Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
‘Dặm xanh’ và một tình bạn không dễ thành sự thật
Bộ phim của Tom Hanks và Michael Clarke Duncan đặt ra câu hỏi liệu có tồn tại một tình bạn vượt qua mọi khoảng cách về sắc tộc trong một xã hội tàn ác dưới sự thống trị của người da trắng?
> /
‘Dặm xanh’ và một tình bạn không dễ thành sự thật Bộ phim của Tom Hanks và Michael Clarke Duncan đặt ra câu hỏi liệu có tồn tại một tình bạn vượt qua mọi khoảng cách về sắc tộc trong một xã hội tàn ác dưới sự thống trị của người da trắng?

Năm 1994, đạo diễn Frank Darabont có màn ra mắt ấn tượng với khán giả và các nhà phê bình bằng bộ phim đầu tay xuất chúng về bi kịch và lòng quả cảm của con người - The Shawshank Redemption. Bốn năm sau, Darabont tái xuất với một tác phẩm điện ảnh cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Stephen King: The Green Mile (Dặm xanh).

* Trailer "Dặm xanh"

Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.

Thú vị hơn, The Green Mile cũng được lấy bối cảnh nơi ngục tù (green mile - "dặm xanh" là tiếng lóng dùng để chỉ quãng đường từ buồng giam của tử tù đến phòng thi hành án). Frank Darabont là người viết kịch bản cho phim này và ông tỏ ra khá trung thành với nguyên tác của Stephen King. Sự hấp dẫn của bộ phim nằm ở hai nhân vật chính đặc biệt được thể hiện qua diễn xuất thành công của Tom Hanks và Michael Clarke Duncan.

Diễn xuất của Tom Hanks và Michael Clarke Duncan trong
Diễn xuất của Tom Hanks và Michael Clarke Duncan trong "Dặm xanh" từng khiến hàng triệu khán giả rơi lệ. Ảnh: Warner Bros.

Nếu như các câu chuyện của Stephen King có điểm chung thì đó hẳn sẽ là chủ đề “sự trả thù ngọt ngào”. Dường như những tác phẩm của ông luôn xoay quanh một típ nhân vật quen thuộc: những người hiền lành, tốt bụng, cô đơn, bị hoàn cảnh xô đẩy và biến thành hung ác, trong thâm tâm luôn chất chứa thù hằn và chỉ chờ đến một giây phút đỉnh điểm, cao trào để đòi nợ cuộc đời.

Trong hầu hết tác phẩm đã được dựng thành phim của King, người ta luôn thấy bóng dáng hình mẫu nhân vật độc đáo này. Họ đều bị hành hạ, ngược đãi một cách không thương tiếc. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là họ luôn sở hữu một quyền năng siêu nhiên nào đó. Có thể là khả năng di chuyển đồ vật mà không cần chạm vào nó hay khả năng tạo ra lửa bằng ý nghĩ.

John Coffey là một người tử tù da đen có vẻ ngoài cao lớn, hung dữ nhưng bên trong lại là một tâm hồn nhâu hậu. Ảnh: Warner Bros.
John Coffey là một người tử tù da đen có vẻ ngoài cao lớn, hung dữ nhưng bên trong lại là một tâm hồn nhâu hậu. Ảnh: Warner Bros.

Trong phim, yếu tố siêu năng lực của nhân vật John Coffey chính là điểm mấu chốt quan trọng nhất để dẫn dắt, kết nối câu chuyện. Khả năng đặc biệt này không hề mang màu sắc kinh dị, đáng sợ vốn quen thuộc trong các tác phẩm của King. Trái lại, hình ảnh tử tù da màu John Coffey hiện lên nhẹ nhàng, huyền ảo như một đấng cứu thế. Theo ông, quyền lực siêu nhiên là một phần không thể thiếu trong thể loại văn học viễn tưởng, ly kỳ hồi hộp nhưng không nhất thiết phải gắn liền với cái ác hay sự đáng sợ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Để chứng minh cho triết lý này, King nhào nặn nên một nhân vật mà việc sở hữu năng lực siêu phàm đồng nghĩa với cái tốt và sự tuyệt vọng, vì cái tốt đó bị đặt vào một xã hội quá xấu xa.

Vai diễn John Coffey có thể coi là vai diễn “để đời” của Michael Clarke Duncan, người mà trước đó với ngoại hình quá khổ của mình chỉ được biết đến qua những vai phụ rất nhỏ, không để lại nhiều ấn tượng như người gác cổng hay vệ sĩ. John là một người chậm phát triển, ít nói, nhút nhát, chân thành, dễ xúc động. Ở nhân vật này luôn tỏa ra một thứ ánh sáng đặc biệt, giúp John trông giống như một vị thánh. Đó chắc chắn là một điều mà những nhân vật khác trong phim không thể ngờ tới khi vừa nhìn thấy dáng dấp to lớn khổng lồ như người nguyên thuỷ và thân hình chi chít sẹo của người tử tù da đen.

Trong bối cảnh xã hội miền nam nước Mỹ đầy loạn lạc, bi quan và tiêu điều trong cuộc Đại Khủng Hoảng những năm 1930, John bị kết án tử hình vì tội hiếp dâm và giết hại dã man hai bé gái da trắng. Nhờ tính cách và năng lực đặc biệt của mình, John dần xây dựng được tình bạn với Paul (Tom Hanks đóng) - người quản giáo da trắng, và cuối cùng được minh oan (dẫu cho không thể thoát khỏi án tử).

Tom Hanks đóng vai Paul, người quản giáo da trắng. Ảnh: Warner Bros.
Tom Hanks đóng vai Paul, người quản giáo da trắng. Ảnh: Warner Bros.

Paul là một người nghiêm túc, kỷ luật, làm việc theo nguyên tắc, nhưng đồng thời rất ôn tồn, nhân ái, không bao giờ lạm dụng quyền lực để ngược đãi tù nhân. Đặc biệt là đối với John, Paul luôn tỏ ra ân cần, tử tế và đầy cảm thông. Paul nhìn thấy bản chất tốt đẹp của John, thấy sự ngây thơ trong sáng như một đứa trẻ của người tù nhân đang chờ ngày thi hành án. Với vai diễn người quản giáo Paul Edgecomb, Tom Hanks diễn tròn vai một típ nhân vật vốn không xa lạ gì với tài tử này. Tom Hanks thường được biết đến trên màn bạc với hình ảnh một người Mỹ điển hình, bình dị, hiền hoà, sống có đạo đức, chuẩn mực đúng đắn, tốt bụng và có đức tin ở Chúa Trời.

Thế nhưng tình bạn của Paul và John không hoàn toàn trong sáng, thuần túy và cao đẹp như vẻ bề ngoài của nó. Sự khác biệt về màu da trong một xã hội còn rất phân biệt chủng tộc đã làm phức tạp hoá và phần nào vẩn đục tình bạn tưởng như trong sáng ấy. Lỗi không hẳn thuộc về đôi bạn John và Paul, nhưng có một sự thật không thể chối bỏ luôn tồn tại trong mối quan hệ của họ là sự bất bình đẳng.

John luôn là người “cho đi” và Paul luôn là người được nhận. John chữa bệnh cho Paul và bà vợ sếp Hal. Cũng chính John là người gián tiếp giết chết Bill “điên” và khiến Percy hoá điên – hai kẻ vốn là cái gai trong mắt Paul ở nhà tù. Đổi lại, John nhận được gì từ Paul? Không gì cả, ngoại trừ sự cảm thông. Paul không thể cứu John thoát khỏi án tử hình - điều làm anh đau đớn và dằn vặt trong suốt quãng đời còn lại của mình. Chính như thế, Paul đã vô tình lợi dụng người bạn của mình, như một ông chủ da trắng (trường hợp này là vô thức) bóc lột người đầy tớ da đen.

John chọn cho mình cái chết, vì đã mệt mỏi với cuộc đời đầy rẫy cái ác, hay vì sự nhẫn nhục chịu đựng, cam phận trước sự bất bình đẳng chủng tộc?

Hình tượng nhân vật người da đen tốt bụng, thật thà, chấp nhận thân phận thấp hèn trong xã hội và coi đó là lẽ đương nhiên rất điển hình trong phim Hollywood những năm đầu thế kỷ 20. Khi mà những tiến bộ xã hội về quyền bình đẳng bắt đầu diễn ra nhưng chưa triệt để, sự quan tâm của người da trắng đối với người da đen (được thể hiện trong các bộ phim) vẫn chủ yếu chỉ dừng lại ở mức tò mò, có hứng thú, và có lòng thương xót.

"Dặm xanh" từng được đề cử 4 giải Oscar năm 2000, trong đó có "Phim hay nhất" và "Nam diễn viên phụ xuất sắc" cho Michael Clarke Duncan. Ảnh: Warner Bros.

Khoảng cách giữa người da đen và người da trắng rất xa, khi người da đen vẫn còn bị kỳ thị vì sự khác biệt màu da, ngoại hình. The Green Mile, bộ phim lấy bối cảnh những năm 1930, khắc họa chính xác hình tượng người da đen như trong các bộ phim ra đời vào thời kỳ này: màu da, ngoại hình của họ làm cho họ trở nên thú tính, hoang dại, nguyên thuỷ, vừa hấp dẫn, vừa đáng sợ.

Cái cách mà John chữa bệnh cho mọi người là minh chứng rõ ràng nhất cho nét tâm lý mấu chốt này. Khi phải thi hành án, Paul làm việc với chân lý nhanh chóng và gọn nhẹ để không kéo dài đau đớn cho tù nhân. Nhưng khi John thực hiện năng lực siêu nhiên của mình để chữa lành bệnh bằng cách tiếp cận thể xác rất gần gũi, hành động này rất mạnh mẽ, dữ dội, gây căng thẳng cho người xem vì nó giống như một hình thức bạo lực tình dục. Trong tất cả những bộ phim về thời kỳ này, cơn ác mộng khủng khiếp nhất của bất cứ kẻ phân biệt chủng tộc nào chính là nỗi sợ bị xâm hại tình dục bởi người da đen.

Chính nhân vật luật sư bào chữa cho John cũng là một kẻ da trắng phân biệt chủng tộc như thế. Hắn so sánh người da đen như những con chó mà khi nó ngoan, trung thành thì được người chủ yêu quý. Còn khi con chó trở nên hung dữ, người chủ không hề ngại giết chết nó. Paul không đồng tình với quan điểm này, nhưng lại không làm gì để cứu John, để rồi phải sống trong hổ thẹn và đau đớn. Chỉ có nỗi đau khôn cùng là điểm chung giữa họ.

* Cảnh phim gây xúc động mạnh mẽ trong "Dặm xanh"

Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.

Châu Trần

Cảm xúc của bạn về bộ phim "Dặm xanh"?

11 11 người


Tin đã cập nhật trước đó
   VTV chịu trách nhiệm nhưng...
Không tham gia trả lời báo chí mà chỉ phát sóng một clip dài gần 4 phút về cuộc họp...

   Thiết kế gắn đá tinh...
Những hạt đá lấp lánh được gắn một cách khéo léo, hài hòa làm nên vẻ sang trọng, nữ tính...

   Lý Băng Băng chấp nhận...
Nữ diễn viên không coi trọng cát-xê, mà chỉ quan tâm đến chất lượng phim. Cô cũng không ngại khi...

   Những người đẹp gốc Hoa...
Giọng hát Lương Vịnh Kỳ vẫn vang lên trong khi cô không cầm micro còn người đẹp Dương Mịch bị...

   Ban tổ chức The Voice...
Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, Ban tổ chức Giọng hát Việt thừa nhận đã có những ...

   Áo dài tung bay tại...
Hoa hậu Ngọc Hân, VN's Next Top Model Huyền Trang, Á hậu Phụ nữ VN qua ảnh Phương Liên, người...

   Lady Gaga cạo trọc nửa...
Nữ ca sĩ cạo một phần tóc sau gáy để tưởng nhớ người mẹ quá cố của nhiếp ảnh gia...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top