Đây là một trong những trường hợp bé gái tại đây được người nhà tìm kiếm, mà bà Nguyễn Kim Thiện, quản lý mái ấm Hoa Hồng Nhỏ nhớ nhất trong hơn 10 năm làm việc. Nơi đây đang nuôi dưỡng hơn 20 em gái từ 11 đến 18 tuổi có hoàn cảnh bất hạnh, nguy cơ trở thành nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.
“Mái ấm này ngày xưa là một cái chuồng lợn”, bà Thiện cho biết. Năm 1992, trong một con hẻm được cho là tụ điểm mại dâm ở quận 7, một nhóm nữ tu sĩ quy tụ các bé gái trong độ tuổi dậy thì về nuôi dạy với mục đích tránh cho các em sa vào tệ nạn. Họ mua lại mảnh đất này khi ấy đang là chuồng lợn của một nhà dân và xây dựng nên căn nhà chung cho các bé gái.
Các em gái cùng nhau lau dọn phòng ăn. Ảnh: Xuân Hường. |
Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ hình thành từ đó, dưới sự quản lý của Hội bảo trợ trẻ em TP HCM. Nơi đây trở thành chốn nương thân của nhiều trẻ gái bơ vơ sau khi cha mẹ vướng vòng lao lý.
Vào khoảng năm 2004, mái ấm nhận về 3 chị em gái, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi. Cả ba đều bị người cha dượng xâm hại tình dục trong một thời gian dài. Đau đớn hơn là chính người mẹ đẻ lại tiếp tay, giúp đỡ chồng sau trong việc giữ chặt tay chân, đè con gái mình ra.
Ba Thiện cho biết, đó là một vụ án rất nổi tiếng ở quận 7 cách đây vài năm. Cha dượng nhận án tử hình, còn người mẹ tù chung thân. Các em chỉ còn một người thân là bà ngoại đã lớn tuổi nên cơ quan chức năng gửi cả ba vào mái ấm.
“Tôi không thể hiểu được những người cha, người mẹ như thế nghĩ gì. Chúng tôi khi đã nhận nuôi các em sẽ không quan tâm đến quá khứ nữa. Nhiệm vụ của chúng tôi ngay lập tức là giúp các em thôi hoảng sợ và hòa nhập cùng bạn bè trong mái ấm”, bà Thiện nói.
Trường hợp của ba chị em gái này không phải là hiếm. Bà Thiện phân tích, những chuyện đáng tiếc xảy ra đều là do các em sống trong một gia đình thiếu sự quan tâm. Để đưa các em trở lại trạng thái tâm lý bình thường là một việc đòi hỏi nhiều kỳ công.
Chỉ vào một cô bé đang quét dọn căn phòng sinh hoạt, bà Thiện nói đó là Mai, quê ở Long An, vào mái ấm cách đây hơn 1 năm. Bố mẹ thường xuyên vắng nhà, Mai hay sang chơi ở nhà người hàng xóm năm nay gần 70 tuổi. Và một ngày bố mẹ cô bé ngỡ ngàng khi thấy bụng con gái mình ngày càng lớn và bỗng dưng lại thích chơi búp bê. Lúc đó, Mai đã mang thai 5 tháng.
Cô bé bỏ nhà đi sau khi phá thai, rồi lưu lạc đến mái ấm. “Những ngày mới đến, Mai luôn miệng nói rằng em thù bệnh viện vì đã cướp mất con của mình, và nhất quyết không gọi điện về cho gia đình. Vài tuần sau, em bắt đầu quen với mái ấm, với bạn bè, đã gọi điện báo về nhà và đang rất chăm chỉ học may áo dài”.
Một giờ sinh hoạt của các em ở mái ấm. Ảnh: Xuân Hường. |
Bà Thiện nói, chăm sóc trẻ em cần nhất là sự chân thành. Các em bé ở mái ấm vốn đã bị tổn thương và cần thời gian để vết thương lành lại. Thái độ tỏ ra thương hại hay ép buộc các em đều sẽ phản tác dụng.
Cô bé Hà bị chính cha ruột xâm hại trong nhiều năm. Đến mái ấm hơn 1 tuần rồi mà em liên tục khóc và không nói năng. Ban quản lý lo lắng đưa em đến chuyên gia tâm lý, em còn khóc lớn hơn. Buổi tối hôm ấy, bà Thiện đến cạnh giường cô bé hỏi “Cho cô ngủ chung được không?”. Em gật đầu, nằm lui vào và bắt đầu kể về câu chuyện của mình.
Nữ quản lý đã rơi nước mắt khi em ngây thơ nói rằng: “Cha làm vậy với con nhiều lắm, con đau mà không dám nói vì sợ người ta phạt cha. Lúc chú cảnh sát hỏi, con chỉ dám khai có mười mấy lần hà”.
Người phụ nữ chia sẻ: “Nghe em nói ‘sợ bác sĩ lắm, nói chuyện với các cô thoải mái hơn’, tôi nhận ra chúng tôi chẳng cần ép mình thành chuyên gia làm gì. Chỉ cần yêu thương và chờ đợi, các cô bé nhạy cảm này sẽ sẵn sàng mở lòng ra khi nhận ra rằng chúng thực sự được thương yêu”.
Sau nhiều năm mở lớp dạy nghề cho các em tại mái ấm, ban quản lý đành ngưng lại vì không nhìn thấy được hiệu quả. Họ chuyển sang hướng nghiệp riêng cho từng em, chọn những em thật sự muốn học nghề và gửi đi học trực tiếp tại các cơ sở. Phổ biến nhất là làm móng tay, massage, may áo dài…
Bà Thiện nói về việc dạy nghề với vẻ mặt đăm chiêu. Bà cho biết, trong 10 em được đi học nghề thì chỉ có khoảng 2-3 em là học thành công.
“Nhiều lúc tôi nghĩ mà đau lòng, nhiều mái ấm nuôi trẻ trai đã cử các em đi học và hầu hết đều thành công. Trẻ gái cũng được đi học nghề, nhưng ra ngoài học cứ quen bạn trai là bỏ học, bỏ luôn mái ấm mà đi. Còn có em đang học nghiệp vụ nhà hàng thì gia đình lên kéo về lấy chồng, không cho học nữa”, cô Thiện nói.
“Tương lai cuộc sống của các em là do chính các em và gia đình quyết định. Chúng tôi chỉ có thể nuôi nấng các em trong một thời gian và không thể thay đổi được những suy nghĩ kiểu 'làm việc thì phải có tiền ngay' hay 'con gái chẳng cần học hành, chỉ về lấy chồng là xong chuyện'”.
Vấn đề suy tư nhiều hơn là tương lai của các bé gái đã từng bị xâm hại bởi chính người thân. Người quản lý mái ấm nói: “Dù thế nào, chúng tôi vẫn không thể thay đổi quá khứ đau lòng, nó sẽ trở thành một rào cản lớn ngăn các em đến với cuộc sống hôn nhân về sau. Nếu phải quay về sống ở quê, tôi rất sợ những con mắt kỳ thị sẽ lại vùi dập những đứa trẻ mà chúng tôi đã vực dậy. Các em hoàn toàn không có lỗi gì”.
Các em gái ở mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: Xuân Hường. |
Một cô bé chừng 10 tuổi chạy tới chiếc chuông gần cửa phòng sinh hoạt, nhấn chuông báo giờ họp hàng tuần của mái ấm. Hơn 20 “bông hồng nhỏ” ngồi thành vòng tròn. Các nhóm trưởng bắt đầu báo cáo với cô Kim Thiện những vấn đề rất “con gái”: khu vực máy giặt có nhiều rác, tóc đọng nhiều ở lỗ thoát nước nhà tắm… Còn có một thành viên không nêu tên bị khiển trách vì đã dùng kéo cắt váy của bạn cùng phòng.
Xuân Hường