Là giám đốc một công ty về tài chính ở Hà Nội, trong mắt mọi người, anh Quang quá đủ đầy: vợ đẹp, con ngoan, làm ăn phát đạt. Không ai biết có lúc anh đã muốn vứt hết, bỏ đi thật xa vì cảm thấy trống rỗng, buồn chán và chẳng thể chia sẻ với ai. | |
Ở cơ quan, anh Quang luôn chu đáo với mọi người. Về nhà, anh cũng không để vợ con chê trách điều gì. Người ta luôn nhìn thấy anh vui vẻ, hăng hái. Thế nhưng, gần đây, anh luôn phải tìm đến thuốc ngủ mới chợp mắt được. Anh cảm thấy mệt mỏi, trống rỗng và đau đầu, mất ngủ thường xuyên. Đi làm, về nhà anh đều thấy mình lạc lõng, buồn chán. Thế nhưng, vẻ ngoài, anh không để lộ điều gì. Anh thấy không thể nói với ai, mà nếu có nói, chắc người ta sẽ không tin, thậm chí mắng "anh sướng thế rồi còn buồn nỗi gì". Cuối cùng, Quang đành tìm đến bác sĩ về tâm thần để được giúp đỡ. Và anh chỉ là một trong số rất nhiều người đàn ông thành đạt trở thành bệnh nhân của phòng khám về rối nhiễu tâm trí. Nhà tâm lý Lã Linh Nga, Phòng khám Tuna (phố Vọng, Hà Nội) cho biết, đa số mọi người vẫn nghĩ phái yếu thường dễ bị rối nhiễu tâm trí, trầm cảm bởi họ có quá nhiều sức ép, từ việc nhà, chăm sóc con cái, công việc đến nguy cơ chịu bạo hành gia đình... Thực tế, số nam giới bị các vấn đề này cũng nhiều không kém. Theo chị Nga, phần lớn nam giới tìm đến phòng khám đều là những người đàn ông thành đạt, giỏi giang, gần như hoàn hảo về cả hình thức lẫn tính cách, gia đình và địa vị xã hội trong mắt người khác. Và nhiều khi, chính cái vỏ quá hoàn chỉnh ấy trở thành một sức ép, khiến họ phải gồng mình lên chứng tỏ bản thân, để làm đẹp lòng mọi người, và sau đó sẽ cảm thấy mệt mỏi. Những người này thường rất thông minh, giao tiếp tốt và người ngoài sẽ khó nhận ra những vấn đề về tâm lý của họ. Bản thân họ cũng luôn sợ người khác biết điểm yếu của mình. Có nhiều người khi đến khám còn gửi xe cách xa hàng km vì không muốn ai biết mình phải nhờ đến bác sĩ tâm lý. Không ít trường hợp khi trò chuyện với bác sĩ hay các chuyên gia về tâm lý còn khai sai về địa chỉ, tên người thân hay cả tên thật, số điện thoại của họ. Trường hợp của Thức, 28 tuổi, bệnh nhân mới của Tu Na là minh chứng tiêu biểu cho điều này. Thức là con trai đầu của một gia đình quan chức cao cấp cấp Bộ. Từ nhỏ tới lớn, anh luôn là con ngoan, trò giỏi và niềm tự hào của bố mẹ. Khi vào đại học, Thức rất thích thi vào các trường về kinh tế nhưng bố mẹ lại hướng anh tới các khoa kỹ thuật, nghiên cứu. Thức chiều lòng phụ huynh nhưng vẫn ấp ủ ước mơ của mình. Ra trường, Thức được một người bạn rủ ra mở công ty riêng - trong lĩnh vực anh vốn rất yêu thích - nhưng bố mẹ lại gàn và đặt anh vào một vị trí đã để sẵn trong cơ quan của bố. Một lần nữa Thức lại dẹp khao khát của mình vì sợ bố mẹ thất vọng. Và từ đó, Thức luôn rơi vào trạng thái buồn chán, không hứng thú với công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, anh cũng chẳng dám thể hiện điều ấy ra cho bố mẹ hay bất cứ ai biết. Với mọi người, anh vẫn là người con hiếu thảo, chàng thạc sĩ đẹp trai, khéo ăn nói. "Tôi cảm thấy cuộc sống của mình vô nghĩa. Tôi không dám chia sẻ suy nghĩ của mình với bất cứ ai. Giờ bố mẹ mà biết tôi thế này, chắc các cụ xỉu ngay", Thức chia sẻ với chuyên gia tâm lý. Theo chuyên gia Linh Nga, vòng luẩn quẩn mà Thức vướng phải: Không dám vì chính mình, luôn cố làm mọi việc theo một chuẩn mực của xã hội, của mọi người xung quanh - buồn chán - không dám chia sẻ và cố tạo vỏ bọc - càng trống rỗng - rất hay gặp phải ở những người trẻ hiện đại. Một đối tượng nam giới cũng hay rơi vào trạng thái trầm cảm nữa là những người đàn ông bị "tắc" giữa công việc và gia đình. Họ dồn hết thời gian, công sức để phấn đấu cho sự nghiệp nên thiếu quan tâm đến gia đình. Vì thế "nửa kia" của họ thường cảm thấy thất vọng, nghi ngờ chồng. Những mệt mỏi, căng thẳng trong công việc cộng với sự lạnh nhạt, nghi kỵ ở gia đình khiến họ cảm thấy mình bị lạc lõng, cô đơn. Anh Hữu Bảo, 30 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội khi tìm đến phòng khám tâm lý đã thổ lộ rằng, không ai có thể ngờ một người thông minh, hoạt bát như anh nhiều lúc lại muốn chết bởi cảm thấy bế tắc khi không biết giải quyết cuộc sống của mình ra sao. Là trưởng phòng một công ty xây dựng lớn ở Hà Nội, anh được lòng cả cấp dưới lẫn cấp trên bởi tài ứng xử khéo léo và năng lực vững vàng. Vì đặc thù công việc, anh thường xuyên phải đi tiếp khách, khi thì bên đối tác, lúc lại là phía giám sát công trình... nên rất ít khi có mặt ở nhà. Dù cũng chẳng thích rượu chè hay những màn chiêu đãi karaoke, tươi mát, anh vẫn phải tham gia. Và mỗi ngày, khi anh về nhà lúc các con đã đi ngủ, người vợ vừa buồn, vừa tủi lại nghi ngờ chồng không chung thủy quay ra giận dỗi, chì chiết hoặc làm mặt lạnh với anh. Vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, anh Bảo cảm thấy chán chường. Anh không thể bỏ ngang công việc đang trên đà thăng tiến, cũng không thể trốn tránh tránh nhiệm với gia đình. Anh càng không thấy ai đủ tin tưởng để chia sẻ chuyện này và luôn có cảm giác cuộc sống vô nghĩa. Theo tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tu Na, xã hội càng phát triển, số người bị stress, trầm cảm càng nhiều bởi những gánh nặng, sức ép lên họ quá lớn. Với những người đàn ông tham vọng, cầu toàn thì điều này càng dễ xảy ra. Tình trạng của họ thường kéo dài và khó điều trị dứt điểm. Có rất nhiều bệnh nhân của phòng khám thường khất lần lịch hẹn chữa bệnh với bác sĩ vì quá bận. "Nguy hiểm nhất là những người này khi không thể chia sẻ với ai lại giải tỏa bằng rượu, thuốc lá, thậm chí là mua dâm... gây những nguy cơ về sức khỏe cho bản thân và khiến tình trạng rối loạn cảm xúc càng nặng hơn", bà Bưởi nhấn mạnh. Theo bà, điều các bệnh nhân này cần nhất là tìm được một người hiểu biết, tin cậy sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với họ mà không đưa ra phán xét gì. Nhà tâm lý trong trường hợp này sẽ phải phân tích cho họ về tình trạng hiện tại của bản thân, đưa ra những giải pháp để họ lựa chọn. Điều quan trọng là bản thân người bệnh phải thay đổi một số thói quen sống, công việc, sinh hoạt, biết tự giải tỏa áp lực cho bản thân bằng các hoạt động thể chất, giải trí lành mạnh. Họ cũng phải học cách thể hiện quan điểm, mong muốn của mình với những người xung quanh. Các bác sĩ thường gợi ý họ tự tìm trong các mối quan hệ hiện tại của mình một người có thể hỗ trợ, chia sẻ với họ. "Trong cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực hiện nay, mỗi người cần biết tự điều chỉnh bản thân và đánh giá đúng những gì thực sự quan trọng với mình, là tiền tài, danh vọng hay sức khỏe, hạnh phúc gia đình... để dành sự ưu tiên cho nó. Khi đã biết mục đích sống của mình và sống thực với bản thân, họ sẽ tìm lại được sự bình yên trong lòng và niềm hạnh phúc thực sự", bà Bưởi nói. Vương Linh * Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|