Đại đang là sinh viên năm cuối ngành luật. Khác xa với bề ngoài cao ráo, trắng trẻo, cậu lại "khét tiếng" trong xóm trọ là một người tủn mủn, tính toán.
Vài tháng nay, Đại có một cách kiếm tiền mới khá dễ dàng là giặt quần áo cho mấy người đàn ông đã đi làm trong xóm trọ. Sỡ dĩ cậu chọn đối tượng này vì họ có tiền lại không có thời gian để dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ.
Theo Đại, mấy thanh niên đó đi làm cả ngày, mệt mỏi. Cuối tuần còn bận ngủ, đi chơi với bạn gái hay nhậu nhẹt nên quần áo, giầy tất chất đầy. Vậy là cậu nắm bắt cơ hội đó gạ gẫm từng người xem có ai nhờ giặt không. Xong việc, mỗi người đưa cậu vài chục. Đầu tư một buổi sáng, Đại có thể kiếm được hơn trăm ngàn.
Ảnh có tính minh họa: dreamstime.com |
Nhà Đại thuộc diện khá giả. Cậu có xe, có laptop và mỗi tháng được chu cấp tiền ăn tiêu đầy đủ. Đại cũng là người khá chăm chút cho vẻ bề ngoài, là một "tín đồ" săn hàng hiệu giá rẻ. Ấy thế nhưng cậu luôn nghĩ cách làm thế nào để kiếm tiền.
Ai mượn xe, Đại yêu cầu phải đổ đầy xăng mới cho mượn, dùng laptop phải trả Đại một bữa cơm để bù "hao phí". Nhỡ bạn bè nào muốn mượn một chiếc áo, hay quần của Đại thì phải trả cậu 5.000 đồng/ngày.
"Chẳng thấy Đại học hành mà suốt ngày chỉ tính kế kiếm tiền, dù chỉ lãi được vài nghìn cũng hả hê. Hễ ai có đồ hay, Đại gạ mua lại rồi sửa đi bán với giá cao. Có lần mua tận 3 đôi giầy Thượng Đình giá rẻ rồi bán lại cho bạn bè. Nếu tôi đi vắng không về mà xà phòng hay mắm, muối hết thì cậu ta thà bẩn, thà đói cũng không mua, chờ tôi về mới tính toán, góp tiền", người bạn cùng phòng với Đại kể.
Đại có bạn gái và rất yêu cô này nhưng ngay cả quà tặng cho nàng, cậu cũng tính toán. Đến dịp gì đó, Đại thường tốn khá nhiều thời gian đi săn lùng món quà ưng ý với giá rẻ. Cậu thà đi xa cả chục km chỉ để mua một món đồ rẻ hơn được vài nghìn.
Vào lần Valentine, Đại xin được một đồng hồ cát có phát ra tiếng nhạc (vốn là của một người bạn định tặng cho bạn gái nhưng không thành). Cậu đem món quà đó về phòng ngắm nghía, thích thú rồi thả nó vào một cái túi, đem tặng người yêu mình.
Phạm Minh Tú quê Thái Nguyên có công việc rất tốt với mức lương gần một nghìn đô la nhưng "tính bủn xỉn của cậu ấy vẫn như hồi sinh viên", Ngọc - bạn thân của Tú kể.
"Chúng tôi chơi với nhau khá thân, gần như ngày nào cũng ngồi với nhau, không đi ăn thì uống trà đá, nhiều hôm có sự kiện gì thì đi hát, ăn nhà hàng... nhưng cậu ấy hiếm khi góp tiền cùng mọi người. Nhà cậu ấy giàu có và chúng tôi thường nghĩ do cậu ấy không biết cách tiêu tiền mà thôi", Ngọc kể.
Về sau này Ngọc và các bạn mới biết Tú là người rất biết cách dè xẻn. Những lần bố mẹ gửi, Tú dành dụm tiền lại, có lần mua cho cậu em bộ đồ chơi, lần lại vay thêm tiền bạn bè tặng bố chiếc máy ảnh, điện thoại xịn. Ra trường được vài tháng, Tú đã dành được tiền "lên đời" bằng một chiếc xe tay ga xịn.
"Có đồ đẹp, cậu ấy cũng rất biết cách bảo quản, chẳng bao giờ cho ai mượn. Dù có hai chiếc điện thoại nhưng Tú toàn giấu chiếc đắt đi, dùng cái rẻ. Lúc nào đi chơi xa, cậu ấy mượn một chiếc xe cũ đi chứ không đi xe mới của mình. Biết là tính cách tiết kiệm thế là tốt nhưng mình đang thanh niên, đôi khi cũng cần sống thoáng", Ngọc kể thêm.
Theo chuyên gia tư vấn Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn tâm lý - Tình yêu - Hôn nhân thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, kiểu tính cách chi li, chặt chẽ này không hẳn xấu nhưng cần góp ý để bạn bè sửa đổi.
Với trường hợp của Đại, chuyên gia Trần Thị Hồng Hà nhận định: "Giặt thuê hay mua đồ rồi bán lại không có gì là xấu dù cách kiếm tiền của cậu ấy hơi có vấn đề. Tuy vậy việc tính toán chi ly với bạn bè là không tốt. Ai cũng biết cách trả ơn khi mượn đồ nên Đại không nên yêu cầu đổ xăng hay đòi tiền khi bạn mượn quần áo. Cuộc sống có lúc này, lúc khác và tình cảm mới là quan trọng".
"Nhất là với bạn gái, chuyện tặng quà là tình cảm và càng không thể mang ra so sánh với tiền bạc. Đại nên phân biệt kinh doanh ra kinh doanh, tình cảm ra tình cảm", chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà nói.
Còn ở trường hợp của Tú, chuyên gia này phân tích: "Cậu ấy không phải là người ki bo, cũng phải người không biết chi tiêu mà ngược lại cậu là người biết phân biệt cái nào nặng, nhẹ, nên ưu tiên tiêu tiền cho mối quan hệ nào. Cho nên, bạn bè cần góp ý nửa đùa, nửa thật. Tôi tin nếu ta nói 'hôm nay tôi trả, mai đến lượt Tú trả nhé", kiểu gì cậu ấy cũng biết. Bình đẳng, thoải mái mới có thể duy trì được tình bạn lâu dài".
Trở lại trường hợp của Đại, do cậu có tính 'quen mui nhớ mùi ăn mãi" nên bị bạn bè "tẩy chay". Có lần cậu trở về nhà với vẻ mặt bí xị vì bị bạn bè "trấn lột" hơn 200.000 đồng cho mấy ngày ăn uống.
"Hóa ra do tuần nào cậu ấy cũng mang đồ đạc sang nhà bạn, dự định được cho ăn ngủ nhờ để tiết kiệm tiền. Nào ngờ, nhiều lần như vậy, bạn cậu ấy để ý, mua thêm nhiều đồ ăn ngon rồi cuối buổi cứ bổ theo đầu người mà tính".
Với Tú, các bạn trong nhóm cùng hùa vào "đả thông" suy nghĩ. Người chỉ trích Tú thẳng thừng, người bóng gió nửa đùa, nửa thật, người nhẹ nhàng góp ý.
"Bọn mình đi làm lương bập bõm vài triệu mà cậu ấy mỗi tháng được gần 20 triệu thì cũng phải san sẻ với anh em. Chơi với nhau rất nhiều rồi, mình nghĩ cũng nên góp ý để hoàn thiện. May là sau nhiều lần như vậy Tú biết điều hơn nhưng vẫn còn kẹt lắm", Ngọc cho biết thêm.
Phan Dương