Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Cô giáo chuyển giới có thể là người liên giới tính
Hồ sơ phẫu thuật y khoa của Phạm Văn Hiệp - người chuyển giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam - Thái Lan ghi nhận là chuyển đổi giới tính. Các chuyên gia cho rằng, thực tế có thể cô là người liên giới tính mới được chính quyền công nhận từ nam trở thành nữ.
> /
Cô giáo chuyển giới có thể là người liên giới tính Hồ sơ phẫu thuật y khoa của Phạm Văn Hiệp - người chuyển giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam - Thái Lan ghi nhận là chuyển đổi giới tính. Các chuyên gia cho rằng, thực tế có thể cô là người liên giới tính mới được chính quyền công nhận từ nam trở thành nữ.

Sau khi phẫu thuật chuyển đổi, Phạm Văn Hiệp trở thành con gái và được chính quyền cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính từ nam sang nữ với tên mới là Phạm Lê Quỳnh Trâm.

Giấy tờ phẫu thuật y khoa tại Thái Lan ghi nhận trường hợp của Quỳnh Trâm là "sex change" (tức là chuyển đổi giới tính). Bản thân Trâm cũng luôn nghĩ mình là người chuyển giới. Song theo nhận định của các bác sĩ và nhà nghiên cứu tâm lý xã hội ở Việt Nam, rất có thể Trâm là người liên giới tính, tức có bộ phận sinh dục không rõ ràng. Trường hợp này được pháp luật hiện hành cho phép xác định lại giới tính.

Cô giáo
Cô giáo Quỳnh Trâm, người phẫu thuật xác định lại giới tính, là trường hợp đầu tiên được công nhận tại Việt Nam. Ảnh: QT.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) khẳng định, pháp luật hiện nay ở Việt Nam mới chỉ cho phép người liên giới tính (intersex) phẫu thuật và thay đổi giới tính, chưa cho phép người chuyển giới (transgender) phẫu thuật và thay đổi giới tính.

Giải thích rõ hơn về khái niệm người liên giới tính và người chuyển giới, ông Bình cho biết, theo Hiệp hội tâm lý học Mỹ, người liên giới tính khi sinh ra có sự phát triển không điển hình của các đặc điểm giới tính và sinh lý trên cơ thể. Ví dụ như có hai bộ phận sinh dục hoặc bộ phận sinh dục không rõ ràng là nam hay nữ.

"Khi còn nhỏ, rất khó xác định đứa trẻ có giới tính là nam hay nữ. Ở nhiều nước, người ta đợi đến khi đứa trẻ trưởng thành (16-18 tuổi) và tự xác định mình là nam hay nữ rồi mới quyết định phẫu thuật chuyển đổi để đúng với bản dạng giới. Cũng có nhiều người liên giới tính hài lòng với tình trạng của mình và coi đó là bình thường, không muốn phẫu thuật", ông Bình nói.

Tại Việt Nam, nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính coi người liên giới tính có khuyết tật bẩm sinh về bộ phận sinh dục và cho phép phẫu thuật xác định lại giới tính. Chính vì vậy việc người liên giới tính phẫu thuật và thay đổi giới tính là hợp pháp, và sau phẫu thuật được quyền thay đổi lại giới tính trên giấy tờ.

Cũng trong nghị định này, điều 4 khoản 1 nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.” Theo ông Bình, quy định này đã gạt bỏ cơ hội được là chính mình của người chuyển giới vì họ có bộ phận sinh dục hoàn chỉnh. Người chuyển giới sinh ra trong một cơ thể sinh học là nam hoặc nữ hoàn chỉnh và bình thường. Tuy vậy trong thâm tâm họ luôn nghĩ và mong muốn mình là nữ hoặc nam (ngược lại với diện mạo).

Một người chuyển giới từ nam sang nữ là người có cơ thể đàn ông nhưng mong muốn mình là phụ nữ và luôn thể hiện ra ngoài mình là phụ nữ. Họ có khát khao cháy bỏng được phẫu thuật để trở thành phụ nữ cả trong tâm hồn lẫn thể xác bên ngoài.

Tương tự như vậy, có người sinh ra trong cơ thể phụ nữ nhưng luôn nghĩ mình là đàn ông và mong muốn phẫu thuật bỏ các cơ quan sinh dục nữ. Thay vào đó, họ cần tạo các cơ quan sinh dục nam để trở thành một người đàn ông hoàn thiện. Họ là những người chuyển giới từ nữ qua nam.

Trên thế giới, tỷ lệ trung bình của người chuyển giới khoảng 0,1% đến 0,5% dân số.

Trở lại trường hợp của Phạm Lê Quỳnh Trâm, theo ông Bình, rất có thể cô là người liên giới tính. Bởi theo ghi nhận, năm 2006, xét nghiệm y khoa cho thấy lượng hormone cũng như đặc điểm bộ phận sinh dục của chàng trai Phạm Văn Hiệp thiên về giới tính nữ nhiều hơn nên các bác sĩ ở một bệnh viện tại TP HCM đã tư vấn sang Thái Lan để làm phẫu thuật.

Như vậy, có thể khi còn nhỏ, do bộ phận sinh dục của Trâm không rõ ràng nên bị xác định giới tính là nam và đặt tên con trai Phạm Văn Hiệp. Theo lời kể của Trâm “khi bước vào tuổi dậy thì, tôi thấy cơ thể bắt đầu có những thay đổi như một người phụ nữ, ngực cứ từ từ lớn dần” và cô biết mình là phụ nữ. Điều này chứng tỏ khả năng Trâm là người liên giới tính.

Theo luật pháp Việt Nam hiện hành, Trâm đủ điều kiện phẫu thuật để xác định lại giới tính của mình do trước đây bị xác định nhầm là nam nhưng thực tế là nữ. Việc chính quyền địa phương làm lại giấy tờ tùy thân cho chị Trâm theo giới tính mới là hoàn toàn hợp pháp và đảm bảo quyền của cô gái.

Ông Bình khẳng định, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa cho phép người chuyển giới phẫu thuật và thay đổi giới tính vì họ có bộ phận sinh dục hoàn chỉnh. Song theo nghiên cứu của Viện iSEE thì nhu cầu thay đổi giới tính của người chuyển giới là "thực tế và chính đáng".

Khảo sát của Viện iSEE ghi nhận, có rất nhiều người chuyển giới đã tự phẫu thuật điều chỉnh cơ thể của mình theo giới tính mình mong muốn. Những người chuyển giới từ nam sang nữ thì bơm ngực, tiêm hormon nữ để có cơ thể thon thả của phụ nữ. Cũng có nhiều người đã cắt bỏ bộ phận sinh dục nam và cấy ghép bộ phận sinh dục nữ. Tương tự, nhiều người chuyển giới từ nữ sang nam thì cắt bỏ ngực, tử cung và cấy bộ phận sinh dục nam.

"Đây là quá trình phẫu thuật rất đau đớn không phải ai cũng chịu được. Ở Việt Nam điều này chưa được phép nên họ thường phải ra nước ngoài rất tốn kém hoặc phải làm 'chui' nên rủi ro rất cao", theo nhận xét của ông Bình.

Liên quan đến thực trạng trên, Viện iSEE đã làm một nghiên cứu dài hơi về người chuyển giới. Kết quả cho thấy việc cấm người chuyển giới thay đổi giới tính đã dẫn đến rất nhiều khó khăn, bất công cho họ. Ví dụ, người chuyển giới từ nam sang nữ luôn thể hiện mình là nữ (mặc váy, trang điểm, độn ngực...) nhưng chứng minh thư ghi là nam nên họ không thể làm thủ tục xuất nhập cảnh hoặc đi lại (đường hàng không) được, không mua được tài sản đứng tên mình. Hơn nữa, họ vẫn bị coi là nam giả gái nên hứng chịu những kỳ thị ngay trong gia đình, trường học và xã hội.

Nghiên cứu cũng ghi nhận nhiều trường hợp người chuyển giới phải bỏ học, bỏ nhà, không công ăn việc làm, bị chấn động tâm lý, trầm cảm và tự tử. Như vậy, việc không cho phép thay đổi giới tính của người chuyển giới là một trong những nguyên nhân mang lại bất công và đói nghèo cho họ.

"Việt Nam đang sửa đổi Luật dân sự trong đó có xem xét nội dung quyền nhân thân và khả năng cho người chuyển giới được phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Chúng tôi đã chia sẻ kết quả nghiên cứu và đề xuất Bộ Tư pháp, Chính phủ và Quốc hội cần cho phép người chuyển giới phẫu thuật nếu họ mong muốn và cho phép họ thay đổi giới tính trên giấy chứng minh thư, hộ khẩu, giấy tờ sở hữu tài sản. Điều này sẽ đảm bảo quyền bình đẳng của người chuyển giới", ông Bình cho biết.

Ông cũng cho rằng việc cho phép chuyển đổi giới tính ở Việt Nam sẽ giảm chi phí vì chi phí làm ở nước ngoài cao gấp nhiều lần ở Việt Nam dẫn đến gánh nặng tài chính và chảy máu ngoại tệ.

Hiện ở Việt Nam có nhiều người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoàn toàn, tuy nhiên họ vẫn không được thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân.

Viện iSEE đề xuất trong lúc chờ đợi bộ luật dân sự sửa đổi dự định vào năm 2015, Bộ Tư pháp nên có quyết định cho phép người chuyển giới đã phẫu thuật được làm lại giấy tờ tùy thân với giới tính mới.

"Điều này sẽ giúp cho nhiều người chuyển giới được bảo vệ quyền bình đẳng", ông Bình khuyến nghị.

Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Quỳnh Trâm cho biết "sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ" những ai đồng cảnh ngộ.

"Suốt 3 năm qua, sau khi phẫu thuật từ Thái Lan về, tôi luôn giữ kín mọi chuyện, định sống để bụng chết mang theo vì nghĩ việc này có hay ho gì đâu. Nhưng sau khi gặp nhiều người cùng cảnh ngộ với mình mà phải đau khổ dằn mặt vì không dám sống thật, tôi quyết định công khai câu chuyện cuộc đời mình để ai cần được chia sẻ và giúp đỡ, tôi luôn sẵn sàng", cô giáo trẻ nói.

Ngắm nhan sắc và nghe tâm sự của Quỳnh TrâmNghe Quỳnh Trâm hát ca khúc Dấu chân kỷ niệm

Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.

Quỳnh Trâm phẫu thuật xác định lại giới tính từ nam sang nữ, là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam đã được các cơ quan chức năng công nhận thay đổi thông tin giới tính trong giấy tờ tùy thân.

Quỳnh Trâm tâm sự: "Có thể xã hội vẫn còn kỳ thị người giới tính thứ ba, riêng tôi nghĩ rằng việc con người ta sinh ra với giới tính nào không phải là xấu mà quan trọng là họ sống như thế nào. Tôi luôn cố gắng sống thật tốt, không uống rượu, không hút thuốc hay ăn chơi sa đọa. Tôi hy vọng cộng đồng sẽ nhìn nhận về những người như chúng tôi tích cực hơn, để chúng tôi được làm việc và cống hiến cho xã hội cũng như bao người bình thường khác".

Trước và sau phẫu thuật chuyển giới, Quỳnh Trâm dạy học, cho đến 6 tháng trước đã tạm nghỉ để tập trung vào một kế hoạch ca hát.

Thi Trân

61 61 người


Tin đã cập nhật trước đó
   10 mẹo tiết kiệm sắm...
Nếu nhà có một bé trai và một bé gái, nên chọn quần áo với màu sắc và kiểu dáng...

   Bọ xít hút máu người...
Bọ xít hút máu người gần đây liên tục xuất hiện khiến không ít người hoang mang, tự mua thuốc...

   Cô giáo chuyển giới được...
Nguyễn Đức Đạo, sinh viên năm thứ hai trường Đại học công nghệ Sài Gòn, nói rằng "không có từ...

   Dấu hiệu nàng ngoại tình
Không cần phải "bắt tận tay", phụ nữ ngoại tình có những biểu hiện mà bạn chỉ cần nhìn vào...

   Còng lưng 'gánh' con vào...
Dưới sân trường Đại học Luật (Hà Nội), bà Nhàn vác tải gạo chừng 30 kg trên vai, lê cái...

   Người chuyển giới đầu tiên...
Mấy chục năm khổ sở sống cảnh "thân đàn ông kiếp đàn bà", Phạm Văn Hiệp quyết định dành dụm...

   3 cách biến đồ gỗ...
Dùng sữa bò, nước trà hoặc dấm pha loãng để lau bề mặt giúp đồ gỗ sáng bóng trở lại.
>


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top