Tối 11-8, Sao Mai - điểm hẹn (SM-ÐH) 2012 đã khép lại trong lặng lẽ tại TP Huế với chiến thắng thuộc về Thanh Tâm (giải hội đồng nghệ thuật) và Việt Anh (giải khán giả bình chọn). | ||||
Thứ Hai, 13/08/2012 - 13:51
Sao Mai - điểm hẹn: Tiếc một sân chơi
Tối 11-8, Sao Mai - điểm hẹn (SM-ÐH) 2012 đã khép lại trong lặng lẽ tại TP Huế với chiến thắng thuộc về Thanh Tâm (giải hội đồng nghệ thuật) và Việt Anh (giải khán giả bình chọn).
Nhìn lại năm mùa giải, những ai yêu mến sân chơi này hẳn không tránh khỏi âu lo...
Ðược xem là chương trình tiên phong phá vỡ các chuẩn mực thi hát truyền thống vốn đã quá cũ mòn, ngay từ mùa đầu tiên 2004, SM-ÐH lập tức thu hút sự chú ý của khán giả cả nước. Các thí sinh của mùa thi năm ấy đến nay đã giành được những vị thế nhất định, gặt hái nhiều thành công và vẫn được công chúng nhắc tên với nhiều ưu ái. Nhưng càng về sau, sự "đuối" của SM-ÐH đã không chỉ còn là dấu hiệu... Không công bố toàn bộ danh sách thành viên hội đồng nghệ thuật (trên mười người), tiến đến không công bố số tin nhắn bình chọn, không xử lý rốt ráo những khiếu nại quanh lỗi tổng đài (gửi tin nhắn bình chọn nhưng tổng đài báo lỗi), ban tổ chức SM-ÐH đã dần đánh mất niềm tin khán giả dành cho chương trình. Những lời hứa, những kế hoạch phát triển sự nghiệp cho thí sinh sau giải thưởng lần lượt rơi vào khoảng không. Tìm đỏ mắt trên thị trường người ta cũng chẳng thấy bóng dáng của các album được thực hiện cho thí sinh thắng giải SM-ÐH - điều mà rất nhiều thí sinh kỳ vọng để kéo dài tên tuổi và hiệu ứng sau cuộc thi. Năm 2012, ban tổ chức cho biết sẽ thực hiện MV (music video - clip nhạc) cho thí sinh chiến thắng dưới dạng... VCD thay vì DVD như hầu hết đồng nghiệp - đối thủ của họ đang làm trên thị trường băng đĩa, Internet. Dự án phối hợp, chuyển giao thí sinh SM-ÐH cho các công ty giải trí tiếp tục đào tạo, hỗ trợ cũng biến mất. Kỳ thực, không phải ban tổ chức SM-ÐH không biết những nguyên nhân có thể giết chết chương trình của mình. Trong nhiều cuộc trò chuyện, lãnh đạo Ðông Tây Promotion - đơn vị phối hợp - đều thừa nhận các khiếm khuyết và khát khao cải thiện nhưng bất lực bởi không có quyền quyết định. VTV thì dường như không có ý định thay đổi. Khi bị chất vấn về sức hút kém của chương trình, đạo diễn Huyền Thanh khẳng định SM-ÐH là chương trình "nghệ thuật", vì gặp nhiều khó khăn về kinh phí, sóng truyền hình... Chương trình nghệ thuật cũng cần khán giả chứ?Từ Thần tượng âm nhạc đến Giọng hát Việt (The Voice), các đối thủ của SM-ÐH đều có kế hoạch phát triển cho thí sinh. Sau khi đăng quang, êkip Uyên Linh đã giúp cô đứng vững ở vị trí ngôi sao. Chỉ mới bước qua vòng Giấu mặt, các thí sinh The Voice đã có người quản lý. Những điều ấy, SM-ÐH đã từng tính toán và hoàn toàn có thể làm được. Có quá khó không việc mời những tên tuổi đương thời của nhạc Việt giữ vai trò quan trọng nhất trong việc yểm trợ thí sinh thay vì một chuyên gia Thái Lan (cứ cho là tài năng) không thật sự am hiểu về thị trường VN? Công khai số lượng tin nhắn (có kiểm toán) của từng thí sinh, qua từng đêm thi đối với VTV có là bất khả? Chắc chắn là không. Trên hết, thay vì "tư vấn", "định hướng" cho thí sinh phải hát cái gì, hãy để thí sinh được là chính họ, thể hiện bản thân họ nhằm chinh phục công chúng hơn là để thi thố trước hội đồng nghệ thuật. Dù có thừa nhận hay không, bản chất SM-ÐH vẫn là một sân chơi tích hợp - học hỏi những điểm hay nhất từ nhiều chương trình khác, cả trong và ngoài nước. Thế thì một lần học hỏi nữa để tìm lại khán giả tưởng cũng chẳng mất gì của ban tổ chức. Quan trọng hơn hết, VTV có thật sự muốn cách tân hay cương quyết giữ truyền thống và chấp nhận tồn tại trong phạm vi nhỏ hẹp của mình. Câu hỏi này xin gửi lại cho ban tổ chức ở những năm sau.
Theo Tuổi trẻ |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|