Theo thống kê của PRS, tổ chức chuyên xử lý các vấn đề tác quyền âm nhạc tại Anh, những bản hit của các nghệ sĩ Anh như Adele hay Calvin Harris trong năm qua đã giúp nền âm nhạc nước này bội thu về tiền tác quyền âm nhạc. | |
188 triệu bảng mới chỉ là con số thống kế từ 90.000 nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, nhà sản xuất âm nhạc của Anh có sản phẩm âm nhạc “xuất khẩu” sang 150 nước khác. PRS cho biết tổng lượng tiền thu được từ khắp các thị trường âm nhạc trên thế giới của tất cả các nghệ sĩ Anh gộp lại lên tới con số kỷ lục 630,8 triệu bảng. Năm 2011 được coi là năm “làm ăn phát đạt” nhất của các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc người Anh. Con số 187,7 triệu bảng Anh mà họ thu được đã tăng 10% so với lợi nhuận thu về năm 2010. Theo PRS, lượng tiền tác quyền thu được từ nước ngoài đã tăng gấp đôi trong thập niên vừa qua. Tiền này phát sinh mỗi khi một bài hát của Anh được chơi trên truyền hình, đài phát thanh, trên mạng hay tại bất cứ sự kiện nào ở nước ngoài. Tiền thu về được chia cho cả người sáng tác và người biểu diễn. Năm 2002, con số này mới ở mức 88 triệu bảng. Sau một thập kỷ, nó đã tăng lên gấp đôi - 188 triệu bảng. Hai lý do chính được đưa ra là âm nhạc của Anh ngày càng được yêu thích tại các quốc gia khác và luật bản quyền đang ngày càng được siết chặt hơn. Tiền tác quyền thu được từ các liveshow âm nhạc tăng từ 2,2 triệu bảng năm 2002 lên 21 triệu bảng năm 2011. Một phần lớn nhờ vào những liveshow hoành tráng và rất thành công của những ban nhạc và nghệ sĩ tên tuổi tại Anh như The Rolling Stones, Muse và Paul McCartney. Tiền tác quyền tăng mạnh một nhờ vào những liveshow âm nhạc thành công của những ban nhạc Anh lừng danh như Muse. Nền công nghiệp âm nhạc của nước này đã gặt hái lợi nhuận không nhỏ nhờ vào sự hợp tác với những nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ như Rihanna, Nicki Minaj… Họ thường đặt hàng với các nhạc sĩ người Anh như Calvin Harris và Fraser T. Smith. Sự hợp tác của các tên tuổi này thường tạo nên các hit đình đám và giúp nâng tầm thương hiệu cho các nhạc sĩ Anh. Tiền tác quyền của các chương trình TV cũng tăng từ mức 29 triệu bảng năm 2002 lên 60 triệu bảng năm 2011 nhờ vào những gameshow âm nhạc thành công của Anh khiến các chương trình âm nhạc ở các nước khác phải “hỏi mượn ý tưởng” như X Factor hay American Idol. Tiền tác quyền thu được từ mạng Internet là thấp nhất nhưng cũng đã nhích dần lên trong những năm gần đây. Hiện nay con số này mới ở mức 2 triệu bảng nhưng theo dự đoán của PRS trong tương lai gần, nó sẽ tăng lên gấp đôi. Câu chuyện thành công của nước Anh Anh, Mỹ, Thụy Điển hiện nay là ba nước duy nhất trên thế giới có thể xuất khẩu âm nhạc trên quy mô quốc tế. Karen Buse, giám đốc của tổ chức PRS nói rằng: “Có rất nhiều yếu tố tạo nên thành công của các nhạc sĩ và ngành công nghiệp sản xuất âm nhạc của Anh trên thị trường quốc tế. Năm qua là một năm thăng hoa rực rỡ của ngành phân phối âm nhạc thông qua các ‘sân băng’ như Thế vận hội Olympic 2012. Những màn biểu diễn tại Thế vận hội đã gửi đi thông điệp rằng âm nhạc là một trong những câu chuyện thành công của nước Anh.” Bản hit We Found Love của Rihanna được viết bởi DJ – nhạc sĩ người Anh Calvin Harris. “Số tiền thu về này sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của nước nhà và gia tăng sức sáng tạo cùng sự đa dạng văn hóa của nghệ sĩ Anh.” Brazil là một trong những thị trường “tiêu thụ” nhạc Anh lớn nhất và nơi đây sẽ tiếp tục là một thị trường quan trọng của Anh với lượng tiền tác quyền thu về từ Brazil rơi vào tầm 1,6 triệu bảng chỉ trong 2 năm. Brazil cũng trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với các nghệ sĩ Anh khi chọn tổ chức tour lưu diễn ở nước ngoài bởi những khoản lời bất ngờ thu được. Thị trường này sẽ ngày càng phát triển sau khi tổ chức hai sự kiện thể thao lớn của thế giới là FIFA World Cup 2014 và Thế vận hội Olympic 2016. Để gia tăng lượng tiền thu về trong tương lai, Anh sẽ quan tâm hơn tới những thị trường âm nhạc tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Âu. Bích Ngọc
Theo BBC
Thị trường Anh “xuất khẩu” âm nhạc hàng đầu thế giới
10
5
1
|
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|