“Hòa Thân” Vương Cương là MC của chương trình Sưu tầm trong thiên hạ - dành cho người đam mê đồ quý hiếm - phát trên Đài Truyền hình Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo đó, những người tham gia sẽ mang đồ sưu tầm của mình đến cho chuyên gia kiểm định, đồng thời ký một điều khoản với Ban tổ chức: Nếu vật mang đến là giả, MC Vương Cương có quyền dùng búa đập vỡ chúng.
Vương Cương và chiếc búa bị nghi ngờ là đã đập nát không ít đồ quý hiếm. Ảnh: Qingdaonews. |
Mới đây, nhằm mục đích giúp người dân có thêm kiến thức để phân biệt hàng thật, hàng giả, Bảo tàng Thủ Đô (Trung Quốc) đã phối hợp mở một cuộc triển lãm, trưng bày các hiện vật gốm sứ thật - giả để người xem so sánh. Trong đó, hơn 30 hiện vật gốm sứ được nhận định là giả nhưng chưa bị đập, do chương trình Sưu tầm trong thiên hạ cung cấp, đã được mang ra so sánh với đồ thật. Nhưng bất ngờ, một số chuyên gia sau khi xem đã lo ngại: “Vương Cương có thể đã đập vỡ những hiện vật có giá trị văn hóa!”.
Theo đó, ông Ninh Ngọc Tân, một chuyên gia về kiểm định đồ quý hiếm chỉ rõ: “Hơn 90% ‘hàng giả’ trưng bày thực ra là đồ thật, hơn nữa, đó còn là đồ quý hiếm”. Vị này còn khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về phát ngôn của mình.
Bức tranh biếm họa trên trang QQ. Người cầm búa đập vỡ bình nói: "Tôi đập hàng nhái đấy!", còn hai người bên góc trái nói rằng: "Tôi cảm thấy ông ấy đang đập bảo vật". |
Ông Lữ Hiến Trân là nhà kiểm định tác phẩm nghệ thuật của Bộ Văn hóa Trung Quốc. Tự tin về đồ cổ của mình, năm 2008, ông để một người bạn mang đồ tới nhờ chuyên gia của Sưu tầm trong thiên hạ kiểm định. Kết quả, chiếc bình từ đời Nguyên của ông bị đập vỡ vụn. Rất bức xúc, ông Lữ đã mang những mảnh vụn này đến nhiều nơi để thẩm định lại, kết quả nhận được lại là “đồ thật”. Theo thông tin trên trang Qingdaonews, trả lời phỏng vấn, ông Lữ nói: “Năm xưa tôi bỏ ra 580 nghìn tệ (gần 2 tỷ đồng) để mua chiếc bình đó. Hiện nay, nó thuộc hàng quý hiếm. Đồ cổ mấy trăm năm do ông cha để lại, một nhát búa đã vỡ vụn, thử hỏi có ai không đau lòng. Hiện nay, chiếc bình đó phải có giá hàng triệu đô rồi”.
Tân Hoa xã cho biết, chương trình Sưu tầm trong thiên hạ phát sóng lần đầu tiên vào năm 2006. Các chuyên gia thẩm định được mời đến đều là những người đáng tin cậy, trong đó có các nhân vật như chuyên viên Viện bảo tàng Cố Cung, nguyên phó ủy viên thường vụ Bảo tàng Thủ Đô, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm định Bắc Kinh…
Phóng viên Tân Hoa xã cũng liên lạc với phụ trách chương trình Sưu tầm trong thiên hạ. Trả lời phỏng vấn, vị này nói: “Chúng tôi có trách nhiệm với hành vi của mình. Sự việc đang được tiến hành làm rõ, tạm thời chúng tôi chưa thể phát biểu gì”.
Dẫn chương trình Vương Cương đập vỡ bình được thẩm định là "giả". Ảnh: Baidu. |
Ngoài ra, một chuyên gia từng được mời đến thẩm định trong chương trình cũng trả lời báo chí: “Tất cả đồ vật chỉ bị đập vỡ khi nhận được sự nhất trí của 3 chuyên gia trong chương trình. Chỉ cần một người còn nghi ngờ, người dẫn chương trình sẽ không được phép đập”.
Theo nhận xét trên trang Xinhua, mấy năm gần đây, cùng với sự “bùng nổ” trào lưu sưu tầm đồ quý hiếm, tác phẩm nghệ thuật, các chương trình thẩm định bảo vật nhận được quan tâm của công chúng. Yếu tố không thể tránh khỏi là, chương trình sẽ nhắc đến giá trị vật chất của những bảo vật đó. Chính vì vậy, các chương trình này đang bị hoài nghi bị thương mại hóa, giải trí hóa.
Từ hiện tượng trên, Cục Văn vật Quốc gia Trung Quốc mới đây đã ra chỉ thị điều chỉnh các chương trình này, trong đó có việc hạn chế thẩm định giá đối với các đồ vật mang giá trị văn hóa. Một nhà sưu tầm nổi tiếng Trung Quốc phát biểu: “Nguyên tắc của các chương trình là nói về giá trị văn hóa, chứ không phải chuyện giá tiền. Hy vọng người xem có thể hài lòng vì biết thêm kiến thức về văn hóa thông qua các chương trình”.
Hải Lan