Mỗi lần đi nhậu nhẹt về thấy cái dáng cặm cụi một cách đến nhẫn nại của vợ anh lại thấy xót xa. | |
Đã gần chục năm trời rồi, vợ anh vẫn thế không hề thay đổi. Nhiều khi anh thầm nghĩ, tại sao cũng là con người đó nhưng những năm tháng trước đấy anh không hề cảm thấy nhàm chán. Vậy mà gần đây, anh bỗng xuất hiện cái cảm giác ấy. Anh biết có suy nghĩ như vậy là hoàn toàn tội lỗi.
Anh bắt đầu đi tìm nguyên nhân. Hóa ra cái nguyên nhân đó cũng chẳng phải khó khăn gì. Ngày xưa thời khốn khó, anh và chị chỉ biết làm để có cái ăn cái mặc và cho con ăn học. Do vậy, sự tảo tần đảm đang hoàn hảo của chị đã khiến anh phần nào nhẹ bớt gánh nặng gia đình mà yên tâm lo cho sự nghiệp. Còn bây giờ đời sống gia đình khấm khá hơn, người ta đòi hỏi sự thay đổi liên tục thì chị vẫn giữ nguyên bản chất của những năm tháng khốn khó ấy. Nghĩa là chị vẫn một mình lo tất cả mọi chuyện trong gia đình, tận tụy, chỉn chu đến từng ly từng tý khiến cho bố con anh nhiều khi giống như một công thức lặp lại tất cả chu trình công việc mà chị đã cài sẵn cho mình.
Công việc ở cơ quan của chị bây giờ cũng bận không kém gì anh, thế mà chị vẫn lo chu đáo tất cả việc nhà đến việc nước dù anh có khuyên chị nên thuê người giúp việc cho đỡ. Kinh tế gia đình đã khấm khá, thỉnh thoảng anh muốn đưa chị và các con đến một nhà hàng nào đó để ăn nhưng chị đều gạt đi với lý do ở đó đắt mà lại tốn kém, cứ mua về nhà chị chế biến chẳng khác gì nhà hàng lại tiết kiệm.
Hay nhiều hôm lĩnh tiền thưởng, anh muốn đèo chị đi sắm vài chiếc váy mặc cho hiện đại một chút, chị lại phàn nàn anh chẳng biết nhìn gì cả, chị đã hai con rồi ăn diện cho ai.
Đại khái, cái chu trình của vợ chồng, bố con anh nó cứ diễn ra đều đặn thế này: Sáng chị dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả gia đình rồi bắt đầu đánh thức mọi người. Sau khi ăn uống xong chị và anh mỗi người mỗi xe đưa các con đến trường. Chiều chị tan tầm về trước tiện đón cả hai đứa và đi chợ luôn. Về đến nhà chị vừa chuẩn bị bữa chiều vừa lau chùi dọn dẹp rồi nhắc các con tắm.
Cơm nước chuẩn bị xong thì anh về tới, chờ anh tắm rửa xong cả nhà ăn cơm. Xong xuôi các con lên phòng học bài chị lại lao vào tắm rửa giặt giũ rồi lại cọ rửa phòng vệ sinh cho đến gần 10 giờ. Nếu không phải là quần áo cho cả nhà thì chị lại quay sang kiểm tra bài vở của con rồi bắt chúng lên giường. Khi chị xong xuôi tất cả thì anh đã buồn ngủ ríu mắt. Và hình như công việc cũng làm chị mệt mỏi nên khi nằm cạnh anh chị cũng không có ý đòi hỏi. Thấy chị cứ như con thoi như thế nhiều khi anh có muốn đòi hỏi cũng không nỡ vì sợ vợ quá mệt; chỉ lúc nào có điều kiện thật thoải mái anh mới dám.
Sự nhàm chán ấy cứ lặp đi lặp lại mãi khiến anh có ý định thử liều cảm giác mới. Một lần, hai lần rồi thành thói quen khó bỏ. Cảm giác mới mẻ đầy lôi cuốn tựa như một ma lực từ cô gái trẻ ấy đã khiến anh quên chị, quên đi nghĩa vụ của mình trong gia đình. Nó giống như một người chưa bao giờ uống rượu nhưng khi uống vào rồi say, rồi đâm nghiện. Thỉnh thoảng tỉnh cơn say, lý trí của anh lại dằn vặt hối lỗi nhưng rồi bản năng lại như ma quỷ dẫn đường khiến anh ngày càng xa rời chị.
Thức tỉnh
Chị lặng lẽ trở dậy và xuống phòng khách ngồi sợ làm anh thức giấc. Cho đến tận bây giờ chị vẫn không thể nào tin được sự thật là anh đang phản bội chị. Chị bắt đầu xếp lại tất cả những gì xảy ra trong những năm tháng với nhau. Không, chị không hề có lỗi gì với anh và người thân. Trong mắt họ và gia đình mình chị luôn là người hiền thảo, tận tụy vì chồng con. Ai cũng khen chị vì điều đó, thậm chí nhiều người còn đưa chị ra để làm gương cho con cháu.
Chị bật đèn lên và ngắm lại mình trong gương. Chị đã khác nhiều tuy có gầy và hình như mang chút tiều tụy. Nhưng tất cả những dấu tích này là minh chứng hùng hồn cho sự tần tảo của chị vì gia đình và chị đã không lấy đó làm buồn mà ngược lại còn có chút vui mừng. Bàn tay chị có lẽ chẳng bao giờ được mang chút thon thả mà luôn xù xì, chai sạn vì phải cọ rửa, giặt giũ lau chùi quá nhiều. Cả da dẻ chị nữa, những năm tháng cực nhọc đã hằn dấu vết nhưng lại không hề được chăm sóc bôi dưỡng trông lại càng khắc khổ hơn.
Từ trước tới nay với chị tất cả điều đó không quan trọng chỉ vì trong suy nghĩ của chị gia đình và chỉn chu lo toàn cho cái tổ ấm ấy luôn sạch sẽ, luôn gọn gàng, chồng con luôn được chăm sóc chu đáo là trên hết. Làm đẹp và thậm chí tự chăm sóc cho mình hay để người khác chăm lo cho mình là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với chị. Chị đã hi sinh hết mình cho người khác như thế tại sao anh lại phản bội chị?
“Hãy để cho chồng tham gia vào công việc gia đình mà trước đây chị đã từng phải làm. Chị đừng xem anh ấy giống như các con của mình, đừng bắt anh ấy phải chịu đựng sự chỉn chu, đảm đang thái quá của chị. Nói cách khác là chị phải tự cởi trói cho chính mình. Chồng chị cần vợ bên cạnh để sẻ chia nỗi niềm nhiều hơn là ngày nào cũng phải co chân nhìn vợ làm việc như một cỗ máy mà không được giúp gì.
Chị hãy nhìn lại xem làm sao cái bàn tay lúc nào cũng sặc mùi hóa chất cọ rửa, giặt giũ làm cho chai sạn sần sùi này lại hấp dẫn hơn đôi tay mềm mại thơm tho? Làm sao trạng thái mệt mỏi lúc nào cũng thể hiện rõ rệt của chị lại có thể làm cho anh ấy hứng thú...” - Lời của chuyên gia tư vẫn như đánh thức tỉnh chị.
Có lẽ đúng như thế, tại sao chị lại không có quyền làm mới mình cơ chứ. Chị xứng đáng được như thế sau bao nhiêu năm vất vả. Chị cũng có quyền được để người khác chăm sóc thay vì lúc nào cũng phải chăm sóc người khác. Chị vẫn có thể giữ cho gia đình mình luôn gọn gàng sạch sẽ như trước đây mà không cần phải cặm cụi một mình.
Đến bây giờ chị mới nhận ra một điều người phụ nữ có thể dùng sự đảm đang của mình để chăm lo cho cuộc sống của gia đình nhưng không thể dùng nó để tự hủy hoại chính hạnh phúc của riêng bản thân mình. Chị bỗng cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi cầm máy gọi đến trung tâm giới thiệu người giúp việc gia đình. Chiều nay tan tầm, thay vì phải lao đi đón con, chị sẽ đến hiệu làm đầu và gọi điện cho anh đón con đến một nhà hàng nào đó.
Theo Thu Giang Đời sống Gia đình |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|