Ngân Hà 24 tuổi, lên xe hoa với người hơn mình 15 tuổi nhưng đẹp trai, lịch lãm, có tài khoản hàng tỷ đồng. Sau ngày cưới, cô thực sự choáng khi phải thay vai trò ôsin trong tòa nhà lớn, phục vụ chồng, vì anh bảo “tự làm cho đỡ tốn”. | |
Hà tự nhủ, ở nhà mình làm việc giúp mẹ, bây giờ về hầu chồng cũng chẳng sao. Vậy là ngoài chợ búa, cơm nước, giặt giũ, Hà còn phải lau rửa, dọn dẹp cả tòa nhà. Ngày một ngày hai không thấy vấn đề gì, nhưng lâu dần cái lệ phục vụ chồng làm cô ức chế. Vốn cam chịu, Hà nghĩ rồi có ngày chồng phải nghĩ lại để mình đỡ vất vả hơn, thuê người giúp việc theo giờ chẳng hạn… Nhưng rồi cô thất vọng khi đã bụng mang dạ chửa mà chồng vẫn “quả bơ”, đùn việc nhà cho vợ.
Điều Hà cảm thấy buồn chán nhất chính là không chia sẻ được với ai, vì trót mang tiếng có chồng giàu, có “xế hộp” đẹp đời mới, đi đâu cũng có chồng đưa đón. Nhiều lúc tủi thân, cô chạy về nhà ngoại, nhưng cũng chỉ tấm tức khóc, không dám tâm sự vì sợ mẹ buồn.
Ấm ức cứ giữ trong lòng cho đến ngày sắp sinh. Không thể chịu được ông chồng keo kiệt, Hà lên diễn đàn của các bà mẹ trẻ tâm sự bằng hết, rằng cô không thể ngờ được người chồng giàu sang ấy lại tính toán thiệt hơn trong chuyện tiền nong với mình như vậy…
Rồi dường như anh thay đổi một chút từ sau khi vợ “vác mặt” lên diễn đàn tâm sự, chắc là anh đọc được, thấy hoàn cảnh, câu chuyện giống vợ mình. Anh bảo với Hà rằng: “Thôi, bây giờ em không cần phải đi làm để có thêm tiền chi tiêu nữa. Mỗi tháng anh đưa thêm 5 triệu đồng, bằng lương hằng tháng của em, em thích tiêu gì thì tiêu…”. Chị nhẩm tính, vậy là chị không phải đi làm vất vả, cộng thêm 5 triệu vào số tiền cố định chồng đưa trước đó nữa thì vẫn không đủ, nhưng cũng đành chấp nhận vì không ra ngoài thì đỡ tiêu pha.
Chuyện của chị Ngọc, nhân viên của một công ty tư nhân ở quận Hoàn Kiếm, lại khác. Từ ngày lấy chồng, chị luôn sống trong tình trạng không còn xu dính túi khi còn một tuần nữa mới đến ngày nhận lương tháng kế tiếp. Chồng chị cũng là công chức bình thường, ngày trước tiền chỉ đủ tiêu cho từng tháng nếu biết co kéo. Từ thời “nhà nhà buôn chứng khoán”, anh phất lên trông thấy nhưng không vì thế mà chi mạnh tay, vẫn là cách chi tiêu tiết kiệm đến mức vợ không chịu được. Anh bảo tiền kiếm được anh vẫn phải cất giữ, tiết kiệm cho chuyện lớn. Còn lương của vợ và một nửa lương của anh cộng lại là đủ cho ba người tiêu trong một tháng.
“Ôi trời, lương em 3 triệu, cộng với nửa lương anh 3 triệu, ba cái miệng ăn một tháng với hàng trăm khoản tiêu phát sinh khác, không thể đủ được”, chị nhăn mặt kêu với chồng. Nhưng anh chỉ đáp lại: “Tùy em lo liệu, anh chỉ có thế thôi, 6 triệu cho một tháng là quá nhiều, những cặp vợ chồng công nhân, lương chỉ có 1,2 triệu vẫn sống tốt đấy thôi”. Chị cũng đành ngậm ngùi: “Vậy thì anh đừng đòi hỏi phải ăn ngon, đồ dùng đắt tiền nữa nhé”. Chị Ngọc kể, gia đình chị thường xuyên xảy ra cãi vã vì chuyện tiền nong. Chị không chịu được tính chi ly của chồng, còn ông chồng lại đay nghiến vợ vì không biết cách tiêu tiền và hay chi quá tay.
Rồi mấy cô đồng nghiệp mách nước cách “móc ví” của chồng: Mỗi sáng, mở ví chồng, lấy từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng… cho bõ tức. Nhưng sau khoảng 15 lần áp dụng chiêu thức này, vợ chồng Ngọc lại cãi lộn vì chị dám mở ví của anh lấy tiền. Kết cục của những cuộc cãi vã vẫn là mỗi người quay đi một phía. Rồi chị quyết ôm con về nhà ngoại sống để được thoải mái hơn. Ngọc cho biết, từ ngày sống với ngoại, chị không lâm vào cảnh “giật gấu vá vai” khi chưa đến ngày lĩnh lương như trước, nhưng khoảng cách giữa vợ chồng ngày một xa.
Sau ba tháng sống “ly thân tạm”, chồng Ngọc đành xuống nước đón vợ về và đồng ý để chị quản lý một phần ba số tiền anh có, kèm theo điều kiện chỉ tiêu những thứ phát sinh quan trọng.
Chị Thủy, công tác một Bộ, thì kể về anh chồng giàu của mình như chuyện đùa: “Hồi mới cưới về, anh ấy vừa cười vừa tuyên bố rằng anh có nhiều tiền, nhưng phải dành dụm cho con cái học hành sau này. Anh là dân kinh doanh, không có tiền lương, chi dùng hằng tháng chủ yếu là lương của em. Còn những khoản lớn khác anh sẽ đảm trách”.
Nhưng ngày cận Tết, anh vẫn không đả động gì đến việc đưa thêm tiền cho chị mua sắm. Với lương theo bậc của một đại úy công an, chị thu vén lắm cũng chỉ đủ những “khoản cứng”. Sống giữa Thủ đô, bao nhiêu “khoản mềm” khác tốn không kém. Thảo luận mãi, cuối cùng anh quyết định đưa cho chị thêm một triệu đồng để vợ “tha hồ sắm tết”.
Vậy mà ngày đón chị về, anh tổ chức cưới đình đám ở một khách sạn lớn với tiền đặt cỗ tính bằng USD!
Có nhiều lý do để một người đàn ông trở nên ki bo. Trước tiên phải nói đến tính cách của anh ta, từ trước đến nay vẫn thế. Nhiều anh sinh ra trong gia đình nghèo khó, chưa bao giờ được cầm một số tiền lớn nên tính căn cơ đã ngấm vào máu. Thành ra ngay cả khi kiếm được tiền kha khá, anh ta vẫn giữ thói “chi tiêu có chừng có mực”, đúng kiểu “được mùa chớ phụ ngô khoai”. Với mẫu đàn ông như thế, hãy chấp nhận chung sống với người chồng này và tự an ủi mình rằng, “đến vợ anh ta còn ky bo, chắc chẳng để lọt một đồng ra ngoài”.
Lý do thứ hai, đó là một trong các cách để lấy lại sự tự tin đàn ông. Đàn ông muốn điều khiển, khống chế, ra oai với vợ nhưng chẳng còn cách nào, đành dùng tiền để khống chế, thể hiện quyền lực. Người này sẽ sung sướng vô cùng khi vợ phải khổ sở, năn nỉ xin tiền của anh ta, thế là anh ta được dịp ra oai.
Đây là kiểu bạo lực gia đình tinh vi, bạo lực về kinh tế. Nếu không nhất thiết phải moi tiền của chồng, chị em hãy để “mặc anh ta với tiền của anh ta”, miễn sao có đóng góp cho chi tiêu chung của gia đình ở mức độ chấp nhận được. Còn nếu vợ chỉ chăm chú vào túi tiền của anh ta thì phải chấp nhận bị sỉ nhục, coi thường.
Theo Khánh Ngọc Báo Đất Việt |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|