Ngày 7/9, nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội khai mạc triển lãm ảnh “Trẻ em thời chiến”. Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, 60 năm thành lập ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam, 55 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng.
Cắt băng khai mạc triển lãm "Trẻ em thời chiến". |
Với hơn 70 bức ảnh, triển lãm "Trẻ em thời chiến" phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống của trẻ em miền Bắc Việt Nam trong suốt thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Hình ảnh những đứa trẻ hàng ngày đi học phải đội mũ rơm tránh sát thương bom đạn, lớp học dưới hầm lũy, những buổi học ở nơi sơ tán, những buổi ôn bài ở cửa hầm… của một thời kỳ như sống lại trước mắt người xem. Mặt khác, triển lãm "Trẻ em thời chiến" cho thấy, trong hoàn cảnh khắc nghiệt dưới làn bom đạn và sự thiếu thốn khó khăn về vật chất, các em vẫn chăm ngoan, học giỏi, thi đua làm người tốt việc tốt. Người xem còn được thấy hình ảnh các em hăng hái tham gia lao động sản xuất từ đan nón, chăn trâu cắt cỏ... bên những trang sách học strò.
Triển lãm gây chú ý đặc biệt bởi bức ảnh cậu bé thần đồng thơ Trần Đăng Khoa năm lên 9 tuổi - nhân chứng sống động của một thế hệ đã lớn lên trong chiến tranh và là tấm gương điển hình của "trẻ em thời chiến". Có mặt tại buổi ra mắt triển lãm, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: “Tôi rất xúc động, thấy mình như sống lại cái thời trẻ con. Tôi nghe được âm thanh của bom đạn, cảm nhận được cái rét mướt của thời xưa trong những bức hình. Những hình ảnh đội mũ rơm, mặc quần áo vá đi học… đến bây giờ không còn nữa. Trang phục của tôi mà các bạn thấy trong bức ảnh vào loại tinh tươm nhất của thời chiến, cái thời mà bố mẹ lọc trong những quần áo cũ bỏ đi, lấy những miếng lành để may đồ mới cho con cái. Như em gái tôi trong ảnh, mặc chiếc áo hai màu khác nhau là vì thế. Qua đó, có thể thấy, những năm tháng ấy vất vả gian khổ đến mức nào".
Bức ảnh "thần đồng thơ" Trần Đăng Khoa cùng mẹ và em gái khi còn nhỏ. |
Theo Trần Đăng Khoa, mặc dù vất vả như thế nhưng trẻ em thời đó vẫn ham học, vươn lên, có những tấm gương người tốt việc tốt như Tứ Hồng cõng bạn đi học suốt mấy năm trời, Nguyễn Ngọc Ký hay Hoa Xuân Tứ viết chữ bằng chân. "Những câu chuyện đó âm vang suốt những năm tháng này và động viên chúng tôi vượt lên chiến tranh gian khổ. Triển lãm giúp cho chúng ta thấy được bóng dáng của một thời đại đã đi qua, không thể nào trở lại. Đây cũng là thời kỳ đẹp nhất trong lịch sử, với những đứa trẻ hồn nhiên và rất đẹp. Những năm tháng đó đúng là như thế”, nhà thơ nói.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho biết: "Triển lãm là dịp để chúng ta, đặc biệt, những trẻ em trong thời bình nhìn lại hơn 40 năm trước trẻ em ở miền Bắc đã học tập, lao động trong điều kiện chiến tranh khốc liệt như thế nào và chính các em cũng đã góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng oanh liệt của dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước".
Lễ khai giảng năm học mới của trường cấp II Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội năm 1972 - 1973 với khẩu hiệu "Năm học kiên cường thắng Mỹ". Ảnh do tác giả Duy Nhân của Thông tấn xã Việt Nam chụp. |
Ảnh trưng bày trong triển lãm do Hãng tin truyền hình Nihon Denpa News - Nhật Bản, Thông tấn xã Việt Nam và báo Thiếu Niên Tiền Phong cung cấp. Trong khuôn khổ triển lãm, NXB Kim Đồng cũng trưng bày những cuốn sách xuất bản trong những năm 1964 - 1972. Dù điều kiện làm việc thiếu thốn, rất nhiều cuốn sách hay vẫn ra đời, tới tay các em thiếu nhi.
Triển lãm bắt đầu từ ngày 7/9 và kéo dài đến hết ngày 14/9/2012 tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
|
Hoàng Anh