Theo chị Hoa (TP HCM), bé Phượng con gái chị rất ngoan, học không giỏi nhưng luôn biết nghe lời. Vợ chồng chị bận làm ăn sớm tối nên không có nhiều thời gian quan tâm đến học hành cũng như các mối quan hệ của con. Hàng ngày thấy con sáng sớm đi học, tối lại đèn sách trong phòng riêng, anh chị rất yên tâm.
Gần đây chị nghe nhiều người hàng xóm mách chuyện không hay về con gái chị. Lâu lại có lời bóng gió kiểu như “con nhỏ đó toàn chơi với hạng đầu trộm đuôi cướp” hay “vắt mũi chưa sạch mà bày đặt yêu đương rồi toàn học bài trong nhà nghỉ”… Chị rất giận hàng xóm, bởi trong thâm tâm người mẹ luôn tin tưởng con gái và nghĩ rằng có người đặt điều bôi nhọ gia đình.
“Tôi cũng thấy một vài biểu hiện lạ ở con như ít nói, nhốt mình trong phòng riêng và hay trưng diện mỗi khi đi học. Tôi nghĩ đó là những biểu hiện bình thường của con gái đang tuổi ô mai nên chỉ hỏi qua loa”, chị Hoa kể.
Đến khi giáo viên chủ nhiệm mời lên trường làm việc, người mẹ mới "té ngửa" bởi thời gian qua con gái liên tục cúp học. Một số thầy cô và bạn bè thấy Phượng thường xuất hiện ở quán cà phê, công viên với một cậu thanh niên tóc nhuộm xanh đỏ. Cả hai cặp kè tình tứ và còn dắt nhau vào nhà nghỉ.
Để kiểm chứng, chị Hoa đã theo dõi, phát hiện đúng là con gái có quan hệ tình cảm với một thanh niên không cha không mẹ. "Hôm đó tôi đã lôi con về trước mặt đám bạn bè nó. Tôi cũng cấm không cho cháu qua lại với cậu kia nữa".
Bị cấm yêu, Phượng trở nên lầm lỳ hơn và hay nhốt mình trong phòng, có thái độ chống đối bố mẹ ra mặt. Tối không thấy con ra ăn cơm, chị Hoa vào phòng gọi, hoảng hốt khi thấy "công chúa nhỏ" đang dùng dao lam rạch nhiều đường ở tay khắc tên người yêu, làm cánh tay be bét máu.
Người mẹ tìm đến chuyên gia tâm lý nhờ tư vấn cách hiểu được con và giúp cháu thoát ra khỏi tình trạng tâm lý tiêu cực hiện tại.
Chia sẻ về trường hợp của chị Hoa, chuyên viên Từ Tâm, Trung tâm tư vấn tâm lý Nhịp cầu Hạnh phúc cho biết: “Tuổi dậy thì có những thay đổi rất lớn về tâm sinh lý. Trẻ có xu hướng muốn tách mình ra khỏi người lớn, muốn được thể hiện mình và muốn được người lớn tôn trọng, công nhận”.
Những thay đổi đột phá về tâm sinh lý ấy là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, kèm theo biểu hiện "lạ" như ít nói, dễ buồn bực, cáu gắt, thậm chí là hành động chống đối, cãi lại cha mẹ hay bỏ nhà ra đi… Vì thế chị Hoa muốn hiểu con thì cần phải biết được những thay đổi ấy để có những tác động và biện pháp giáo dục phù hợp.
Theo chuyên viên tâm lý, điều mà vợ chồng chị Hoa cần nhìn nhận lại là sự thiếu quan tâm của gia đình, cùng với đó là những ứng xử thiếu kiềm chế. Đây có thể là nguyên nhân khiến con gái cảm thấy thiếu tình thương nên sống bất cần. Với thái độ bướng bỉnh của trẻ, việc cấm đoán đôi khi dẫn đến những hành động dại dột, bỏ bê học hành, sống buông thả...
"Việc cháu rạch tay mang thông điệp chống đối cha mẹ và muốn thể hiện bản thân; mặt khác có thể cháu là tín đồ của trào lưu tự hành xác qua việc làm tổn thương da thịt. Cháu Phượng đang trong tâm trạng chán nản, buồn rầu, rất dễ bị tổn thương và phần nào có sự lệch lạc trong nhận thức", chuyên gia tâm lý nhận định. Do vậy, để giúp con thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực, vợ chồng chị Hoa hãy dành sự quan tâm nhiều hơn nữa và tạo cho con một môi trường sống chan hòa hạnh phúc để cháu cảm nghiệm được tình thương yêu của cha mẹ.
Bên cạnh đó mối quan hệ bạn bè có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ giai đoạn này. Có thể bố mẹ chưa thể đồng cảm nên không phải là người Phượng cần để tâm sự trong lúc này. Vì thế hãy nhờ một người bạn thân thiết của cháu đến làm thay việc ấy.
Bày tỏ quan điểm về việc yêu đương của con trẻ tuổi 14, chuyên viên tâm lý cho rằng ở lứa tuổi dậy thì, trẻ có những rung cảm giới tính thực sự. Khi thiếu thốn tình cảm gia đình, việc Phượng phải lòng bạn khác giới là điều rất dễ hiểu. Tình cảm ở lứa tuổi này thực chất mới là những rung động và chưa có tính ổn định. Do bản tính tò mò, muốn thể hiện mình cùng với sự thiếu kiềm chế nên trẻ dễ đi quá đà trong quan hệ tình cảm.
Theo chuyên gia, gia đình cần nói chuyện cởi mở và lắng nghe tâm sự chuyện tình cảm yêu đương của trẻ. Bên cạnh đó cần tìm cách vực dậy tinh thần cho con bằng việc tạo cho cháu cảm giác được yêu thương, chăm sóc. Chị Hoa cũng nên tìm dịp thuận tiện để trao đổi với con về sự phát triển tâm sinh lý cũng như những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản vị thành niên, để cháu biết cách chăm sóc và bảo vệ mình.
Cấm đoán con không phải là cách giáo dục hiệu quả đối với trẻ ở lứa tuổi dậy thì, vì càng cấm trẻ càng chống đối, càng muốn thể hiện. Giáo dục con cái đòi hỏi cần phải kiên nhẫn, không thể một sớm một chiều trẻ sẽ thay đổi như kỳ vọng của gia đình được.
"Điều quan trọng là anh chị giảm bớt công việc để dành thời gian lắng nghe, chia sẻ và chăm sóc con cái. Như vậy chị mới mong hiểu và gần gũi hơn với con cái, cũng như biết cách để giúp cháu vượt qua giai đoạn khó khăn này", chuyên viên tư vấn khuyên.
Thiên Ân
* Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu