Tuấn, sinh viên năm cuối Đại học Thương mại, sinh ra trong một gia đình nông thôn có 4 chị em, trong đó cậu là con trai duy nhất. Từ nhỏ cậu luôn được mẹ nuông chiều, dành cho nhiều tình yêu hơn các chị em khác. Ngày Tuấn ra Hà Nội học, mẹ đã ốm cả tháng vì thương nhớ cậu quý tử.
Vào ngày 20/10, đừng quên bên cạnh bạn còn có mẹ - một người phụ nữ cũng cần được quan tâm. Ảnh: health.com |
"Dịp 20/10 năm ngoái, mẹ đi làm bị ngã trẹo tay. Em được gia đình thông báo từ trước, vốn định tối 20/10 sẽ gọi điện về hỏi thăm mẹ rồi chúc mừng luôn. Nhưng rồi, em ở bên bạn gái cả ngày, buổi sáng thì nấu cơm ăn, chiều lang thang dạo phố, đêm muộn mới về đến nhà. Lúc đó trong đầu em vẫn còn lâng lâng hạnh phúc, chỉ nghĩ duy nhất đến bạn gái", Tuấn kể.
"Mấy ngày sau, bố gọi cho em mắng rằng 'Dạo này mày bận lắm à ,sao mẹ bị đau tay mà không gọi về hỏi thăm. Đêm 20/10 mẹ đã thức cả tối để chờ mày. Ngày hôm sau lại phàn nàn chắc rằng mày đã lớn rồi, không muốn làm cu Tuấn của mẹ nữa. Mẹ mày đã khóc nhiều lắm đấy'. Em nghe ngỡ như mình rơi xuống địa ngục, hẫng hụt, tim đau nhói, muốn khóc mà không thể, xấu hổ vô cùng", Tuấn nhớ lại.
Thương mẹ và tự ái cá nhân khiến Tuấn trở nên hằn học vài ngày sau đó. Ở nhà, mẹ đã bớt tủi thân, lại nhớ cậu con trai nên gọi điện nhưng Tuấn toàn vờ bận chỉ chào hỏi hay không bắt máy. "Một hôm mẹ gọi, khóc. Nghe thấy câu nói 'Cho mẹ nói chuyện với Tuấn tí nào để mẹ nhanh khỏi ốm', em gạt phắt điện thoại, chỉ còn biết khóc chứ chẳng suy nghĩ được gì. Em cũng yêu mẹ lắm, cũng hối hận lắm. Mấy ngày sau em mới có đủ dũng khí về quê làm lành với mẹ", cậu cho biết thêm.
Linh (25 tuổi, Hà Nội) cũng một lần rơi vào hoàn cảnh tương tự cách đây vài năm. Dịp 20/10, vừa có người yêu, đầu óc Linh chỉ băn khoăn suy nghĩ một điều là tặng quà gì cho bạn gái để thể hiện tấm lòng.
"Trước đó tôi đã suy nghĩ nên mua gì cho bạn gái nhưng đến ngày hôm sau lại không ưng. Tôi chạy xe nhiều cửa hàng lưu niệm ở Hà Nội, cuối cùng mua tặng cô ấy một gối ôm thêu tên hai đứa. Tối hôm đó lại dẫn bạn gái đi ăn, xem phim, sau đi hóng gió nữa. Bao nhiêu lời ngọt ngào tỉ tê hết với bạn gái", Linh chia sẻ.
"Gần 12h đêm tôi mới bước vào nhà, miệng còn huýt sáo vì lâng lâng hạnh phúc. Lúc mở cửa ra thì thấy mẹ đang ngồi trong bóng tối. Mẹ nhẹ nhàng bảo 'ngủ sớm mai còn đi học con', vẫn cái giọng nhẹ nhàng như mọi ngày, tôi mới sực nhớ ngày hôm nay đã không hoa, không quà, không một lời chúc đến mẹ", Linh kể thêm.
Ngay sau đó, chàng trai lém lỉnh đã ra ôm mẹ, nói xin lỗi kèm theo một lời chúc. "Tôi biết mẹ nằm ghế sopha là muốn chờ tôi về. May mà sơ sẩy của tôi vẫn chưa lên đến mức rạn nứt tình cảm mẹ con. Tôi đã kịp chúc mẹ, ngày hôm sau có quà bù. Còn chuyện tình với cô gái ấy cũng chấm dứt sau đó không lâu", Linh cho biết.
Được mệnh danh là "đào hoa, sát gái", Minh Hoàng (cựu sinh viên Đại học Giao thông vận tải) - hiện làm ngành xây dựng cũng mắc lỗi "dại gái quên mất mẹ" vào ngày Phụ nữ Việt Nam.
Hoàng kể, hồi cậu đang còn là sinh viên, chưa có được đồng ra đồng vào, cái tính hào phóng, ham vui bạn vui bè, nên cứ đến các dịp lễ tết là cậu đều phải xin mẹ cho thêm cho ít tiền. Trước hôm đó mẹ đã gửi thêm cho cậu 500.000 đồng vừa đóng liên hoan cho chị em trong lớp, vừa có thêm khoản mua cho người yêu.
"Tiêu thế nào mà tôi hết sạch, hỏi vay thì thằng nào cũng hết. Lại đành phải gọi về xin mẹ gửi thêm. Lúc bắt máy mẹ rất tâm lý hỏi 'Con trai lại hết tiền rồi đúng không', tôi chỉ rụt rè 'Mẹ gửi thêm cho con ít nữa nhé'. Tối hôm đó lại có tiền dẫn bạn gái đi chơi. Chỉ khi ngày đó qua đi tôi mới nhớ là chưa chúc mẹ. Khổ thân mẹ lo cho bố con tôi bao nhiêu năm trời mà chưa lần nào được nhận một bông hoa, món quà từ những người đàn ông trong gia đình", Hoàng cho biết.
Theo một giảng viên tâm lý Học viện Hành chính quốc gia, việc những người đàn ông quên chúc mừng mẹ, chị em gái vào dịp 20/10 hay 8/3, không phải là hiếm.
"Bản tính của đàn ông là chinh phục. Họ luôn muốn thể hiện, tìm kiếm, chinh phục những cái mới. Ngày 20/10, họ muốn mình sao cho đẹp nhất, ga lăng nhất trong mắt bạn gái. Luôn đặt vấn đề quà cáp, thời gian, công sức cho bạn gái - người phụ nữ họ đang muốn có mà quên mất những người mẹ cũng là phụ nữ, cũng cần được quan tâm". Chuyên gia tâm lý khẳng định chuyện này là bình thường, dù trẻ hay già, bản tính này của đàn ông vẫn không thay đổi.
Còn những người mẹ hy sinh cả đời cho chồng, cho con, nếu có may nhận được hoa, quà từ những người đàn ông thì họ ngại ngùng, thậm chí còn mắng yêu "mua làm gì, vẽ vời" nhưng thực ra bên trong người phụ nữ luôn muốn được yêu thương. "Không cần phải quà cáp xa xỉ nọ kia, một tin nhắn, lời chúc, một câu động viên cũng đủ để người mẹ thấy rằng trong mắt chồng/con, mình vẫn còn có giá trị", chuyên gia tâm lý phân tích.
Phan Dương