Cùng với bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, khách sạn Continental, chợ Bến Thành... quán cà phê Givral lưu giữ một phần hồn của Sài Gòn - thành phố pha trộn một vẻ đẹp của phương Đông và phương Tây.
Café Givral được khai sinh từ những năm 50 thế kỷ trước, nằm trong tòa nhà Eden, tọa lạc ở vị trí đắc địa của Sài Gòn (giao điểm của đường Đồng Khởi và Lê Lợi ngày nay, đối diện với quảng trường trung tâm Lam Sơn). Alain Poitier - một người Pháp sống lâu năm ở Việt Nam đã bỏ ra 8 tháng để chuẩn bị và vào cuối năm 1950, ông biến địa điểm của tiệm thuốc Tây đầu tiên ở Sài Gòn trở thành một tiệm bánh mang hương vị Pháp - Việt.
Với diện tích nhỏ, café Givral lúc nào, thời nào cũng đông khách. Trước năm 1975, khách của quán là các dân biểu hạ viện, nghị sĩ thượng viện (Trụ sở họp Hạ viện Sài Gòn là Nhà hát Thành phố ngày nay), giảng viên đại học, nghệ sĩ, du khách và đông nhất là nhà báo trong và ngoài nước. Như một trung tâm văn hóa - tin tức bất thành văn, Givral trở thành điểm hẹn của các nhân vật nổi tiếng trong làng văn hóa, truyền thông: Tim Page - phóng viên ảnh chiến trường ở Việt Nam làm việc cho UPI, AP, Paris Match; Horst Faas - nhiếp ảnh gia, người nhận hai giải Pulitzer, người nổi tiếng về những hình ảnh chiến tranh Việt Nam.
Nơi đây, tiểu thuyết gia người Anh - Graham Green - từng nhiều lần lui tới và đưa Givral vào cuốn tiểu thuyết lừng danh của ông "Một người Mỹ trầm lặng". Đạo diễn Phillipe Noyce khi thực hiện một trường đoạn của bộ phim "Người Mỹ trầm lặng" (2002) chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ấy, đã quyết định thuê hẳn mặt bằng Cà phê Givral để tái hiện quang cảnh nơi đây những năm 50, 60.
Sau năm 1975, nhiều du khách nước ngoài đến tham quan Sài Gòn sau khi đọc cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo" của Larry Berman viết về nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn, đã tìm đến và ngồi lặng hàng giờ ở một góc cà phê Givral - nơi Phạm Xuân Ẩn trước 1975 từng lui tới hàng ngày, nhìn ra cửa sổ để thả tưởng tượng về quá khứ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng từng nhiều lần ngồi thả hồn tại nơi đây…
Café Givral vừa khai trương và hoạt động trở lại vào ngày 10/10. Vẫn không gian cũ tại tầng trệt lô 1 - 09 Tòa nhà Vincom Center A, 171 Đồng Khởi, quận 1, café Givral mang phong cách mới với tông màu nâu - vàng kem chiếm phần chủ đạo trong thiết kế, thể hiện sự tinh tế và sang trọng. Tại đây, nội thất gỗ mang phong cách hoài cổ với mảng tường, được Givral trang trí bởi nhiều bức tranh Sài Gòn xưa.
Với ý tưởng hoài niệm có cách tân, Givral đang kỳ vọng sẽ tiếp nối được truyền thống xưa, là nơi gặp gỡ giao lưu của những người nổi tiếng, những doanh nhân, những người yêu "vị" Givral và cả những bạn trẻ yêu Sài Gòn. Quán cũng chú trọng phát triển thêm mô hình bánh tươi kết hợp cùng thức uống trong các cửa hàng sang trọng và có diện tích lớn…
Sự trở lại của một quán café nổi tiếng và quen thuộc của Sài Gòn phần nào xua được nỗi buồn lo trước sự ra đi của những nơi chốn cũ chứa đựng linh hồn thành phố. Lịch sử Sài Gòn - TP HCM vẫn đang chuyển động về phía trước, sẽ tiếp tục ghi dấu những nơi chốn đặc biệt, trong đó có café Givral, vào mảng tường ký ức của đô thị xinh đẹp này.
Nhân dịp khai trương café Givral Đồng Khởi, từ ngày 10 đến 20/10, Givral áp dụng chương trình giảm giá 15% trên tổng giá trị hóa đơn cho khách hàng đến sử dụng dịch vụ.
Địa chỉ cửa hàng: Số L1 - 09, tầng L1, trung tâm thương mại Vincom A - 171 Đồng Khởi, quận 1, TP HCM.
Minh Thư