàng “đệ nhất”. Mắm ruột cá thu, cá ngừ có bán nhiều nơi, nhưng xuất xứ chính hiệu là ở biển. Ngư dân chọn phần ruột cá tươi để muối theo công thức gia truyền. Độ khoảng mười ngày sau khi muối, mắm có thể ăn được. Giã ớt, tỏi, chanh, đường rồi trộn mắm, nêm nếm thật ngon.
Ngon hơn và công phu hơn là sau khi giã ớt, tỏi, chanh, đường rồi trộn mắm vào, ta cho thêm ít thơm (dứa) chín băm nhuyễn rồi ủ độ một buổi cho mắm hòa vào nước thơm, khi đó nước có vị vừa ngọt, vừa mặn, vừa thơm ngon. Và nước này hợp hơn hết khi được chấm ăn kèm với rau khoai mới luộc và cơm nóng. Bằng chứng để “kiểm định” độ ngon của món dân dã này là đã được nhiều người thích ăn vì nó mặn mà và lạ miệng. Hơn nữa trong mỗi bữa ăn vào thời điểm mùa mưa cho thấy, nếu dọn mâm cơm cùng một lúc có cá, thịt, canh và rau khoai với chén mắm ruột thì chắc chắn rằng đĩa rau khoai và chén mắm kia sẽ hết trước!
Ngoài ăn ngon miệng, theo Đông y, rau khoai mát và bổ, tính bình, vị ngọt, không độc, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn, thận âm bất túc. Vì thế khi ăn đã ngon miệng, đồng thời nó cũng có lợi cho cơ thể vì giúp chữa được nhiều bệnh thông thường.
Tấn Trực