Khác với các người đẹp chọn showbiz làm nơi tiến thân, Đặng Thu Thảo chia sẻ, cô không tham gia nghệ thuật nhưng muốn thiết lập quan hệ tốt với các cá nhân và doanh nghiệp để có thể phát động nhiều chương trình từ thiện. Chân dài sinh năm 1991 khẳng định, cô luôn cố gắng hoàn thiện trong mắt công chúng.
Đặng Thu Thảo trong trang phục áo tắm. Ảnh: Hoàng Hà |
Từ bỏ giấc mơ hoa hậu để đi làm thuê
Đi thi hoa hậu là mơ ước từ thời thơ ấu của tôi. Từ nhỏ, tôi đã ý thức mình đẹp. Những người sống quanh tôi thường xuýt xoa: “Thảo đẹp quá, sau này đi thi hoa hậu nghen”.
Tôi xem TV, thấy hình ảnh hoa hậu đội vương miện, xinh đẹp như một nàng công chúa trong chuyện cổ tích. Tôi - một cô bé quê ở Bạc Liêu - vẫn mơ sẽ có một ngày mình được đội vương miện.
Đến năm cuối cấp trung học phổ thông, tôi không còn tự tin vào sắc đẹp của mình nữa. Gia đình tôi đang khá giả bình yên, bỗng sóng gió ập đến. Công việc làm ăn của ba gặp khó khăn, ông lại mắc bệnh tiểu đường. Mẹ đang quen với công việc nội trợ nay phải lo kiếm tiền để nuôi ba và mấy anh em tôi. Mẹ bán căn nhà đang ở, mua căn nhà nhỏ hơn để có tiền trị bệnh cho ba. Đó là những tháng ngày u ám.
Tôi bị ảnh hưởng tâm lý, không còn giữ được kết quả học sinh giỏi như trước đây. Ở tuổi trăng tròn tôi như bông hoa hé nở, nhưng không còn ý thức mình đẹp. Tôi thấy ước mơ đi thi hoa hậu thật xa xỉ trong tình cảnh này. Tôi nghĩ điều thiết thực nhất lúc này là đi làm.
Tốt nghiệp THPT, gia đình không có tiền đóng học phí cho tôi học đại học. Tôi xin mẹ cho đi làm một năm lấy tiền đóng học phí cho năm sau. Mới đầu tôi học nghề trang điểm. Tôi gặp thầy Đăng Hùng - chuyên gia trang điểm nổi tiếng ở Cần Thơ. Vừa thấy tôi, thầy Hùng khuyên nên thi hoa hậu. Thầy cũng chính là người phát hiện và đào tạo chị Bùi Thị Diễm trở thành Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh. Nhưng lúc ấy tôi không còn ý thức mình đẹp nữa, tôi nghĩ mình rất bình thường. Tôi quyết định đi làm.
Tôi lên thành phố Cần Thơ, bán mỹ phẩm trong siêu thị. Làm công việc này, tôi thường xuyên phải tô son trát phấn lên mặt cho khách thử. Tôi sợ làn da trắng và mỏng của mình sẽ bị đủ loại mỹ phẩm làm hỏng nên nghỉ làm, xin bán café và học pha chế đồ uống.
Trong thời gian ngắn, tôi đã học được cách pha chế hơn 100 loại đồ uống. Nhưng cơ thể mệt mỏi, đứng 8 tiếng một ngày, tay chân đau rát. Mỗi khi đi làm về, tôi rã rời, không thể tập trung cho việc học. Tôi gọi điện cho mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có thể lo cho con học được không?”. Mẹ nói: “Mẹ sẽ cố gắng để con không thua thiệt”. Tôi bắt đầu những ngày tháng học hành, không còn phải đứng đến rạc chân trong quán café nữa.
Tha thướt trong trang phục dạ hội. Ảnh: Hoàng Hà |
Không được phép sa ngã
Cuộc sống sinh viên trọ học xa nhà thiếu thốn đủ bề, tôi tùng tiệm chắt bóp từng đồng vì biết rằng tiền mình đang tiêu thấm đẫm mồ hôi của mẹ. Tôi ăn cơm bụi và sống trong căn phòng tồi tàn thuê sáu trăm nghìn một tháng. Có người bảo: “Xinh đẹp thì tội gì cực vậy, chỉ cần yêu một đại gia sẽ tiêu xài xả láng, ở biệt thự, có xe đưa rước”. Từ nhỏ, tôi đã được ba mẹ giáo dục cẩn thận. Tôi sống quanh những người chỉ nhận những thứ làm bằng công sức của họ. Tôi thích câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Ngày xưa, tôi sống trong sự bao bọc của ba mẹ, vô tư lắm. Nhưng khi gia đình gặp biến cố, nhiều người quay lưng. Sự quay lưng ấy giúp tôi hiểu rằng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành cô gái tốt, không được phép mắc sai lầm. Những ngày tháng đi làm ở thành phố đã làm tôi biết quý sức lao động, quý đồng tiền. Trước đây tôi sống như tiểu thư, bây giờ mua món gì cũng suy nghĩ hoài, giơ lên đặt xuống. Mẹ gửi 2 triệu đồng một tháng, tôi dặn mẹ gửi ít thôi, để tiền trị bệnh cho ba.
Những ngày tháng sinh viên trôi đi, thỉnh thoảng hình ảnh hoa hậu đội vương miện lại hiện về trong giấc mơ. Một người bạn khuyên: “Thảo nên nghe lời thầy Hùng, đi thi hoa hậu. Chị Bùi Thị Diễm sau khi trở thành hoa hậu đã sống rất hạnh phúc”. Thầy Hùng cũng động viên tôi. Một cái gì đó rất tự nhiên, tôi lại cảm thấy mình đẹp. Tôi thi Người đẹp Đồng bằng sông Cửu Long. Và đạt Hoa khôi trong niềm vui của gia đình, người thân.
Nhiều người ở quê tôi xem TV đã nhảy lên reo hò khi tôi đoạt ngôi vị Hoa khôi. Niềm vui của họ làm nước mắt tôi trào ra. Và tôi lại tiến thêm một bước nữa: Đi thi Hoa hậu Việt Nam.
Thầy Hùng đưa tôi lên TP HCM gặp cô Võ Thị Xuân Trang - Hiệu trưởng trường John Robert Powers - một trường học chuyên sâu về chương trình phát triển cá nhân. Ở đây tôi được học các kỹ năng mà một người đẹp cần có, từ đi đứng đến giao tiếp. Thầy Hùng đài thọ học phí cho tôi. Cô Trang giảm học phí và mời tôi ăn ở nhà cô không lấy tiền, lúc đi học có xe đưa rước. Cô thương hoàn cảnh của tôi, không muốn tôi sống trong căn nhà trọ tồi tàn xa lạ và nhiều cám dỗ ở TP HCM. Những ngày ở nhà cô, tôi chưa một lần ra khỏi nhà vào buổi tối.
Rạng ngời sau lúc đăng quang. Ảnh: Hoàng Hà |
Không ngừng cố gắng và yêu thương
Tôi ra Đà Nẵng dự thi Hoa hậu Việt Nam. Thầy Hùng và ba người nữa đi cùng giúp cho tôi chuyện trang điểm. Chủ một cửa hàng thời trang ở Sài Gòn tặng những bộ trang phục vì họ quý tính cách của tôi. Tôi thấy may mắn vì được nhiều người giúp đỡ, tự nhủ phải cố gắng để sau này có cái gì đó trả ơn họ.
Ở Đà Nẵng, tôi có những ngày thật ý nghĩa cùng các thí sinh khác, dù lịch luyện tập và thi rất căng. Người ta thường nói trong các cuộc thi sắc đẹp, cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng chúng tôi sống với nhau chân tình. Các bạn khen tôi đẹp, bảo tôi là ứng viên. Có người nói vẻ đẹp của tôi hơi mỏng mảnh, tiểu thư. Tôi mỏng mảnh, tiểu thư tự nhiên, chứ không cố tình tỏ ra như vậy. Nhưng tính cách của tôi không hề yếu đuối, tôi sẽ mạnh mẽ vào những thời khắc quyết định của cuộc đời mình.
Trước đêm chung kết, tôi sụt hai cân. Và tôi nằm mơ mình bị loại trong đêm chung kết. Những gì diễn ra trong giấc mơ của tôi lại thường trái ngược với ngoài đời. Đêm chung kết. Các bạn thí sinh hầu hết đều có bố mẹ, người thân đến cổ vũ. Cha tôi bệnh, mẹ ở xa không đến được, nhưng tôi cảm giác như cả quê hương đang bên mình. Tôi đã đăng quang Hoa hậu Việt Nam trong ánh sáng chói lòa của sân khấu và rực rỡ pháo bông, ống kính máy ảnh. Tôi cảm giác như mình đang trong mơ. Giấc mơ được đội vương miện hoa hậu của cô bé Bạc Liêu ngày nào thành sự thật.
Phút đăng quang, tôi nghĩ về ông ngoại. Ngoại tuổi đã cao mà từ lâu tôi chưa thể về thăm. Tôi nghĩ về những người dân chất phác ở quê mình, chắc họ lại đang reo hò trước TV. Họ tự hào vì lần đầu tiên một cô gái miền Tây đăng quang Hoa hậu Việt Nam.
Tôi trở thành hoa hậu và muốn vương miện này sẽ giúp mình làm nhiều việc thiện. Tôi không nghĩ hoa hậu làm từ thiện để trang sức mà đó là đương nhiên, bởi họ không chỉ đẹp bên ngoài mà còn phải đẹp về tâm hồn nữa.
Và cái Đẹp thì phải luôn đồng hành với cái Thiện. Tôi có tấm lòng nhân hậu - bạn bè nói như vậy. Câu danh ngôn tôi tâm đắc nhất: "Cuộc sống là không ngừng yêu thương và cố gắng”.
(Theo Tiền Phong)