Có nhiều cách hiểu về tên gọi của loại bông này. Theo cách giải thích của những người lớn tuổi, vì loài bông này đến mùa nhú bông, mọc thành từng đám, từng dề trên mặt đất nên người ta gọi là bông dề. Bông dề khi nhô lên khỏi mặt đất còn búp có hình nhọn, màu đỏ tím. Sau đó một hai ngày, nếu không có người hái thì những búp bông này nở bung sặc sỡ, bên trong những cánh hoa có nhụy vàng trông thật đẹp.
Ảnh: Tấn Trực |
Ngoài hình thức nhỏ thon, màu sắc đẹp, bông dề có mùi thơm dịu đặc trưng nên từ lâu được xem là một loại rau nêm đặc sản ở các vùng quê được các bà các cô ưa thích. Còn nhớ, lúc tuổi thiếu thời ở quê, cứ đến dịp này, mờ sáng sớm cả bọn trong xóm thường rủ nhau ra các doi đất gần nhà thi nhau nhổ bông dề. Mỗi đứa một cái cây nhọn để nạy đất lấy bông rồi bỏ vào một cái rổ tre. Chỉ đi một lát nhưng đứa nào đứa nấy cũng được đầy rổ.
Những ngày có được bông dề nhiều, mẹ, chị thường chọn làm thức ăn cho cả gia đình dài ngày. Nào là bông dề nêm canh, bông dề luộc, xào, đúc các loại bánh... Ăn nhiều ngày thế mà lúc đó cuộc sống còn kham khổ ai nấy cũng thấy ngon, hết cả mùa bông dề vẫn thấy còn thèm, còn nhớ.
Bông dề chỉ mọc độ ba bốn tuần rồi hết mùa. Tuy nhiên, khi hết mùa bông thì những kèn lá có màu xanh non mơn mởn lại tiếp tục nhô lên, sau đó vài ngày lá bông dề mọc thành từng bụi xanh rờn trên mặt đất. Đặc biệt lá bông dề non dùng làm rau nêm cũng có mùi thơm ngon không kém như bông. Rồi hết mùa lá, cả bọn nhỏ chúng tôi lại cùng nhau đi đào củ bông dề về luộc ăn, loại củ này có rất nhiều tinh bột, dẻo thơm, ăn mát. Hết mùa, cả bông lá rụi rồi tiêu mất, không để lại một dấu vết gì trên mặt đất. Cứ thế mùa bông dề cứ tuần hoàn đúng hẹn theo những mùa thu năm tháng.
Bông dề có ở khắp các chợ quán, nhà hàng, có trong nhiều bữa ăn của những gia đình. Và mỗi lần được thưởng thức mùi thơm của loại bông này tôi lại nhủ lòng mình, mùa thu đã về rồi, mình lại thêm một tuổi lớn.
Tấn Trực
>> Món ngon chình đá >> Bông điên điển - Món ngon mùa nước nổi >> Bông điên điển mùa nước nổi >> Những lợi ích từ rau má