Tìm kiếm: Video    Nhạc Mp3    Tin tức

Trang Tin Tức

Dành cho QC:
Teen chán sống vì quá say game online
Bị bố nhốt trong nhà, không cho chơi game online, Hưng đã uống hết lọ thuốc ngủ của mẹ để tự sát. Rất may, có người phát hiện sớm, Hưng được cứu sống nhưng sau đó lúc nào cũng ngơ ngẩn vì nhớ "Võ lâm truyền kỳ".
>

Từ khi đi học đến hết cấp 2, Hưng, con trai anh Hà ((Hiệp Hòa, Bắc Giang) luôn học giỏi, ngoan ngoãn. Vì thế, khi nghe cô giáo chủ nhiệm gọi đến thông báo con thường xuyên bỏ học để đi chơi game, anh Hà giật mình.

Từ đó, anh bắt đầu thực hiện chính sách quản lý con gắt gao: Hưng không được cho bất cứ khoản tiền nào. Tiền học phí, gửi xe tháng được bố mang đến tận trường đóng, các dụng cụ học tập Hưng nói cần mua bố cũng đi sắm cho. Nếu phải học thêm buổi chiều, trưa Hưng phải đạp xe về nhà ăn cơm chứ không được ở lại trường luôn như trước. Ngoài giờ học, Hưng không được đi đâu. Thế nhưng, mọi cách đều chẳng ăn thua. Hưng lại trốn học ra quán net, còn tiền ở đâu ra thì không ai biết.

Vợ chồng anh Hà càng lo lắng hơn khi thấy con ngày càng gầy gò, ăn uống thất thường, chẳng để ý gì đến lời bố mẹ, mặt mũi lúc nào cũng thất thần. Khi con bị đuổi học vì bỏ tiết quá nhiều, không thi, anh Hà quyết định nhốt con trong nhà, không cho ra ngoài nữa. Hưng đã dọa bố mẹ sẽ tự tử nếu không được chơi game, nhưng anh Hà vẫn cương quyết. Và cuối cùng, Hưng uống thuốc tự vẫn thật.

Ảnh: Hoàng Hà.
Ảnh minh họa: Nhiều teen có thể trốn nhà, "ở ẩn" vài ngày đêm trong quán net để chơi game online. Ảnh: Hoàng Hà.

Tiến sĩ Bùi Quang Huy, chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Hà Đông, Hà Nội, cho biết, mỗi tháng, khoa tiếp nhận hàng chục trẻ nghiện game online, cháu nào cũng gày gò, thân hình chỉ còn da bọc xương. Có nhiều em mê game đến mức khi bị cấm đoán đã dọa tự tử hay tự tử thật như trường hợp cháu Hưng.

Theo bác sĩ Huy, nghiện game online là một dạng đặc biệt của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, đa số phụ huynh có con mắc chứng này đều cho là con hư nên cố gắng tìm cách cấm đoán hay cải tạo mà không hề nghĩ đến việc cần phải chữa bệnh cho trẻ.

"Khi nghiện game online, trẻ mất hết hứng thú với các sở thích khác. Trẻ trở nên vô cùng chậm chạp, lười nhác trong các hoạt động khác và luôn tỏ ra uể oải, mệt mỏi. Đa số trẻ thường chơi đến quên ăn, quên ngủ nên sút cân nhanh chóng", bác sĩ Huy giải thích.

Ông cho biết, các trẻ nghiện game online thường là vị thành niên, chủ yếu là các em trai. Bệnh nhân lớn tuổi nhất mắc chứng này từng điều trị tại khoa là chàng sinh viên 28 tuổi. Theo lời bác sĩ, anh chàng này đã học tới 10 năm tại Đại học Bách Khoa nhưng vẫn ở năm thứ nhất. Vì quá mê chơi game online, anh này đi học rồi lại bỏ, sau đó được gia đình xin bảo lưu, học lại, rồi bỏ tiếp, mê mải với "Chinh đồ". Mới đây, người nhà phải đưa anh vào khoa tâm thần nhờ cai nghiện vì con họ không còn tha thiết bất cứ việc gì ngoài game, lúc ngủ cũng vẫn mơ sảng đòi đi "đánh".

Không chỉ có các teen nam, nhiều thiếu nữ cũng trở thành tín đồ cuồng si của game. Văn phòng thám tử Hoàng Nhân (phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội) cho biết, họ đã nhiều lần được nhờ tìm con - những trẻ mê game rồi theo bạn bè bỏ nhà "dạt" vào quán net cả tuần. Trường hợp gần đây nhất là một cô bé mới 16 tuổi.

Khi phát hiện cô con gái vốn ngoan hiền đang học lớp 11 hay trốn học theo bạn đi chơi game online, bị đuổi học, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã rất sốc. Sau nhiều lần phân tích, giảng giải và cả dọa dẫm, mắng mỏ con mà vẫn chẳng có tác dụng, chị tuyên bố không cho cô bé đi đâu nữa. Thế nhưng, trong lúc bố mẹ đi làm, cô bé đã lừa người giúp việc rồi bỏ trốn ra ngoài và mấy ngày liền không về nhà. Lo lắng, sợ con làm liều, chị Hoa đã nhờ thám tử tìm giúp.

Sau gần một tuần lần tìm nhiều manh mối, bằng nghiệp vụ đặc biệt, các thám tử đã tìm thấy cô bé trong một quán net ở cách nhà 5km. Em đã ngồi lỳ chơi game suốt 30 giờ, chỉ uống một cốc sữa tại quán. Khi bố mẹ đến đón, cô bé người hốc hác, mặt thất thần, miệng vẫn lảm nhảm nói về trò chơi của mình, không còn nhận ra bố mẹ nữa.

Tiến sĩ Đỗ Quang Huy cho rằng, không như nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ những trẻ học kém, ít được quan tâm thì mới nghiện game mà bất kỳ trẻ nào, nhất là những em có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với internet đều có thể mắc bệnh. Tất nhiên, những em ở xa gia đình, chán học, bố mẹ không quan tâm thì có nhiều điều kiện để bị lôi kéo vào các trò chơi này và dễ sinh nghiện hơn.

Theo ông, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải phát hiện sớm để chữa trị cho con kịp thời. Cần để ý ngay những dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ nghiện game là: kết quả học tập giảm sút, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, mất ngủ, ăn uống thất thường, sút cân, tiêu tiền không có lý do chính đáng, tiếp xúc mới máy tính quá 2 giờ mỗi ngày...

Ông cho biết, nhiều ông bố bà mẹ đã tự "cai" cho con bằng cách nhốt con lại, không cho tiếp xúc với bên ngoài hay gửi con đến các lớp cai nghiện game với những khóa học như trải nghiệm cuộc sống trong nhà chùa hay vào quân ngũ... để trẻ đoạn tuyệt khỏi trò chơi nguy hiểm này. Tuy nhiên, đó chỉ là cách để cắt ngang "cơn nghiện", trẻ vẫn có thể tái nghiện. Theo ông, muốn điều trị tận gốc, cần phải dựa trên cơ sở điều trị trầm cảm bằng thuốc (thuốc chống trầm cảm kết hợp thuốc chỉnh khí sắc) và liệu pháp nhận thức. Quá trình chữa trị này khá đơn giản, nhưng khoảng 4-8 tuần mới có kết quả.

Tuy nhiên, cắt cơn nghiện chỉ là bước đầu, việc quan trọng hơn là củng cố để trẻ không nghiện lại, tối thiểu phải kéo dài thêm một năm. Đa số các trường hợp nặng phải củng cố trong 5-7 năm, khi trẻ đã trưởng thành, không còn đi học.

"Sai lầm của đa số bệnh nhân và người nhà là thường bỏ thuốc quá sớm, khiến trẻ tái phát, sau đó, lại cho rằng quá trình điều trị không hiệu quả nên không cho trẻ chữa tiếp", ông Huy nói. Ông cho biết, trong quá trình này, các hoạt động thể dục thể thao, ngoại khóa rất quan trọng. Vì thế, bố mẹ cần luôn quan tâm, theo sát từng bước tiến của con, tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động thể chất, hoạt động xã hội lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi.

Vương Linh

* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.


Tin đã cập nhật trước đó
   Vô tình dạy con hư
Gần đây, chị Hoài (Gia Lâm, Hà Nội) thấy lo lắng vì cậu con trai 14 tuổi tự dưng trái...

   7 lỗi 'chết người' khi...
Say sưa với tình yêu đến quên cả bản thân, gọi điện, nhắn tin cho chàng quá nhiều hay "vượt...

   Sau đổ vỡ
Khải gọi điện cho Loan và hỏi thăm con gái. Lần đầu tiên sau hai năm ly hôn mới thấy...

   Bi kịch trong ngôi nhà...
Khi kinh tế phát triển, nhiều người có điều kiện xây cho mình ngôi nhà hiện đại với đầy đủ...

   Quên Viagra đi, đã có...
Chiếu sóng âm - một liệu pháp không đau mới - có thể giải quyết tận gốc tình trạng 'trên...

   Cảnh giác trước “của lạ”
Một nghiên cứu ở Pháp cho thấy, nếu vợ chồng sống xa nhau, nguy cơ đổ vỡ gia đình cao...

   Cải thiện thói quen lười...
Ngày nay, không ít trẻ được chăm sóc quá “kĩ lưỡng”, đôi tay ngoài việc dùng để làm bài tập...


 

© 2003 - 2004 Bản quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam - http://www.lmvn.com
®Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Mua bám tiệm Nail, Cần thợ Nail, BáoNail

Return to top