Tôi là người rất nhát. Nếu chỉ có tôi và bạn ngồi riêng với nhau, giỏi lắm tôi nói được vài lời, chỉ thế thôi là tắt ngóm. Thực ra tôi rất thích mọi người, nhưng người ta sẽ không nghĩ vậy, vì tôi ít nói, tôi không biết phải nói gì. | |
Khi con gái tôi còn nhỏ, tính cháu rất giống mẹ. Lúc nào con bé cũng cố tìm cách núp sau lưng tôi. Ở lớp học khiêu vũ, phần lớn thời gian cháu quấn lấy chân mẹ, dù khiêu vũ là môn cháu yêu thích. Con bé hoàn toàn tỏa sáng một khi đã say sưa với bài tập nhảy rồi. Nếu có ai đó đến gần chỉ trong vòng 3 bước chân thôi, thì thay vì nói lời chào, thế nào con gái tôi cũng khóc.
Trong tôi hình thành bản năng phải “giúp” con vượt qua cảm giác này, chính xác hơn là rất nóng lòng bắt cháu bỏ đi tính nhút nhát. Song có vẻ như sự nóng vội đã gây tác dụng ngược, khiến cả hai mẹ con đều stress, đều mệt mỏi trong hành trình bắt con phải cởi mở, dạn dĩ hơn.
Chẳng dễ dàng gì nếu phải làm người luôn im lặng trong một căn phòng. Khi trở thành người lớn, bạn sẽ thấy điều đó còn khó khăn hơn. Tôi muốn con có một sự khởi đầu tốt, biết hòa nhập với bên ngoài, có cá tính riêng, không sợ nói lên suy nghĩ của mình để sau này nó không giống tôi. Tôi tin chắc mình không phải người mẹ duy nhất muốn vậy.
Thế nhưng suy nghĩ như thế hóa ra là một sai lầm.
Con bé cuối cùng tự chui ra vỏ ốc khi mọi người có cái nhìn hơn về tính nhút nhát của cháu, giống như khoác lên tính cách ấy một ánh hào quang. Đến giờ con tôi có thể nói chuyện với bất cứ ai miễn là họ chịu nghe. Con bé vẫn rất lễ phép, tốt bụng, rất cởi mở trước một gương mặt mới, thậm chí đôi khi còn có phần lẻo mép.
Nhờ trời, con bé cũng không còn túm chặt lấy chân mẹ một cách tuyệt vòng ở quầy rau củ khi có ai đó đến gần chào hỏi hay khen nó mặc váy xinh.
Lớn lên bạo dạn hơn là điều đòi hỏi nhiều nỗ lực với đứa trẻ ban đầu đã nhút nhát, song bạn thấy đấy, nếu một đứa trẻ vẫn cứ nhát như vậy, thì có vấn đề gì đâu? Cứ ăn mừng đi. Nếu con bạn nhát mà vẫn sống vui, thì cháu chẳng có “vấn đề” gì cả, và bạn không cần phải sửa bất cứ điều gì, ngoại trừ suy nghĩ của những người cho đó là một tính cách tiêu cực.
Đừng gọi con là nhút nhát như một lời biện hộ cho hành vi của cháu, vì làm vậy mang lại cảm giác tiêu cực cho con. Tại sao không thay “nhút nhát” bằng từ khác tích cực hơn như “kín đáo”, “thận trọng”, “chín chắn”...? Thậm chí bạn nên sửa lại cách gọi cho cả người khác nếu cần thiết. Nói về con bằng những từ ngữ tích cực là cách bạn dạy con quý trọng những phẩm chất của mình, và không cảm thấy yếu thế hơn trước những đứa trẻ bạo dạn.
Bạn biết không, trải qua một tuổi thơ không cần lo nghĩ vì sao mình mờ nhạt hơn những đứa trẻ “biết ăn biết nói” khác sẽ giúp con bạn lớn lên trở thành người nhạy cảm, chín chắn, trung thành, biết yêu thương, hiền hòa, có trực giác tốt - một người lớn kiểu mẫu không có bất cứ nỗi đau không cần thiết nào về việc khi bé mình đã quá nhút nhát, thiếu tự tin.
Huyền Anh Theo Phong cách bà mẹ thông minh
Hãy ăn mừng vì con bạn nhút nhát
10
9
1
|
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|