Chị Lan, mẹ của bé Châu cho biết, kể từ ngày con bỏ nhà đi cách đây 3 tháng, gia đình cứ nghĩ bé bị bắt cóc nên tỏa đi khắp nơi tìm kiếm. Mọi người dán giấy tìm trẻ lạc, đăng tin trên mạng và truyền hình mà vẫn bặt vô ân tín. Cuối cùng công an vào cuộc mới phát hiện cậu bé đang đi "bụi" cùng người bạn nhỏ tuổi của mình.
"Tháng 6 cháu có xin bố mẹ đi chơi cùng một người bạn. Gia đình nghĩ là bạn học chung lớp với cháu nên không để ý. Chờ đến tối vẫn chưa thấy bé về, gia đình mới tá hỏa đi tìm, mẹ của cháu lo quá xỉu lên xỉu xuống, ai cũng nghĩ cháu bị bắt cóc", chị Hà, dì của bé Châu, cũng là người đăng tin tìm bé Châu trên mạng kể.
Người dì cho biết sau khi bé Châu được công an đưa về đến nhà, gia đình gặng hỏi lý do, bé nói là "đi chơi với bạn cho vui, một thời gian rồi về". Chưa biết rõ nguyên nhân cháu bỏ nhà đi, chị Hà tâm sự: "Giờ cháu về đến nhà bình an vô sự là mừng lắm rồi. Mọi người cũng căn dặn nhau lúc này đừng nói gì làm cho nó buồn. Tôi thì chẳng biết làm sao khuyên bảo, chỉ sợ nó lại tức rồi bỏ đi nữa".
Cũng đăng tin lên báo và truyền hình tìm đứa con 12 tuổi bỏ nhà đi, ông Trung (quận 1, TP HCM) kể, mẹ mới qua đời nên bé Nguyễn Hoàng Minh Nam buồn bã xin bố cho đi chơi với bạn "một lát cho khuây rồi về".
"Tôi thì tật nguyền ngồi một chỗ. Thấy con đang buồn nên khi cháu xin đi chơi một lát với bạn, tôi cũng không dám cản. Chờ cả tuần, rồi cả tháng trời không thấy con về tôi mới tá hỏa đi tìm. Do không biết nhà bạn của cháu ở đâu nên tôi không biết bắt đầu tìm từ đâu", người cha nhớ lại.
Ông Trung đăng tin lên mạng và truyền hình kèm với ảnh chụp hồi còn nhỏ của bé Nam. Công an đã vào cuộc tìm kiếm vẫn không ra thì cách đây vài hôm, bé Nam đã tự tìm đường về nhà.
"Cháu chỉ nói là buồn chuyện mẹ mất nên đi chơi cho khuây khỏa. Ngày cháu về cũng cứ lầm lầm lì lì hỏi gì không nói. Tôi thương con nhưng không biết làm sao để khuyên bảo nó đừng đi như thế nữa", người cha tật nguyền rưng rưng chia sẻ.
Từng gặp những trường hợp tương tự trong quá trình tư vấn tâm lý, chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Minh cho biết, có nhiều lý do khiến trẻ bỏ nhà đi như: do sự bướng bỉnh không nghe lời cha mẹ, cảm thấy không được tôn trọng, một cú sốc tâm lý nào đó hoặc do buồn chuyện gia đình... Nhất là độ tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu có nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân mà không được đáp ứng, các em dễ có hành động bồng bột.
"Để hiểu được con, cha mẹ cần tìm hiểu tâm lý trẻ ở từng lứa tuổi. Khi có cú sốc gì đó xảy ra, người lớn cần chuẩn bị tâm lý trước cho trẻ để đón nhận nỗi buồn một cách dễ dàng hơn". Ở điểm này, bà Minh đơn cử trường hợp cha mẹ sắp ly hôn hoặc bệnh nặng, thì một trong hai người hãy nói cho con hiểu bằng cách đặt những câu hỏi đại loại như "ví dụ một ngày nào đó không còn thấy mẹ, con sẽ làm gì, đi đâu...?". Làm như thế, khi sự thật xảy ra trẻ cũng đỡ bị sốc hơn.
Một điều mà các bậc cha mẹ hay quên là không để ý đến các mối quan hệ bạn bè của con mình. Vì thế bà Minh cho rằng, để đề phòng những chuyện tương tự xảy ra, các phụ huynh nên tìm hiểu rõ bạn bè của con, hỏi rõ tên tuổi, địa chỉ nhà, số điện thoại để tiện liên hệ khi cần thiết. Riêng trong một số tình huống khi bạn bè lạ rủ con đi chơi, cha mẹ không biết rõ lai lịch gia cảnh của người bạn kia thì không nên cho phép con.
Trong quá trình làm công tác tư vấn, bà Minh từng gặp một cô bé tuổi ô mai bỏ nhà đi chỉ vì buồn khi bị cha mẹ la mắng. Qua vụ việc này, bà cũng nhắc các bậc phụ huynh nên để ý hơn về cách hành xử đối với con cái, cần quan tâm trò chuyện để hiểu con hơn, mỗi khi trẻ phạm lỗi, hãy bình tĩnh khuyên bảo thay vì chửi mắng nặng lời.
Riêng những trường hợp trẻ "đi bụi" đã trở về nhà, bà Minh cũng khuyên phụ huynh không nên gặng hỏi con quá nhiều hay chửi bới, trách móc sẽ càng làm trẻ căng thẳng hơn. "Hãy dành thời gian quan sát con nhiều hơn. Nếu thấy trẻ lảng tránh cha mẹ thì có thể nhờ một người khác nói chuyện để hiểu những vấn đề bé đang gặp phải. Chờ đến khi mọi sự nguôi ngoai mới chọn thời điểm thích hợp mới nên nhẹ nhàng hỏi chuyện con", vị chuyên viên nói.
Thi Trân