Tức giận vì cậu con trai liên tục bỏ học đi chơi, thậm chí còn trộm tiền nhà cho bạn chuộc xe, anh Thái (Mỹ Đức, Hà Nội) định đánh con thì nhận được lời thách thức: "Bố có giỏi thì ra sân đánh nhau tay đôi, xem mèo nào thắng mỉu nào". > / | |||
Nghe xong lời con nói, anh Thái choáng váng. "Loạn hết cả rồi. Tôi không hiểu bọn trẻ bây giờ sao lại đổ đốn thế", anh Thái bộc bạch với một người bạn. Cũng như anh, rất nhiều bậc phụ huynh kêu trời vì đứa con tuổi teen bỗng trở nên ngỗ nghịch, ngang bướng. Họ cảm thấy đau khổ, bất lực và kết luận lớp trẻ ngày nay quá hư hỏng. Bước vào phòng tham vấn tâm lý, Nhi - cô bé 16 tuổi, tóc lởm chởm nhuộm màu râu ngô, ngáo ngơ nhìn quanh phòng rồi ngồi phịch xuống ghế, gác hai chân lên mặt bàn, rút điếu thuốc ra châm, hút. Cô hất mặt nhìn chị tư vấn viên trẻ: "Em chả cần chị đâu, chẳng qua vì bà bô nói rát tai quá nên mới phải vào đây cho yên chuyện". Đây là một trong những chân dung các teen "hư" mà bố mẹ bất lực, không biết dạy dỗ kiểu gì, nên đã nhờ tới nhà tâm lý. Theo lời chị Diệu, mẹ Nhi thì con chị hỏng quá rồi, chị không biết dạy con thế nào nữa. Mọi cách chị có thể làm, từ khuyên nhủ đến mắng chửi đều vô tác dụng. Chị kể, cô con gái chị đua đòi theo bạn bè, thích ăn diện, toàn những "mốt" mà chị không thể chấp nhận được như mặc quần, váy rách te tua, tóc thì hết xù xõa xượi lại đến ngắn lởm chởm. Chị mắng, chửi, nó lại càng thách thức, không thèm nghe, bỏ vào phòng riêng đóng sầm cửa lại. Rồi gần đây, cô bé còn hay bỏ học, đi chơi, thậm chí có lần ngang nhiên dẫn bạn trai về nhà ngủ lại. Chồng chị Diệu nói, đánh con chán chê mà không thay đổi được gì nên chán nản, tuyên bố coi như không có đứa con gái này. Là mẹ, chị không muốn mất con nên chạy khắp nơi tìm cách cải tạo nó. Còn anh Hoàn, Gia Lâm, Hà Nội cũng đau khổ vì bất lực trước đứa con trai mà anh từng đặt bao kỳ vọng. Bước vào tuổi 14 tự dưng con trai anh thay đổi tính nết, đang từ cậu bé ngoan ngoãn bỗng lầm lỳ, ít nói, hơi tí là nổi khùng. Cậu bé chỉ thích tụ tập bạn bè, chơi game, mỗi khi bố rao giảng đạo đức, hay kể rằng hồi bằng tuổi con anh đã làm được bao điều thì nó hầm hầm bỏ đi. Có lần, anh Hoàn bực bội quá liền quát con: "Thằng mất dạy. Tao không chịu nổi mày nữa rồi. Tao làm việc quần quật lấy tiền cho mày ăn, mày học, mà giờ mày láo thế á?". Không ngờ, cậu bé nói thẳng vào mặt bố: "Ông để dành tiền đấy mà lo dưỡng già đi là vừa. Tôi sẽ không ở với ông đâu nhé". Văn phòng thám tử và tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội) từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp như trên. Theo ông Hoàng Dương Bình, trưởng văn phòng, đa số những phụ huynh tìm đến với nhà tham vấn khi đã vào đường cùng. Nhiều người, trước đó còn tìm đến cả thày cúng vì cho rằng con bị... ma ám nên mới trở chứng như vậy. Họ cho rằng con họ đã thay đổi, bị bạn bè lôi kéo hay có thể vì quá đủ đầy mà sinh hư. Theo nhà tham vấn, những điều này cũng có thể đúng, nhưng điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh đã quên mất vai trò của mình và đặc điểm của lứa tuổi với những thay đổi tâm, sinh lý, đặc trưng. Với mỗi trường hợp nhận tham vấn, đầu tiên, các chuyên gia sẽ phải qua các mối quan hệ, các hoạt động hằng ngày của trẻ để xác minh lại xem trẻ có bất thường gì về tâm lý, có nghiện ngập hay không, đồng thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em. Sau đó, họ sẽ tiếp cận, trò chuyện và gợi mở, giúp các em nhận rõ giá trị bản thân, thay đổi từ nhận thức đến hành vi của mình. Quá trình này thường phải kéo dài nhiều tháng. Ông Bình cho biết, rất nhiều phụ huynh phó thác cho nhà chuyên môn với kỳ vọng cải tạo đứa con "hư" trong vài ngày, thậm chí vài giờ tư vấn. Những trường hợp này, văn phòng đều từ chối. "Muốn giáo dục lại trẻ, người đầu tiên cần thay đổi chính là bố mẹ. Họ phải học cách chấp nhận con, hiểu con và quan trọng nhất là dành thời gian và sự quan tâm thực sự cho trẻ. Nếu không có những điều đó, bất cứ bài học, phương pháp nào với riêng trẻ cũng vô ích", ông Bình nói. Ông cho rằng, thực ra, quan điểm cho rằng, giới trẻ thời nay hư hỏng quá nhiều là hoàn toàn sai lầm và áp đặt. Thường những trẻ mà người lớn vẫn gọi là hư rơi vào những em vốn có tính cách tự do, lại sống trong môi trường ít được quan tâm, dễ bị lôi kéo. Một số trẻ lớn lên trong các gia đình có quá nhiều khuôn phép, bị đè nén cũng dễ "nổi loạn" hơn khi bước vào tuổi dậy thì. Ngoài ra, những gia đình khuyết thiếu, bất hạnh hay bố mẹ có lối sống quá phóng túng cũng sẽ là nguyên nhân khiến trẻ dễ sa ngã. "Thế hệ trẻ ngày nay khỏe khoắn và lành mạnh hơn nhiều so với trước kia. Thật ra, sự nổi loạn bên trong con người thời nào cũng có. Có điều, ngày xưa, với những khuôn khổ và hệ thống kiểm soát chặt chẽ, người ta ít có cơ hội để thể hiện bản thân hơn. So sánh có vẻ khập khiễng, nhưng ví như, trước đây, khi người ta cấm hôn nhau, các đôi nam nữ đành cố nín nhịn thôi, trong khi ai khi yêu mà chẳng muốn thể hiện cử chỉ âu yếm", ông Bình chia sẻ. Ông cho rằng, giới trẻ hiện nay có lối tư duy hiện đại và rất thông minh. Các em dám đối mặt với cuộc sống và dám thể hiện mình. Còn chuyện sự thể hiện ấy nếu có hơi quá, nhiều khi cũng do cách nhìn nhận hơi khắt khe các bậc phụ huynh. Bà Bùi Phương Nga, nguyên cán bộ Viện chiến lược và chương trình giáo dục, Bộ giáo dục cũng cho rằng, không phải trẻ ngày nay hư hơn mà có lẽ các bậc phụ huynh đã chậm hơn nên không thể theo kịp con cái. Bố mẹ vẫn lấy những chuẩn mực và khuôn mẫu xưa để khép con vào đó, rồi khi không được, họ lại đau khổ, thất vọng và cho rằng trẻ hư. Bà Nga cho rằng, tuổi ô mai vẫn luôn được các nhà tâm lý, giáo dục cho là tuổi nổi loạn - giai đoạn các em có những thay đổi tâm, sinh lý mạnh mẽ do sự phát triển của các hoóc môn - nên càng cần được bố mẹ quan tâm, định hướng và chia sẻ thật nhiều. Muốn làm được điều đó, các bậc phụ huynh phải có kiến thức. "Tất nhiên, không ai bảo dạy con tuổi này là dễ, nhưng nếu các bậc phụ huynh thay đổi cách nghĩ, thay vì muốn có một đứa con ngoan, biết vâng lời và sống theo các giá trị định sẵn, mà hướng tới giáo dục con trở thành một người có ích, có các kỹ năng sống lành mạnh thì họ sẽ đỡ đau khổ và thất vọng hơn", bà Nga chia sẻ.
Vương Linh * Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi |
© 2003 - 2004 Bản
quyền thuộc về Liên Mạng ViệtNam -
http://www.lmvn.com
|