Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Chuyện đời những người không chấp nhận giới tính trời cho
Em - một cô gái nhẹ nhàng, diện chiếc áo trắng bó sát cơ thể, đôi mắt chuốt mi kĩ lưỡng, thỉnh thoảng lại dùng đôi tay yểu điệu biểu lộ cảm xúc như thiếu nữ ngày xưa. Nhưng ai có thể ngờ em vốn sinh ra là... con trai.
>
Chuyện đời những người không chấp nhận giới tính trời cho Em - một cô gái nhẹ nhàng, diện chiếc áo trắng bó sát cơ thể, đôi mắt chuốt mi kĩ lưỡng, thỉnh thoảng lại dùng đôi tay yểu điệu biểu lộ cảm xúc như thiếu nữ ngày xưa. Nhưng ai có thể ngờ em vốn sinh ra là... con trai.>

Catthy - một người chuyển giới từ nam sang nữ, 22 tuổi có mái tóc dài, đôi mắt to tròn, đen láy. Em kể sinh ra ở TP HCM trong một gia đình có 9 anh chị em. Bố mẹ đều làm công nhân nên đời sống gia đình khá vất vả.

Từ nhỏ, Thy đã nhận thấy bản năng con gái trong cơ thể mình. Em ăn nói nhẹ nhàng, thích chơi nhảy dây, búp bê, mặc váy. Có lần em còn lấy phấn son của dì để trang điểm. Em nói mình là nữ thì sống cho ra dáng phụ nữ và vì thế luôn bị dè bỉu, đánh đập.

Catthy đã trải qua cơn đau kinh khủng để cấy ngực, với mong muốn trở thành phụ nữ. Ảnh: Phan Dương.

"Họ trêu em đã đành lại còn đánh, đấm, đùa giỡn với em bằng những cách mất dạy lắm. Em nghĩ rằng chuyển trường rồi sẽ khá hơn nhưng bạn ở trường mới còn tệ hơn. Mách cô giáo nhưng cô lại đứng về phía các bạn mắng em nên em phải bỏ học từ lớp 5", Thy kể.

Trường học không chấp nhận Catthy rồi đến cả gia đình cũng không dung nạp: "Bố mẹ, anh chị cấm em không được mặc đồ con gái, đốt quần áo, đánh mắng em, hàng xóm khinh bỉ em. Em chỉ còn nước bỏ đi để được sống là mình".

Đầu năm 2007, Catthy bỏ đi miền Tây. Em tìm gặp cộng đồng mình, sống bằng đủ các nghề ca hát, bốc vác, may máy. Thy lao vào kiếm tiền và chỉ 2 tháng sau, em đã thực hiện cuộc phẫu thuật đầu tiên trong hành trình hoàn thiện mình - phẫu thuật ngực.

"Em đã chịu những cơn đau kinh khủng khi bơm silicon vào người. Cơn đau tưởng như xé toang ngực em, làm em tưởng mình chết đi nhưng ước ao làm con gái trong em rất lớn. Em cắn răng vào gối chịu đựng, để rồi sau bao đớn đau, em vui sướng, hạnh phúc vì đã trở thành một người con gái hoàn chỉnh cả nội tâm lẫn vóc dáng bên ngoài”, Catthy sung sướng trong nước mắt.

Dù vậy, Thy vẫn biết hành trình hoàn thiện mình còn rất khó khăn. Em chưa phẫu thuật bộ phận sinh dục. Giờ đây, khoảng 10 ngày một lần em phải điều trị bằng hoóc mon với giá 150.000 đồng để có cơ thể nữ tính hơn.

"Nhiều người khuyên em 'cưng mà tiêm silicone thì cưng sẽ chết'. Em cũng biết việc này có thể gây sốc thuốc, teo cơ, khô xương… hoặc nếu có sống được cũng bị giảm 20 năm tuổi thọ nhưng em chỉ cần được một giờ sống là mình", Thy khẳng định.

Không chỉ vậy, thời gian bơm hoóc mon vào người phải cách nhau 10 ngày nhưng đã có lần chỉ 5, 7 ngày, Thy vẫn bơm để nhanh chóng xóa bỏ những biểu hiện đàn ông vẫn còn bao bọc tâm hồn mình.

Khó có thể tin nhưng đó là sự thật khi Catthy đã 22 tuổi nhưng không có chứng minh nhân dân hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào khác. Em bảo rằng trong giấy khai sinh ghi em là nam nhưng thực sự em là nữ. Hiện nay pháp luật vẫn chưa thừa nhận sửa đổi giới tính cho người chuyển giới nên Thy cũng không muốn đi làm giấy tờ nào.

Có lẽ vì thế em rất sợ đến các nơi công cộng, sợ gặp công an. Ngay cả lần ra Bắc này cũng không có hãng hàng không nào bán vé cho em. Thy đành phải ngồi tàu hỏa.

"Tuy nhiên giấy tờ, trình độ không phải là lý do khiến em khó khăn trong công việc. Người ta gọi em là con pê-đê, đi đến đâu cũng bị xua đuổi, không có nơi nào muốn kí hợp đồng với em. Em từng đi làm may, trong khi người khác được trả hơn 2 triệu/tháng, còn em chỉ được 1 triệu/tháng nhưng vẫn phải làm”, Thy chia sẻ.

“Ban ngày em ngủ, ban đêm mới ra ngoài kiếm sống bằng các nghề ca hát, biểu diễn xiếc, đôi lúc làm MC. Cuộc sống của em chẳng bao giờ mơ kiếm được bạc triệu, chỉ là những hào bạc lẻ chị ơi", Thy xúc động.

Hơn 20 tuổi đã phải chịu nhiều đau đớn, dù vậy Thy vẫn cho rằng mình may mắn vì có người yêu là đàn ông “xịn” đã sống cùng cô 2 năm nay. Cô dự định khi nào có tiền và luật pháp cho phép sẽ đăng ký kết hôn.

"Biết là anh ấy rất thương em nhưng trong giới này mấy ai có được hạnh phúc. Em học cách sống tự lập, kiếm tiền nuôi bản thân, luôn chuẩn bị sẵn tâm lý để đến khi nhỡ anh ấy có ra đi em cũng ít phải đau khổ”, Thy bộc bạch.

Trong một hội nghị dành cho cho phụ huynh người đồng tính được tổ chức cách đây không lâu, một bà mẹ ngồi bệt xuống đất khóc rấm rứt. Đứa con đứng cạnh đỏ hoe mắt. Em cao to, dáng người hơi gù, mặc đồ nam. Nhìn em có một vẻ gì bất cần như một cậu trai mới lớn.

Theo lời bà mẹ, con bà là một cô gái, tên Nga, 22 tuổi, ở Thanh Xuân (Hà Nội) nhưng không ít người sững sờ khi em tự nhận mình: “Là một transgender (người chuyển giới) chứ không phải là les”.

Bà mẹ kể rằng đợt Tết vừa rồi, cả gia đình như rơi vào địa ngục khi con gái tuyên bố đang trong một mối quan hệ với cô bạn thân và công khai giới tính thật.

“Tôi nhớ lại tuổi thơ của nó. Trời ơi! Sao một đứa con gái lại thích đá bóng, ăn mặc như con trai. Ngay cả giọng nói ồm ồm của con, tôi nghe cũng phải thất thanh lo sợ một điều gì”, bà mẹ bất hạnh đau khổ kể.

Còn Nga - người chuyển giới từ nữ sang nam - chia sẻ rằng chưa bao giờ mơ hồ về giới tính của mình. Ngay từ nhỏ Nga đã sống với con người thật của mình. Ngoài mặc quần áo, để tóc nam, em còn ép ngực.

“Lúc quyết định công khai với gia đình là khi em muốn được sống là chính mình. Nhất là vào thời điểm đó, em đã ra trường và có thể tự lập”, Nga nói.

Nhưng em đâu có ngờ, không phải cha mẹ nào cũng dễ chấp nhận chuyện này. Nga bị cấm ra ngoài, không được liên lạc với bạn gái. Gia đình cố gắng bưng bít thông tin em là một “ô môi” (từ dùng để gọi người chuyển giới từ nữ sang nam).

Khi diễn ra hội nghị nói trên, Nga tha thiết đưa mẹ đi vì muốn mẹ hiểu được mình. Thế nhưng mẹ em, dù cho theo dõi hội nghị từ đầu đến cuối, chứng kiến những câu chuyện đẫm nước mắt thì vẫn không thể chấp nhận thực tế. Bà còm cõi ngồi hàng ghế cuối cùng, không nguôi nước mắt.

Bà nói: “Cháu ơi! Liệu thêm vài tuổi nữa giới tính của nó có thay đổi đi không cháu”. Nga đứng cạnh khóc trong đau đớn vì không được thừa nhận.

Khá hơn Nga, Aki Trần – tên một người chuyển giới từ nữ sang nam, 21 tuổi, đang là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh ở TP HCM - cho biết quá trình công khai giới tính của em khá nhẹ nhàng.

Aki sinh ra trong một gia đình có hai chị em. Bố mẹ đi làm xa. Từ nhỏ, em sống với bà. Đến lúc công khai giới tính với bố mẹ, họ chỉ suy sụp vài ngày rồi mặc kệ em.

Aki Trần không ngại bộc lộ mình để kêu gọi cộng đồng ủng hộ người chuyển giới như em. Ảnh: Phan Dương.

Tuy vậy, Aki cũng phải chịu rất nhiều sự soi mói từ cộng đồng. Em kể: “Một lần đi xe bus, nhân viên soát vé bảo em đưa thẻ ra, rồi bắt em bỏ khẩu trang. Ông nhìn em rồi nhìn tấm vé và quay đi nói với một thái độ vô cùng khinh bỉ ‘Thời buổi này mà vẫn có người dùng vé giả!'".

Aki rất bực bội vì thực tế tấm vé đó là của em nhưng do thể hiện giới ra ngoài là nam khiến người soát vé lầm tưởng.

Trong một lần Aki đi làm lại chứng minh để cái hình trong chứng minh giống với vẻ ngoài em đang thể hiện. “Người công an nói 'làm giấy tờ cho lũ này nhiều khi cũng cảm thấy tự xấu hổ'. Vì lời đó nói hơi to, khiến mọi người xung quanh dò xét, dè bỉu em", Aki kể.

Một lần khác, Aki tham gia một cuộc thi ở trường. Lúc MC đọc tên, em bước ra hội trường thì lập tức cả sinh viên, MC và giảng viên đều cười ồ lên. “Nhưng em vẫn tự tin bước lên giới thiệu về mình và bản dạng của mình. Rất may em được chọn và trong khoảng gần 1 năm qua em đã làm rất tốt vai trò là một đại diện của trường tuyên truyền cho cộng đồng LGBT (les, gay, song tính, chuyển giới)”, Aki Trần nói.

TS Phạm Quỳnh Phương – người đầu tiên thực hiện nghiên cứu về người chuyển giới ở Việt Nam cho biết: “Nhiều người chuyển giới dường như đang sống ‘ngoài vòng pháp luật’ do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực tế sau phẫu thuật. Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.

Còn theo ông Lê Quang Bình – Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) – một tổ chức bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT, “Người chuyển giới là những người đang bị kỳ thị nhiều nhất trong xã hội. Họ đang phải đối mặt với đói nghèo, bệnh tật, xâm hại an ninh thân thể. Đã đến lúc Nhà nước phải thừa nhận và có biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chuyển giới trên cả phương diện pháp lý và đời sống thực tế”.

Phan Dương

114 114 người


Tin đã cập nhật trước đó
   Massage giúp bé thư giãn
Với trẻ nhỏ, massage hằng ngày không chỉ giúp bé thư giãn mà còn lưu thông máu trong cơ thể...

   Làm xiêu lòng ông xã...
Bạn băn khoăn muốn tìm một cách mới lạ để hâm nóng tình yêu của mình? Bạn muốn tạo một...

   Sinh con thứ ba, sản...
Không chịu phá thai con thứ ba, khi sinh bé về, chị Thu bị chồng và gia đình chồng lấy...

   Ước phẫu thuật chuyển giới...
Một người chuyển giới tâm sự với bố: "Cái đầu con là con trai nhưng thân hình là con gái....

   Nguồn gốc lễ Vu lan
Nếu ở Tây phương có ngày Mother's day (ngày của mẹ), Father's day (ngày của cha) thì Việt Nam có...

   Tình ban trưa nơi công...
Hết giờ làm việc sáng, Hương Vân ung dung dắt xe khỏi cơ quan đến một địa điểm ngoại thành....

   Muôn kiểu chiều con quá...
Con gái 10 tuổi vẫn được mẹ xúc từng thìa cơm, 16 tuổi không thể nấu được một bữa cơm...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top