3 chàng họa sĩ thủ đô vừa làm một chuyến du Nam ấn tượng khi mang hàng chục tác phẩm khổ lớn của mình vào TP HCM triển lãm. Mỗi người mang một gu sáng tác và cảm hứng sáng tạo.
Từ trái qua: Ngô Đức Hoàng, Vũ Thái Bình và Trần Ngọc Hưng tại buổi khai mạc triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM vào ngày 16/9. |
Lớn tuổi nhất trong 3 tác giả là họa sĩ Ngô Đức Hoàng sinh năm 1974. Tranh Ngô Đức Hoàng là những mảng sơn dầu và acrylic mang độ "nóng" của những màu sắc nguyên thủy, đối chọi nhau, gây ấn tượng thị giác nơi người xem. Khung tranh của anh lặp đi lặp lại hình ảnh những liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh với khăn mỏ quạ, nón thúng quai thao, áo tứ thân mớ ba, mớ bảy, hoặc hình ảnh cô gái dân tộc Dao Đỏ với vành khăn nặng trĩu trên đầu… Đồng thời, các bức tranh đều cho thấy sự giản lược chi tiết, đường nét tối đa.
Sự giản lược ấy cùng với bút pháp gợi lên nét hóm hỉnh, tươi vui là những điều Hoàng học được từ dòng tranh dân gian Việt Nam. Anh vốn mê tranh Đông Hồ và sưu tập nhiều tranh của người dân tộc vùng cao, nhất là các bức họa thầy mo, thầy cúng... Vì thế, họa sĩ này ấp ủ ý định sáng tác nhiều hơn nữa những họa phẩm làm tôn lên sự hài hòa giữa nền văn hóa truyền thống với vẻ đẹp hiện đại. Đây cũng là ưu điểm khiến cho tranh của anh được nhiều khán giả nước ngoài yêu thích tìm mua.
Khác với đề tài sáng tác của Đức Hoàng, Vũ Thái Bình chọn hình ảnh Phật giáo mang nhiều ý niệm suy nghiệm để giới thiệu với khán giả TP HCM.
Các tác phẩm của Thái Bình phần nhiều có kích thước lớn, miêu tả các nhà sư đi khất thực, tụng kinh, niệm phật, cầu nguyện, ngắm hoa sen nở... Vẽ tranh với bút pháp hiện thực, nhưng tác phẩm của Vũ Thái Bình vẫn giúp khán giả có được những phút chìm trong thế giới hư hư, thực thực của phật pháp. "Tôi muốn diễn tả một điều gì đó thật lắng đọng, thâm trầm và sâu sắc, đối lập với cuộc sống xô bồ, sôi động hôm nay và nhắc mình cần quý trọng sự yên bình nội tại cũng như giữ gìn sự yên bình của nôi trường sống", Thanh Bình nói.
Khán giả ngắm những bức tranh miêu tả sinh hoạt Phật giáo của Vũ Thái Bình. |
Trần Ngọc Hưng là họa sĩ nhỏ tuổi nhất trong nhóm, sinh năm 1983. Ngọc Hưng theo đuổi một chất liệu khó khăn, vất vả hơn và sang trọng hơn là sơn mài.
Đề tài trong tranh Hưng rất đa dạng, từ phong cảnh thiên nhiên đến sinh hoạt đời thường, từ vùng đồng bằng đến cảnh sinh hoạt, văn hóa các dân tộc vùng cao... Không dừng lại ở miêu tả ngoại cảnh, anh có cả những bức sơn mài khắc họa cảm xúc, trạng thái trừu tượng của tư duy. Vàng, bạc sử dụng trong tranh Hưng đều là vàng, bạc thật, thêm sự chăm chút cẩn thận cho từng tác phẩm khiến Hưng mất 1-2 tháng mới hoàn thành được một bức tranh. Khó khăn là thế nhưng anh rất mê chất liệu truyền thống. "Lần đầu tiên mang tác phẩm của mình đến TP HCM triển lãm, điều tôi kỳ vọng là được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các họa sĩ miền Nam cũng như mong chờ sự chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của khán giả về tranh mình", Ngọc Hưng nói.
Họa sĩ Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, nhận xét 3 họa sĩ này cũng như khá nhiều tác giả trẻ ở thủ đô hiện nay cho thấy sức làm việc miệt mài, chăm chỉ với ý thức sáng tạo rất mạnh mẽ. "Triển lãm mang tên Sắc thu nhưng không hẳn là miêu tả cụ thể về thu Hà Nội. Mùa thu như một cái cớ để cho thấy sự kết hợp ngẫu hứng giữa 3 cá tính trong dòng tranh của các tác giả trẻ đến từ thủ đô", ông nói.
Triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đến hết ngày 27/9.
* Clip: Triển lãm Sắc thu Hà Nội |
Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.
|
* Ảnh: |
Sắc màu tươi tắn trong tranh Ngô Đức Hoàng |
Vũ Thái Bình và nét cọ trầm mặc |
Vàng son trong tranh Trần Ngọc Hưng |
Bài, ảnh: Thoại HàClip: Hồng Phúc